Ban đầu chỉ bị viêm kết mạc, nhưng thay vì đến viện điều trị thiếu niên này đã tự ý nhỏ thuốc chứa corticoid vào mắt, hậu quả mắt thiếu niên này không nhìn thấy gì.
Thông tin trên vừa được BS Vũ Anh Tuấn (BV Mắt Hà Nội 2) cung cấp chiều ngày 12/3, tại buổi họp nhân tháng hành động bảo vệ mắt cho bệnh nhân mắc bệnh Glôcôm vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Theo BS Anh Tuấn, nam thiếu niên 16 tuổi (quê Hải Dương) vừa được các bác sĩ phẫu thuật do bị glôcôm. “Đây là trường hợp khá hiếm gặp khi một người trẻ tuổi mắc căn bệnh này”, BS Tuấn chia sẻ.
Trước đó, thiếu niên này được chẩn đoán viêm kết mạc, sau khi hết đợt điều trị, bệnh nhân tự ý mua thuốc điều trị tiếp. Sau mỗi lần nhỏ thuốc, thiếu niên này cảm thấy mắt rất dễ chịu nên cũng nhỏ thuốc nhiều lần hơn (3-4 lần/ngày).
Sau hơn 3 tháng nhỏ thuốc, thiếu niên này bỗng thấy nhìn mờ, rồi không nhìn thấy ánh sáng, thậm chí còn phải nghỉ học vì mất thị lực. Khi đến viện khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị mù do mắc bệnh glôcôm.
Người dân tuyệt đối không tự điều trị bệnh về mắt.
Theo bác sĩ Tuấn, trường hợp người trẻ mắc bệnh lý này thường do lạm dụng thuốc chứa corticoid thuốc nhỏ mắt hoặc do có bệnh lý di truyền. Với trường hợp nam bệnh nhân nói trên, việc nhỏ thuốc kéo dài, không có chỉ dẫn của bác sĩ đã khiến bệnh nhân bị mù. Bệnh nhân được phẫu thuật mắt trái tuy nhiên khả năng thị lực bệnh nhân hồi phục như bình thường là không thể.
Đến thời điểm này, 3 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân chỉ có thể nhìn thấy bóng tay mờ mờ. Việc phẫu thuật này chỉ giúp bệnh nhân hồi phục một phần thị lực và có thể tự đi lại, sinh hoạt trong gia đình.
BS Tuấn cho biết, theo ước tính của tổ chức y tế thế giới, toàn cầu có khoảng 60,5 triệu người bị glôcôm và đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên 79,5 triệu người. Còn tại Việt Nam ước tính có khoảng 700.000 người mắc bệnh lý glôcôm.
BS Tuấn cũng cho rằng, tất cả mọi người ai cũng có nguy cơ mắc glôcôm. Tuy nhiên, nhóm đối tượng trên 40 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh glôcôm, dùng corticoid kéo dài…có nguy cơ mắc cao hơn.
BS Vũ Anh Tuấn cho biết có thể phòng tránh được mù lòa do glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và phải được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.