Công đoạn cuối cùng của việc giặt quần áo bằng tay chính là vắt khô, điều này là hết sức bình thường. Tuy nhiên việc làm này đã khiến tay phải cô Ngô, 26 tuổi gần như không cử động được.
Một buổi tối giữa tháng 7, sau khi làm việc tục hơn 30 tiếng, cô Ngô chuẩn bị giặt quần áo, sau đó còn nghỉ ngơi. Khi đang vắt khô chiếc quần, đột nhiên cổ tay phải của cô bị đau nhói, tiếp đó cô Ngô cảm thấy tay phải không thể cử động được.
Vì công việc thiết kế nên cô Ngô thường xuyên phải sử dụng chuột máy tính, nên khi cổ tay bị đau cô không quá quan tâm vì cho rằng do trước đó làm việc quá nhiều dẫn đến cổ tay bị đau mỏi. Cô nhanh chóng phơi quần áo, chịu đựng cơn đau để đi ngủ.
Sau khi vắt quần áo, cổ tay phải của cô Ngô đột nhiên không cử động được. (Ảnh minh họa)
Vào lúc 4 giờ sáng hôm sau, cô Ngô thức dậy. Khi cô bật đèn lên, phát hiện cổ tay phải bị sưng, toàn bộ tay có màu đen và tím, lúc này cô Ngô lo sợ nên đã vội vàng đến bệnh viện gần nhà đề được chẩn đoán.
Bác sĩ chạm vào cổ tay cô Ngô để kiểm tra và nói rằng không bị gãy xương, có lẽ bị bong gân cổ tay, nên đã băng bó nhẹ để cố định, bác sĩ khuyên cô Ngô để một thời gian ngắn sẽ khỏi. Sau một tuần, chấn thương cổ tay của cô Ngô không có chút cải thiện, tình trạng sưng đau càng nghiêm trọng hơn, lần này cô đã đến Khoa chỉnh hình của một bệnh viện lớn khác. Kết quả bác sĩ cũng phán đoán cô bị bong gân, bảo cô nên băng bó tay cố định một thời gian ngắn nữa.
Lúc này, sếp của cô Ngô đã đi công tác trở về, đã bị sốc khi nhìn thấy tình hình của cô Ngô. Sếp đã giới thiệu cho cô Ngô một người bạn ở Khoa xương khớp thuộc Bệnh viện số 1 thành phố Nam Kinh, sau đó cô Ngô đã đến gặp bác sĩ Quế Giám Siêu, trưởng Khoa xương khớp của Bệnh viện số 1 thành phố Nam Kinh, bác sĩ Quế có rất nhiều kinh nghiệm lâm sàng về xương khớp cổ tay và mắt cá chân.
Bác sĩ Quế Giám Siêu chẩn đoán cô Ngô bị chấn thương dây chằng sụn sợi tam giác cổ tay.
Cô Ngô đến gặp bác sĩ Quế Giám Siêu vào ngày 21/8, lúc này cô đã bị thương hơn 1 tháng. Từ hình ảnh chụp CT, bác sĩ Quế phân tích, xương sụn sợi hình tam giác đã ở trạng thái rách và thuộc về bệnh "chấn thương dây chằng sụn sợi tam giác cổ tay" nghiêm trọng.
Bác sĩ Quế Giám Siêu nói với cô Ngô rằng chấn thương dây chằng sụn sợi tam giác vùng cổ tay rất dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh như viêm gân, viêm cân mạc,... hoặc là bị bong gân thông thường. Cô Ngô có hai sự lựa chọn: một là phẫu thuật ngay lập tức và hai là lại cố định cổ tay trong một thời gian. Nếu đó chỉ là tổn thương nhẹ, thì cơ thể có thể tự sửa chữa. Tuy nhiên, cô Ngô đã bị thương hơn 1 tháng và tình trạng sưng không được cải thiện, chỗ bị rách tương đối lớn, bác sĩ Quế Giám Siêu đề nghị phẫu thuật sớm nếu không có thể bị tàn tật khó chữa khỏi sau này. Sau khi thảo luận với gia đình, cô Ngô đã quyết định phẫu thuật.
Ca phẫu thuật kéo dài 1,5 tiếng.
Vào ngày 27/8, bác sĩ Quế Giám Siêu đã trực tiếp phẫu thuật cho cô Ngô. Ca phẫu thuật kéo dài trong 1,5 tiếng và rất thuận lợi. Sau khoảng thời gian phục hồi 4-6 tuần, chức năng cử động cổ tay phải của cô Ngô sẽ được phục hồi. Tuy nhiên, bác sĩ Quế Giám Siêu cho biết, cổ tay của cô Ngô hay bị tê mỏi do thường xuyên dùng chuột máy tính, nên sau khi phẫu thuật, cần tránh các hành động tương tự như vặn cổ tay, giặt quần áo và nâng vật nặng, bởi sụn sợi hình tam giác rất có thể bị tổn thương trở lại.
Bệnh dây chằng sụn sợi tam giác cổ tay?
Dây chằng sụn sợi tam giác cổ tay là một cấu trúc sụn và dây chằng. Nó nằm ở điểm nối giữa xương trụ cổ tay và xương quay. Những phần sụn và dây chằng này cực kỳ dễ bị tổn thương do va chạm hay bị vặn xoắn sai tư thế, chơi thể thao, do té ngã hoặc vặn tay quá mạnh.
Triệu chứng khi mắc bệnh gồm: Đau cổ tay âm ỉ, đau nhói khi xoay cổ tay, lật bàn tay. Có tiếng lạch cạch, tách tách khi xoay cổ tay hoặc cầm nắm vật gì đó. Triệu chứng liên quan khác như sưng, giảm cử động và giảm sức mạnh cổ tay.
Bác sĩ cảnh báo nếu có các triệu chứng trên hãy dừng hẳn các hoạt động có vận dụng đến cổ tay lại ngay lập tức. Khi bị chấn thương nên chườm lạnh ngay tại chỗ, cố định cổ tay và đến bác sĩ chấn thương chỉnh hình để khám. Thời gian nghỉ ngơi từ 3-6 tháng để khỏi hoàn toàn nếu chấn thương nhẹ và có thể đến 12 tháng nếu chấn thương nặng (rách nhiều cơ).