Chọn loại khẩu trang nào để ngừa dịch viêm phổi cấp do virus corona mới, khẩu trang y tế thông thường có ngăn được mầm bệnh hay không? hay cần phải khẩu trang chuyên dụng giá 30.000-50.000 hay tới 100.000 đồng/chiếc
Lo sợ bị nhiễm bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) xuất phát từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), những ngày qua nhiều người dân đã tìm mua các loại khẩu trang y tế để phòng bệnh.
Để ngừa lây nhiễm virus corona nhiều người đã tìm mua các loại khẩu trang chuyên dụng
Chị Trần Thu Hoài, nhân viên một hiệu thuốc ở quận Hoàn Kiếm, cho biết những ngày qua số lượng khẩu trang cửa hàng bán cho khách tăng đột biến. Hầu hết người mua là khách du lịch.
Ngoài các loại khẩu trang y tế thông thường có giá 2.000-3.000 đồng/chiếc nhiều người cũng tìm mua khẩu trang y tế phòng chống dịch N95 có giá từ 30.000-50.000 tới 100.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, nắm bắt được tình hình này trên, nhiều trang web đã rao bán các loại khẩu trang phòng chống virus corona với các mức giá, công dụng khác nhau.
Đeo khẩu trang y tế thông thường sẽ giảm nguy cơ nhiễm bệnh do virus corona
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng nguy cơ nhiễm viêm phổi cấp do virus corona cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng người dân không nên quá hoang mang và phải biết cách phòng bệnh. "Đó là không tiếp xúc với những người bệnh có các biểu hiện nghi ngờ viêm phổi và cả những bệnh khác để hạn chế lây lan cho mình. Nếu có tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang, vì đeo khẩu trang là hạn chế không để người bệnh lây cho mình, nhưng giả sử mình có bệnh cũng giảm sự phát tán những giọt chất lỏng chứa mầm bệnh vào không khí từ những cái ho hoặc hắt hơi giúp phòng bệnh cho người xung quanh. Còn nếu không có khẩu trang thì đơn giản là dùng tay che miệng, nhất là khi ho và hắt hơi"- ông Phu lưu ý.
Khẩu trang chuyên dụng như N95 thường được dùng cho nhân viên y tế khi tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh
PGS Trần Đắc Phu cũng cho biết khẩu trang y tế thông thường đủ khả năng phòng ngừa virus corona. Các loại khẩu trang chuyên dụng như N95 và quần áo bảo hộ chỉ dùng cho nhân viên y tế làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh hoặc cho người đi vào vùng dịch hoặc nơi cách ly bệnh nhân, nghi ngờ có virus. Hơn nữa, khẩu trang N95 được thiết kế quá chặt và có thể gây khó thở cho mọi người. Ngoài ra, người dân không cần mua thuốc xịt hay các loại chất tẩy rửa chuyên dụng, khẩu trang đặc biệt vì tốn kém và dư thừa không cần thiết. Chỉ cần vệ sinh nhà cửa bằng chất tẩy rửa thông thường cũng giúp phòng dịch bệnh và các chủng corona virus.
Các chuyên gia y tế cũng cho biết bất kỳ hình thức bảo vệ cơ thể nào, dù là khẩu trang hay mặt nạ phòng độc, đều có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh nhưng việc sử dụng khẩu trang cũng phải đúng cách. Nếu đeo khẩu trang nhưng vẫn dùng tay chạm vào mũi, miệng bên dưới lớp vải (để gãi ngứa, nghe điện thoại, ăn uống...) có thể mang theo các mầm bệnh tiềm tàng vào cơ thể.
Rửa tay với xà phòng giảm nguy cơ lây bệnh qua đường hô hấp
PGS Trần Đắc Phu cho biết ngoài đeo khẩu trang thì một biện pháp phòng bệnh nữa là rửa tay với xà phòng. Các nghiên cứu cho thấy rửa tay với xà phòng giảm được 44% sự lây truyền các bệnh hô hấp. Rửa tay và tránh tiếp xúc với người bị bệnh rất quan trọng trong việc ngừa bệnh lây qua đường hô hấp.
"Nếu như thời điểm trước đây có thể có người có những dấu hiệu của viêm phổi như ho, sốt, sốt nhẹ… trì hoãn đến các cơ sở y tế, thì lúc này cần phải đi khám, đặc biệt là những người đi từ nước ngoài về, đi từ Trung Quốc về hoặc có tiếp xúc với những người ở nước ngoài về có dấu hiệu nghi ngờ viêm phổi. Trường hợp xác định viêm phổi do virus corona chúng ta sẽ được cách ly điều trị ngay để tránh lây lan ra cộng đồng. Còn nếu không phải người bệnh sẽ được chăm sóc y tế và điều trị tốt. Việc không đến cơ sở y tế sẽ khiến bệnh tình nặng thêm và lây lan bệnh ra cộng đồng, kiểm soát dịch bệnh sẽ khó khăn hơn"- PGS Trần Đắc Phu đặc biệt lưu ý.
Cung cấp thông tin hành khách từ vùng dịch để điều tra Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND 11 tỉnh/thành phố: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Kiên Giang chỉ đạo các địa phương, đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV trên trang web của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế); hướng dẫn khách du lịch, người lao động đến từ các khu vực đang có dịch tại Trung Quốc chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng có công văn gửi Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoai giao; Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch đề nghị cung cấp thông tin và phối hợp điều tra bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Theo đó, các Bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế triển khai việc chia sẻ các thông tin về họ tên, tuổi, số hộ chiếu, lịch trình đi lại trong vòng 14 ngày gần nhất, số ghế ngồi trên các phương tiện vận tải, địa chỉ nơi cư trú tại Việt Nam, thông tin liên hệ và số điện thoại (nếu có) của công dân các nước khi nhập cảnh vào Việt Nam được phát hiện mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh do nCoV và những người đi cùng, tiếp xúc gần với người mắc bệnh theo yêu cầu của các tổ chức kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu hoặc cơ quan y tế có thẩm quyền. |