Muốn ngăn chặn các tế bào ung thư hoành hành, bạn đừng bỏ lỡ những loại rau củ rất phổ biến này.
Ai cũng biết ung thư là một căn bệnh vô cùng khủng khiếp, khả năng chữa khỏi sau ung thư là rất thấp. Những năm gần đây bệnh ung thư tràn lan, tỷ lệ mắc bệnh cũng ngày càng gia tăng. Nếu gia đình có người mắc bệnh thì cả kinh tế và tinh thần của mọi người đều vô cùng mệt mỏi, kiệt quệ.
Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, bạn có thể ăn nhiều món phòng chống ung thư. Dưới đây là những loại rau củ quả khiến tế bào ung thư cũng phải khiếp sợ.
1. Bông cải xanh - Chống ung thư cực mạnh
Bông cải xanh có chứa sulforaphane, một hợp chất thực vật được tìm thấy trong các loại rau họ cải có thể có đặc tính chống ung thư mạnh. Fahey, người nghiên cứu về sulforaphane trong bông cải xanh và mầm bông cải xanh cho biết: “Bông cải xanh là nguồn tốt nhất của hợp chất đặc biệt này. Các nhà khoa học đang nghiên cứu cách sulforaphane có thể làm giảm nguy cơ ung thư, từ giải độc các chất độc hại (như khói và các chất ô nhiễm môi trường khác) trong cơ thể đến hoạt động như một loại chất kháng khuẩn bằng cách tấn công vi khuẩn H. pylori".
Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy sulforaphane làm giảm kích thước và số lượng tế bào ung thư vú lên đến 75%. Tương tự, một nghiên cứu trên động vật cho thấy điều trị chuột bằng sulforaphane giúp tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tiền liệt và giảm khối u hơn 50%.
Thêm bông cải xanh trong một vài bữa ăn mỗi tuần có thể mang lại một số lợi ích chống ung thư. Bông cải xanh và những "người anh em họ" của nó có khả năng bảo vệ tốt nhất chống lại ung thư tuyến tiền liệt, phổi, ruột kết, vú, bàng quang, gan, cổ, đầu, miệng, thực quản và dạ dày, dựa trên đánh giá của hàng trăm nghiên cứu lâm sàng được thực hiện cho Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ và nhiều nghiên cứu khác.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng nghiên cứu hiện có chưa xem xét trực tiếp cách bông cải xanh có thể ảnh hưởng đến ung thư ở người mà mới chỉ giới hạn trong ống nghiệm và động vật.
2. Cà chua: "Vũ khí" tiềm năng chống lại ung thư tuyến tiền liệt
Chất tạo màu đỏ trong cà chua là lý do khiến chúng trở thành vũ khí tiềm năng chống lại bệnh ung thư tuyến tiền liệt và bệnh tim. Màu đỏ của cà chua đến từ một chất phytochemical được gọi là lycopene, một chất chống oxy hóa mạnh, tập trung nhiều nhất trong cà chua. Một số nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn giàu lycopene có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt .
Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, lycopene đã ngăn chặn các loại tế bào ung thư khác phát triển, bao gồm vú, phổi và nội mạc tử cung (trong niêm mạc tử cung). Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng lycopene bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại có thể dẫn đến ung thư bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch. Và họ nghi ngờ lycopene ngăn chặn sự phát triển của các khối u bằng cách can thiệp vào sự phát triển bất thường của tế bào, theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn liệu các nguồn và loại lycopene có hoạt động khác nhau trên tế bào hay không và liệu các yếu tố chế độ ăn uống và lối sống khác có đóng vai trò trong việc giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt hay không.
Để có được nhiều lợi ích nhất từ lycopene, hãy ăn cà chua nấu chín hoặc chế biến. Quá trình chế biến làm cho các hợp chất chống ung thư tăng lên nhiều hơn.
3. Cà rốt: Ăn chín tốt nhất
Cà rốt chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp chống lại bệnh tật. Chúng chứa beta-carotene, một chất chống oxy hóa mà các nhà khoa học tin rằng có thể bảo vệ màng tế bào khỏi bị tổn thương do độc tố và làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Và cà rốt cung cấp các vitamin và chất phytochemical khác có thể bảo vệ chống lại ung thư vú, miệng, thanh quản, thực quản và dạ dày.
Một số nghiên cứu cho thấy cà rốt giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, có lẽ vì chúng cung cấp chất chống oxy hóa có thể chống lại virus HPV (virus u nhú ở người), nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư này. Ngoài ra, cà rốt có chứa falcarinol, một loại thuốc trừ sâu tự nhiên có thể có tác dụng chống viêm.
Các nhà khoa học ở Anh phát hiện ra rằng những con chuột được cho uống falcarinol ít có nguy cơ phát triển các khối u ung thư hơn.
Theo một báo cáo trên tạp chí Nông nghiệp và Hóa thực phẩm, cà rốt nấu chín cung cấp nhiều chất chống oxy hóa hơn cà rốt sống. Nếu bạn đang nấu cà rốt, hãy để nguyên củ khi hấp hoặc luộc và cắt chúng sau khi nấu xong. Điều đó làm giảm sự mất mát các chất dinh dưỡng, bao gồm cả falcarinol và mang lại cho chúng một hương vị ngọt ngào hơn.
3. Rau bina: "Ngôi sao sáng" trong các loại rau lá xanh
Lutein - một chất chống oxy hóa, rất tốt cho mắt của bạn và có thể đóng một vai trò trong việc phòng ngừa bệnh ung thư.
Rau bina rất giàu lutein và zeaxanthin, các carotenoid giúp loại bỏ các phân tử không ổn định được gọi là gốc tự do khỏi cơ thể bạn. Một số nghiên cứu cho thấy chúng có thể giúp ngăn chặn ung thư miệng, thực quản và dạ dày.
Một nghiên cứu của NIH / AARP trên 490.000 người cho thấy những người ăn nhiều rau bina ít có nguy cơ bị ung thư thực quản hơn. Một số nghiên cứu cho thấy carotenoid trong rau bina và các loại thực phẩm khác làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng, nội mạc tử cung, phổi và đại trực tràng.
Bổ sung folate và chất xơ cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, và bạn có thể có được nguồn dinh dưỡng này từ rau bina. Folate giúp cơ thể bạn sản xuất tế bào mới và sửa chữa DNA, và đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vì nó có thể ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi đang phát triển.
Bạn sẽ nhận được nhiều lutein nhất từ rau bina sống hoặc nấu chín. Thưởng thức nó trong món salad, hấp hoặc xào với tỏi và dầu ô liu. Nếu đã chán ăn rau bina, bạn có thể thay thế bằng cải xoăn, cải Thụy Sĩ cũng có lợi ích tương tự. Nhưng rau bina vẫn là ngôi sao.
4. Nghệ - Gia vị ngừa ung thư cực mạnh
Nghệ là một loại gia vị nổi tiếng với các đặc tính tăng cường sức khỏe. Curcumin - thành phần hoạt chất của nghệ là một chất hóa học có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và thậm chí là chống ung thư.
Một nghiên cứu đã xem xét tác động của curcumin trên 44 bệnh nhân bị tổn thương ở ruột kết có nguy cơ thành ung thư. Sau 30 ngày sử dụng 4 gam curcumin mỗi ngày, các bệnh nhân đã giảm 40% số lượng tổn thương.
Trong một nghiên cứu trong ống nghiệm, chất curcumin cũng được phát hiện làm giảm sự lây lan của các tế bào ung thư ruột kết bằng cách nhắm mục tiêu vào một loại enzyme cụ thể liên quan đến sự phát triển của ung thư. Một nghiên cứu khác trên ống nghiệm cho thấy curcumin giúp tiêu diệt các tế bào ung thư đầu và cổ.
Curcumin cũng đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư phổi, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt trong các nghiên cứu ống nghiệm khác.
Để được hưởng những lợi ích này, hãy sử dụng ít nhất 1 hoặc 2-3 thìa cà phê nghệ xay mỗi ngày. Sử dụng nó như một loại gia vị để thêm hương vị cho thực phẩm và kết hợp nó với hạt tiêu đen để giúp tăng cường hấp thu.
5. Tỏi: Khiến hơi thở có mùi, nhưng rất tốt cho sức khỏe
Có thể bạn sẽ không thích tỏi lắm vì khiến hơi thở có mùi khó chịu. Tuy nhiên, chính các hợp chất lưu huỳnh gây ra mùi đáng ghét đó lại có thể ngăn chặn các chất gây ung thư hình thành trong cơ thể bạn, tăng tốc độ sửa chữa DNA và tiêu diệt tế bào ung thư.
Hơn nữa, tỏi chống lại vi khuẩn, bao gồm cả H. pylori (vi khuẩn có liên quan đến một số vết loét và ung thư dạ dày). Một số nghiên cứu cũng cho thấy nó làm giảm nguy cơ phát triển ung thư ruột kết, thực quản, tuyến tụy và ung thư vú.
Để có được nhiều lợi ích nhất, hãy bóc vỏ, băm nhỏ tỏi và để chúng trong vòng 15 đến 20 phút trước khi nấu. Colleen Doyle, MS, RD, giám đốc điều hành dinh dưỡng và hoạt động thể chất tại Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết, điều đó kích hoạt các enzyme và giải phóng các hợp chất chứa lưu huỳnh có tác dụng bảo vệ cơ thể nhất.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo người lớn nên tiêu thụ khoảng một tép tỏi mỗi ngày để tăng cường sức khỏe.