Nhờ đi khám sức khỏe định kỳ mà người đàn ông đã giúp cả gia đình phát hiện ra được mầm mống gây bệnh ung thư.
Mới đây, các bác sĩ của Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện trực thuộc số 1, Đại học Y khoa Chiết Giang (Trung Quốc) đã tiếp nhận một bệnh nhân ung thư dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) trong nhiều năm. Điều tồi tệ hơn là cả 5 thành viên trong gia đình anh đều là nhiễm loại vi khuẩn này.
Một người bị nhiễm HP, cả gia đình không thể thoát khỏi
Cuối năm 2023, công ty của anh A Yang (tên nhân vật đã thay đổi) ở Hàng Châu đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho toàn bộ nhân viên. Sai khi kiểm tra, A Yang được phát hiện có kết quả dương tính với Helicobacter pylori. Điều này khiến A Yang thắc mắc không rõ bản thân nhiễm vi khuẩn từ bao giờ.
Lúc này, A Yang chợt nhớ rằng cha anh là ông Li Bo, 50 tuổi, từng nội soi đường tiêu hóa tại một bệnh viện địa phương vào năm 2019 vì chứng hôi miệng lâu ngày và khó chịu ở dạ dày. Bác sĩ khi ấy đã chẩn đoán cha anh mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính và có thể bị nhiễm HP.
Tuy nhiên, ông Li Bo không để tâm điều đó vì nghĩ rằng hầu hết người già đều mắc bệnh này, ông cũng không kiểm tra vi khuẩn HP để xác nhận chẩn đoán mà chỉ nhờ A Yang mua trên mạng cho mình hai loại kem đánh răng được cho là có thể điều trị HP.
Người đàn ông đưa cả nhà đi khám và phát hiện ra cha mắc ung thư còn 4 thành viên khác trong gia đình nhiễm HP. (Ảnh minh họa)
Mấy năm trở lại đây, A Yang nhận thấy cha bị hôi miệng nặng lại thường hay kêu đau bụng, chướng bụng. Sau khi biết bản thân bị mắc HP, nghĩ đến người cha cũng đang gặp vấn đề nên anh kiên quyết đưa cha đi khám tại Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện trực thuộc Số 1, Đại học Y Chiết Giang.
Về tình trạng của A Yang, bác sĩ Xu Chengfu chỉ kê đơn thuốc và nhắc anh uống thuốc đều đặn cùng kiểm tra sức khỏe định kỳ. Riêng vấn đề của ông Li Bo lại không đơn giản. Kết quả kiểm tra cho thấy giá trị Helicobacter pylori vượt quá 1000dpm (phạm vi bình thường phải dưới 100dpm) và tình trạng nhiễm trùng rất nghiêm trọng.
Tiến hành nội soi dạ dày cho ông Li Bo, bác sĩ còn phát hiện có rất nhiều tổn thương ở ruột và hang vị dạ dày, niêm mạc dạ dày cũng teo lại. Bác sĩ Xu Chengfu cho biết những vết sẹo này trên dạ dày có liên quan tới vi khuẩn HP. Kiểm tra sâu hơn phát hiện ông Li Bo mắc ung thư dạ dày giai đoạn đầu.
A Yang rất sốc trước tình trạng của cha mình nên ngay sau đó đưa cả mẹ, vợ và em gái cùng đi khám. Kết quả cả gia đình đều nhiễm khuẩn HP. Bác sĩ cho rằng có thể thói quen ăn uống chung của cả gia đình đã làm lây nhiễm vi khuẩn.
Ung thư dạ dày có thực sự liên quan chặt chẽ đến nhiễm HP?
Ung thư dạ dày là khối u ác tính có nguồn gốc từ biểu mô niêm mạc dạ dày, có tỷ lệ mắc cao trên toàn thế giới. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,2 triệu ca ung thư dạ dày mới. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày thường liên quan đến bốn loại yếu tố.
Vi khuẩn HP là một trong những yếu tố dẫn đến ung thư dạ dày. (Ảnh minh họa)
Một là yếu tố di truyền, những người trong gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư dạ dày có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn đáng kể so với người bình thường;
Thứ hai là nhiễm Helicobacter pylori (HP), chất gây ung thư dạ dày cấp độ 1;
Thứ ba là các yếu tố về chế độ ăn uống, chẳng hạn như chế độ ăn nhiều muối trong thời gian dài, ăn nấm mốc, thực phẩm hun khói và chiên rán, uống rượu và hút thuốc quá nhiều,...
Thứ tư là các bệnh dạ dày mãn tính như viêm dạ dày mãn tính, polyp dạ dày, teo niêm mạc dạ dày, dị sản đường ruột, theo thời gian những tổn thương này cũng có thể chuyển thành ung thư dạ dày.
Vậy giữa nhiễm HP và ung thư dạ dày có mối quan hệ nhân quả trực tiếp hay không, sau nhiễm trùng bao lâu thì ung thư dạ dày xuất hiện?
Bác sĩ Xu Chengfu cho biết dù nhiễm HP không nhất thiết dẫn đến ung thư dạ dày nhưng phần lớn các trường hợp ung thư dạ dày đều liên quan đến nhiễm vi khuẩn này. Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày, bị loét dạ dày, viêm dạ dày mãn tính và thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc các khối u dạ dày thì HP là chất tăng tốc quá trình đó.
Do đó, kiểm soát nhiễm khuẩn Hp là biện pháp quan trọng nhất và có thể kiểm soát được để ngăn ngừa ung thư dạ dày.
Những thói quen xấu trong gia đình làm lây nhiễm HP
Thói quen ăn uống chung của nhiều gia đình dễ làm lây truyền vi khuẩn HP. (Ảnh minh họa)
Các phương thức lây truyền chính của HP là miệng-miệng, phân-miệng. Bộ đồ ăn, bàn chải đánh răng, nhà vệ sinh, thực phẩm và nước mà bệnh nhân nhiễm HP sử dụng có thể là nguồn lây nhiễm. Việc sử dụng chung bộ đồ ăn, chia sẻ thức ăn, nhai thức ăn rồi đút cho trẻ, hôn nhau, thói quen vệ sinh kém,... là hình thức lây truyền HP từ miệng sang miệng.
Do đó, để tránh lây nhiễm HP trong gia đình, mỗi thành viên nên được sử dụng đũa, thìa riêng; tránh nhai mớm cho trẻ; người nhiễm vi khuẩn HP dùng bộ đồ ăn riêng và khử trùng bát, đũa; chú ý vệ sinh ăn uống, tránh ăn uống thức ăn chưa nấu chín,...
Nếu một thành viên trong gia đình xét nghiệm dương tính với HP, các thành viên khác nên được xét nghiệm cùng để loại trừ khả năng dương tính và loại bỏ HP kịp thời.