Bộ Y tế vừa ban hành thông tư về quy định kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Theo đó, bác sĩ khi kê đơn không được ghi tên thương mại mà viết theo tên chung quốc tế, tức là kê đơn hoạt chất gốc (INN, generic).
Nhiều ý kiến cho rằng quy chế kê đơn thuốc (có hiệu lực từ ngày 1-5) sẽ giúp người bệnh tiếp cận được thuốc an toàn, hợp lý, đồng thời siết chặt hoạt động này, chấm dứt tình trạng các công ty dược “bắt tay” với bác sĩ để đưa thuốc vào đơn kê cho bệnh nhân.
Thế nhưng, cũng không ít bác sĩ lo ngại rằng việc chỉ kê đơn theo tên thuốc gốc sẽ đẩy người mua vào tình trạng không biết lựa chọn thuốc nào hoặc phụ thuộc vào sự tư vấn của các dược sĩ, nhân viên bán hàng tại nhà thuốc, nhất là trong tình hình hiện nay ở hầu hết các hiệu thuốc, dược sĩ chỉ đứng tên trên danh nghĩa. Vì vậy, không loại trừ khả năng người mua sẽ “bị” tư vấn sử dụng thuốc đắt tiền hoặc các loại thuốc mà nhà thuốc được hưởng lợi.
(Ảnh minh họa)
Quy định kê đơn thuốc bằng tên gốc từng được Bộ Y tế ban hành năm 2008 song việc thực hiện không dễ dàng. Tình trạng kê đơn thuốc theo tên thương mại và tên biệt dược vẫn diễn ra phổ biến tại các cơ sở y tế. Từ thực tế điều trị, nhiều bác sĩ cho rằng quy định kê đơn theo tên gốc sẽ khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi cầm đơn tới hiệu thuốc. Bởi lẽ, thuốc là mặt hàng đặc biệt và mỗi loại thuốc gốc có rất nhiều biệt dược khác nhau với chất lượng, giá cả khác nhau… nên việc để người dân tự lựa chọn là không dễ dàng. Trong khi đó, nếu bác sĩ kê đơn biết chắc bệnh nhân cần dùng thuốc gì, biệt dược gì và tùy thuộc túi tiền của người bệnh, họ sẽ lựa loại phù hợp.
Một chuyên gia về dược thẳng thắn bày tỏ yếu tố lớn nhất quyết định tới việc kê đơn thuốc ở đây chính là lợi ích dưới hình thức “hoa hồng” mà các công ty dược dành cho không ít bác sĩ nếu họ kê đơn thuốc thương mại, biệt dược của công ty đó. Có một thực tế không thể phủ nhận là việc lạm dụng kê đơn thuốc thương mại, biệt dược đang khiến bệnh nhân “khổ chồng thêm khổ” do có thể bị đội chi phí điều trị. Thế nhưng, với quy định sẽ áp dụng tới đây, người mua không được bác sĩ, dược sĩ tư vấn mà sẽ phụ thuộc vào người bán thuốc, thậm chí cả những người không đủ kiến thức về dược lâm sàng.
Vấn đề cốt lõi mà ngành y tế cần phải làm cho được là giám sát việc kê đơn hợp lý. Bác sĩ phải chịu trách nhiệm về số thuốc, loại thuốc mình kê và phải “bảo hành” về chất lượng đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.
“Kê đơn hoạt chất gốc” gần như chỉ là hình thức chuyển “hoa hồng” kê đơn từ bác sĩ sang nhà thuốc. Khi đó, việc kê đơn an toàn với chi phí hợp lý vẫn chưa được thực hiện triệt để và người bệnh vẫn cứ khổ dài dài!