Sữa chua nổi tiếng là thực phẩm tốt cho tiêu hóa nhưng những người mắc bệnh lý dạ dày lại lo ngại nếu ăn sẽ làm tăng axit trong dạ dày, gây khó chịu. Vậy người đau dạ dày có nên ăn sữa chua không?
Vấn đề về dạ dày tương đối phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Các bệnh dạ dày chủ yếu liên quan tới thói quen ăn uống kém.
Vì vậy, những người mắc bệnh lý này thường khá quan tâm tới chế độ ăn uống để tránh làm bệnh tái phát. Do đặc điểm bệnh lý cần tránh ăn thực phẩm chứa axit nên nhiều người bị đau dạ dày băn khoăn việc có nên ăn sữa chua hay không.
Câu trả lời cho vấn đề này sẽ được giải đáp dưới đây.
Tác dụng của sữa chua với hệ tiêu hóa
Sữa chua được làm bằng cách thêm vi khuẩn như Lactobacillus bulgaricus và Streptococcus thermophilus vào sữa. Những vi khuẩn này khởi động quá trình lên men và chuyển đổi sữa tiệt trùng thành sữa chua.
Sữa chua giàu men vi sinh hay còn gọi là probiotic, khi dùng với lượng vừa đủ sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe, nhất là hệ tiêu hóa, cụ thể như sau:
- Cải thiện sự cân bằng vi khuẩn đường ruột: Sự cân bằng vi khuẩn đường ruột hiện được cho là một yếu tố quan trọng trong bệnh viêm khớp dạng thấp, ung thư và bệnh tim cũng như duy trì cân nặng khỏe mạnh, tâm trạng tích cực và làn da khỏe mạnh. Probiotic được công nhận rộng rãi là có lợi cho tiêu hóa, giúp giữ cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại trong đường tiêu hóa.
Sữa chua giàu men vi sinh tốt cho hệ tiêu hóa, giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột,... (Ảnh minh họa)
- Cải thiện hội chứng ruột kích thích: Trong một nghiên cứu, những bệnh nhân IBS (hội chứng ruột kích thích) thường xuyên tiêu thụ sữa chua hoặc sữa lên men có chứa một loại vi khuẩn bifidobacteria cụ thể, đã cho thấy sự cải thiện lâu dài về tình trạng đầy hơi và tần suất đi ngoài chỉ sau ba tuần.
Vi khuẩn lành mạnh trong ruột rất quan trọng cho quá trình tiêu hóa. Nghiên cứu cũng cho thấy những vi khuẩn nhỏ bé này đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hệ thống miễn dịch, phản ứng viêm và nhiều chức năng khác của cơ thể.
- Giảm tiêu chảy, táo bón: Sữa chua có chứa men vi sinh hoạt tính thường được khuyên dùng để ngăn ngừa hoặc làm giảm chứng tiêu chảy và táo bón liên quan đến kháng sinh.
- Cải thiện sức khỏe đường ruột: Một nghiên cứu khác cho thấy sữa chua chứa bifidobacteria giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và chức năng đường tiêu hóa ở những người khỏe mạnh nói chung.
Người bị đau dạ dày có nên ăn sữa chua không?
Nhiều người cho rằng sữa chua là thực phẩm có tính axit, người đau dạ dày không nên sử dụng vì có thể làm tăng tiết axit dạ dày, khiến bệnh trầm trọng hơn. Thực tế, sữa chua có tính axit nhẹ, thấp hơn nhiều so với nồng độ axit trong dịch vị tiêu hóa. Do vậy, người bệnh đau dạ dày vẫn có thể ăn món này bình thường.
Người đau dạ dày có thể ăn sữa chua vì lượng axit trong nó không cao. (Ảnh minh họa)
Hơn nữa, sữa chua giàu men vi sinh còn có lợi cho những người gặp vấn đề dạ dày, cụ thể như sau:
- Các nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng men vi sinh có thể giúp chống lại vi khuẩn H. pylori (HP) gây loét. Một thử nghiệm ngẫu nhiên vào năm 2015 cho thấy rằng việc kết hợp men vi sinh với phương pháp điều trị bằng kháng sinh tiêu chuẩn để điều trị vết loét đã đạt được hiệu quả tốt hơn.
- Lợi khuẩn trong sữa chua còn mang lại lợi ích cho đường ruột của người bệnh. Ví dụ, lactobacillus acidophilus tạo ra axit lactic và hydroperoxide ức chế vi khuẩn HP, thúc đẩy vi khuẩn có lợi phát triển, làm dịu tình trạng viêm, đau dạ dày.
- Lợi khuẩn bifidobacterium bifidum và bifidobacterium breve cũng góp phần cân bằng lại hệ vi sinh trong đường tiêu hóa, cải thiện hội chứng ruột kích thích, giảm áp lực tiêu hóa cho dạ dày. Bacillus coagulans tiết ra các chất giúp ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, bệnh viêm ruột, xoa dịu các vết viêm, loét.
Người bị đau dạ dày nên ăn sữa chua như thế nào mới tốt?
1. Bị đau dạ dày nên chọn loại sữa chua nào?
Với người khỏe mạnh, việc chọn sữa chua khá dễ dàng nhưng với người mắc bệnh dạ dày chẳng hạn như bị viêm loét, việc lựa chọn loại sữa chua nào cũng cần lưu ý những điều sau:
- Chọn sữa chua ít đường, ít hương liệu, không chất tạo màu hay chất bảo quản.
- Sử dụng sữa chua trắng không thêm hương vị hay các chất phụ gia. Vì các chất này không tốt cho tiêu hóa và có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý khác như béo phì, tiểu đường,...
- Ưu tiên chọn sữa chua bổ sung canxi và vitamin.
- Chọn sữa chua lên men tự nhiên sẽ rất tốt cho dạ dày và hệ tiêu hóa.
Người mắc bệnh dạ dày nên chọn sữa chua trắng, ít đường, nếu thích thêm hương vị có thể ăn cùng trái cây. (Ảnh minh họa)
2. Những lưu ý khi sử dụng sữa chua ở người đau dạ dày
Dù sữa chua tốt cho hệ tiêu hóa và dạ dày nhưng cũng không nên lạm dụng, ăn vừa phải và lựa chọn thời điểm ăn hợp lý. Người đau dạ dày cần chú ý những điều sau khi ăn sữa chua:
- Không ăn sữa chua khi đói, nên ăn sau bữa chính 1-2 tiếng.
- Không làm nóng sữa chua trước khi ăn.
- Chỉ nên ăn 3-4 cốc mỗi tuần.
- Có thể kết hợp với một số loại trái cây như chuối, táo,... hoặc các loại hạt.
- Những người đang dùng kháng sinh nhóm sulfonamides, chloramphenicol cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước để tránh làm giảm tác dụng của thuốc.