Mưa, bão, lũ lụt tạo điều kiện thuận lợi cho vô số vi sinh vật (cả loại gây bệnh và không gây bệnh) từ đất, bụi, rác, đặc biệt là các loại chất thải... hòa vào dòng nước làm ô nhiễm môi trường, dễ dàng phát sinh dịch bệnh.
Thực tế cho thấy sau những đợt mưa, bão, lũ lụt xảy ra tại một số vùng miền ở nước ta, các bệnh đường ruột thường tăng lên đáng kể và có nguy cơ làm lây lan mầm bệnh tạo thành dịch nguy hiểm. Cụ thể là các bệnh đường tiêu hóa dễ phát sinh do nguồn nước bị ô nhiễm nặng, thường gặp nhất là bệnh tiêu chảy.
Đứng đầu là tiêu chảy cấp tính
Bệnh tiêu chảy cấp tính có thể do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây nên nhưng đứng đầu vẫn là vi khuẩn tả (Vibrio cholerae). Ở những vùng miền xảy ra bão lũ, nếu trong các nguồn nước có vi khuẩn tả thì cực kỳ nguy hiểm vì chúng có khả năng lây lan nhanh chóng. Bên cạnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả, vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn Shigella, lỵ Amip, vi khuẩn E.coli, Campylobacter và một số vi khuẩn đường ruột khác cũng đóng vai trò đáng kể trong việc gây bệnh tiêu chảy thường gặp ở vùng bão lũ. Công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm và nước dùng trong sinh hoạt (ăn, uống) không bảo đảm là nguyên nhân sinh sôi các loại vi khuẩn độc hại trên.
Khám bệnh về tiêu hóa tại một bệnh viện ở TP HCM (Ảnh: Tấn Thạnh)
Ngoài ra, bệnh tiêu chảy còn do các loại virus khác nhau gây ra mà một trong số đó có thể gặp trong mùa mưa lũ là Rotavirus. Ở trẻ em, nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do Rotavirus là rất lớn và khả năng lây lan cũng nhanh, nhất là khi dùng nước ăn, uống không hợp vệ sinh sau lũ lụt.
Người dân cũng có thể mắc các bệnh về đường tiêu hóa do virus viêm gan A, virus viêm gan E nên cần chú ý phòng tránh vì lẽ bệnh do 2 loại virus này khi xảy ra thì tác động kéo dài và rất phức tạp. Ngoài ra, bị nhiễm các loại giun sán, sốt vàng da, chảy máu sau lũ lụt do vi khuẩn Leptospira gây ra có liên quan trực tiếp đến nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh Leptospira. Chuột đào thải vi khuẩn này qua nước tiểu ra môi trường bên ngoài và hòa vào dòng nước. Trong và sau mưa lũ, nếu con người ngâm mình lâu trong nước thì vi khuẩn Leptospira rất dễ chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể.
Dự trữ thuốc, xử lý nguồn nước
Để ngừa dịch bệnh do nguồn nước bị ô nhiễm, các trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành cần cấp đủ Cloramin B, phèn chua cho các địa phương; cung cấp hóa chất cho từng hộ gia đình ở những vùng trọng điểm để xử lý môi trường và nguồn nước khi có mưa, bão, lũ lụt xảy ra. Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão cho các cơ sở y tế, giao nhiệm vụ cho các đơn vị đầu ngành lập tổ công tác cứu nạn đặc biệt phòng chống thảm họa để ứng phó kịp thời với các tình huống. Đối với mưa, bão, lũ lụt lớn, bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã, thành phố giúp các xã vùng thấp có phương án tổ chức sơ tán bệnh nhân lên vùng cao khi bị lũ lụt, sạt lở hoặc triều cường; chỉ đạo, điều hành và dự trữ thuốc men để cấp phát khi lũ lụt lớn xảy ra. Mỗi đơn vị phải chuẩn bị thức ăn dự trữ cho bệnh nhân và cơ số thuốc theo danh mục thuốc bão lụt để chuyển đến các điểm trọng yếu, các trạm y tế hay cụm dân cư giao cho các cơ sở chịu trách nhiệm khi có lũ lớn. Ở vùng sâu, vùng xa, cần vận động các hộ gia đình xây dựng tủ thuốc gia đình với các loại thuốc, hóa chất cần thiết như thuốc đau bụng, dầu xoa, thuốc nhỏ mắt, Orezol, Cloramin...
Công tác phòng ngừa xử lý nguồn nước cần được phổ biến và tuyên truyền rộng khắp đến từng hộ gia đình để mọi người nắm được và nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của các cơ quan y tế các cấp. Mọi người dân cần đến trạm y tế để tiêm phòng những loại bệnh về đường ruột. Các trạm y tế cố gắng có đủ loại vắc-xin phòng bệnh đường ruột cần thiết để giúp dân phòng tránh bệnh đường ruột sau mưa lũ một cách hiệu quả.