Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Flanders và ĐH Ghent ở Bỉ đã xác lập mối quan hệ nhân quả giữa việc phơi nhiễm bụi ở nông trang với tác dụng bảo vệ chống lại bệnh suyễn và dị ứng.
Phát hiện này được xem là bước đột phá nhằm nghiên cứu bào chế vắc-xin phòng chống suyễn.
Lâu nay, giới khoa học ghi nhận rằng trẻ lớn lên ở nông thôn được bảo vệ khỏi suyễn và dị ứng tốt hơn nhưng cho tới gần đây chưa có nghiên cứu giải thích điều đó. Trong công trình mới được công bố trên tạp chí Science lần này, nhóm 14 nhà khoa học, do 2 GS Bart Lambrecht và Hamida Hammad hướng dẫn, đã cho chuột phơi nhiễm với chiết xuất từ bụi trong các nông trang ở Đức và Thụy Sĩ.
Kết quả thí nghiệm cho thấy chuột được bảo vệ hoàn toàn chống lại dị ứng mạt bụi nhà - vốn là nguyên nhân gây dị ứng phổ biết nhất.
Bụi ở nông trang có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi dị ứng (Ảnh: TECH TIMES)
Họ cũng phát hiện thêm cơ chế theo đó, bụi nông trang khiến màng nhầy bên trong đường hô hấp phản ứng ít nghiêm trọng hơn so với mạt bụi nhà.
GS Hammad khẳng định: “Tác dụng này do protein A20 từ cơ thể tạo ra tiếp xúc với bụi nông trang. Khi chúng tôi vô hiệu hóa protein A20 trong màng nhầy phổi, bụi nông trang không thể giúp thu giảm phản ứng suyễn và dị ứng”.
Phát hiện nói trên được thí nghiệm lại trên người với kết quả cho thấy những người bị suyễn và dị ứng thường thiếu hụt protein có tác dụng bảo vệ A20 và họ phản ứng với tác nhân gây dị ứng nghiêm trọng hơn.
GS Lambrecht nói thêm: “Chúng tôi cũng đã xem xét thí nghiệm trên nhóm 2.000 trẻ trưởng thành ở nông thôn và phát hiện hầu hết các em được bảo vệ khỏi bệnh suyễn và dị ứng. Những trẻ vẫn bị dị ứng có biến đổi về gien khiến công năng của protein A20 kém hiệu quả”.
Các nhà khoa học khẳng định rằng phát hiện này mở ra hướng nghiên cứu về triển vọng trị liệu dị ứng mới và bào chế vắc-xin phòng chống suyễn.