Nửa đêm đi tắm nước lạnh, thanh niên 30 tuổi gặp điều đáng sợ này, BS cảnh báo "vẫn còn may chán"

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 21/04/2023 19:00 PM (GMT+7)

Tắm đêm, nhất là tắm bằng nước lạnh có thể mang tới nhiều nguy cơ cho sức khỏe, nhẹ thì điếc đột ngột, liệt mặt, nặng thì đột quỵ thậm chí là tử vong.

Mới đây các bác sĩ tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội thông tin về việc tiếp nhận một nam thanh niên 30 tuổi bị điếc đột ngột sau khi tắm đêm bằng nước lạnh. May mắn cho trường hợp này là đến bệnh viện khám, được điều trị kịp thời nên đã hồi phục được thính lực sau 7 ngày. Bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân lý giải, tắm đêm bằng nước lạnh gây co thắt vi mạch dẫn lưu tuần hoàn tai trong, gây điếc đột ngột.

Thực tế, việc tắm đêm, nhất là bằng nước lạnh không chỉ gây điếc đột ngột mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hại khác với sức khỏe. Thực tế, đã có nhiều trường hợp, ở các lứa tuổi khác nhau, từng phải nhập viện vì đột quỵ do có thói quen tắm đêm.

Bị điếc hay liệt mặt khi tắm đêm là còn nhẹ

TS.BS Mai Đức Thảo - Khoa Thần Kinh, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cho biết, tắm không chỉ giúp vệ sinh cơ thể sạch sẽ mà còn là cách để mọi người thư giãn sau ngày dài làm việc. Tuy nhiên tắm quá muộn, tắm quá lâu, nước tắm quá nóng hoặc quá lạnh... có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc như: liệt mặt, chóng mặt, đột quỵ, ngừng tim… lúc nửa đêm.

Thanh niên trẻ khỏe cũng không nên tắm đêm, nhất là tắm bằng nước lạnh. (Ảnh minh họa)

Thanh niên trẻ khỏe cũng không nên tắm đêm, nhất là tắm bằng nước lạnh. (Ảnh minh họa)

Theo phân tích của bác sĩ Thảo, vào thời điểm ban đêm, nhiệt độ bên ngoài giảm xuống thấp, tạo ra sự chênh lệch về nhiệt độ so với cơ thể nên thói quen tắm khuya, tắm khi nhiệt độ cơ thể quá chênh lệch lớn với nhiệt độ nước như tắm nước lạnh ngay khi vừa đi ngoài trời nóng về hoặc tắm, ngâm bồn nước nóng lúc trời lạnh… rất dễ rơi vào trạng thái sốc nhiệt. Do vậy, lời khuyên tới cộng đồng là không nên tắm sau 23h.

“Về mặt sinh lý bệnh, sự hoạt hóa của hệ thần kinh giao cảm và sự bài tiết catecholamine tăng lên khi phản ứng với nhiệt độ lạnh, có thể dẫn đến tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho tim do tăng nhịp tim và sức cản mạch ngoại vi. Hơn nữa, trong quá trình tắm hoặc ngâm nước lạnh, nhiệt độ da giảm gây ra phản ứng hô hấp mạnh mẽ, được gọi là "sốc lạnh", bao gồm thở hổn hển, tăng thông khí, giảm CO2, nhịp tim nhanh, co mạch ngoại vi và tăng huyết áp. Những phản ứng hô hấp này và những thay đổi sau đó trong lưu lượng máu não có thể dẫn đến chấn thương thần kinh, đột quỵ não”, bác sĩ Thảo cảnh báo.

Ngoài ra, khi nhiệt độ nước tắm không phù hợp với nhiệt độ cơ thể, cơ thể sẽ tự điều chỉnh bằng cách co hoặc giãn mạch để thích nghi. Khi mạch máu não bị co lại, nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não hoặc mạch vành co thắt đột ngột xảy ra nhanh hơn .

Đặc biệt ở những người có bệnh lý đau thắt ngực do co thắt mạch vành khi tắm đêm rất dễ xảy ra cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim cấp. Trong trường hợp tệ hơn, bệnh nhân có thể bị đột quỵ, tử vong khi đang tắm. Ngay cả lúc tắm xong, nạn nhân cũng có thể bị cứng người, tím tái, ngưng tim ngưng thở, đột tử trong khi ngủ. Theo bác sĩ, thực tế, các trường hợp bị tai biến khi tắm khuy nếu chỉ bị liệt mặt ngoại biên, đau mỏi vai gáy, chóng mặt té ngã hay điếc đột ngột là vẫn còn may mắn.

Nhiều người tắm xong, lên giường đi ngủ mới lãnh hậu quả do việc tắm đêm gây ra. (Ảnh minh họa)

Nhiều người tắm xong, lên giường đi ngủ mới lãnh hậu quả do việc tắm đêm gây ra. (Ảnh minh họa)

Người trẻ khỏe cũng dễ gặp nguy hiểm khi tắm đêm, nhất là tắm nước lạnh

Với người trẻ, việc tắm đêm rất dễ dẫn tới hiện tượng co mạch máu, đặc biệt là khi tắm nước lạnh, máu khó lưu thông, từ đó dễ dẫn tới đau nhức toàn thân, thậm chí đau đầu kinh niên.

Bác sĩ Thảo dẫn chứng một thí nghiệm được thực hiện trong đó 9 nam thanh niên được ngâm phần dưới cơ thể trong nước lạnh (13˚C) và nước ấm (35˚C) trong 60 phút, kết quả cho thấy ngâm mình trong nước lạnh làm giảm nhiệt độ cơ thể và tăng tổng lực cản mạch ngoại vi, sau đó làm tăng huyết áp động mạch. Theo lý thuyết, điều này có thể gây ra đột quỵ.

Người cao tuổi có đặc điểm sinh lý như mạch máu bị co lại, lòng mạch máu bị xơ vữa (vôi hóa), máu cô đặc và quánh cao hơn người trẻ nên thường mắc bệnh huyết áp cao. Nếu tắm vào các thời điểm đêm muộn, họ rất dễ bị đột quỵ với khả năng cao hơn rất nhiều so với người trẻ.

Đặc biệt, sau tắm, nhiệt độ cơ thể giảm, nếu lại tiếp tục ở dưới quạt hay điều hòa sẽ gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động lưu thông máu trong cơ thể, kéo theo hệ lụy là máu lên não chậm, không những thế còn ảnh hưởng tới nhịp đập của tim và huyết áp. Đặc biệt, những người có sức khỏe và sức đề kháng yếu nếu nằm điều hòa ngay sau khi tắm sẽ rất dễ gặp tai biến và đột quỵ.

Nhiều trường hợp có thể điếc đột ngột sau khi tắm nước lạnh lúc khuya. (Ảnh minh họa)

Nhiều trường hợp có thể điếc đột ngột sau khi tắm nước lạnh lúc khuya. (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Mai Đức Thảo, những trường hợp dưới đây có thể gặp nguy hiểm khi tắm đêm:

- Sau khi vận động mạnh hoặc tập luyện cường độ cao;

- Sau khi uống rượu bia, chất kích thích;

- Khi cơ thể quá mệt mỏi, vừa trải qua một cơn ốm nặng;

- Khi đang mang thai;

- Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt;

- Sau khi cạo gió (giác hơi);

- Khi quá no hay quá đói;

- Trước và sau khi massage một tiếng;

- Khi huyết áp thấp;

- Những người có bệnh lý tim mạch.

Những điều cần lưu ý và chuẩn bị để tắm an toàn, tốt cho sức khỏe:

- Nên tắm trước 21h;

- Nên tắm 1 lần trong ngày;

- Không nên tắm quá lâu;

- Không dùng nước tắm quá nóng;

- Nên tắm đúng trình tự, tránh đột ngột;

- Không dùng dung dịch nhiều bọt, không nên kỳ cọ mạnh;

- Không nên tắm gội ngay sau khi ăn;

- Nên dùng kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm.

Cô gái 27 tuổi đột quỵ sau tắm đêm: Chuyên gia khuyên gì để tránh đột quỵ trong mùa lạnh 
Không chỉ tắm đêm, việc ra lạnh đột ngột, không quản lý huyết áp là yếu tố tác động dẫn đến nguy cơ đột quỵ ở cả người cao tuổi và người trẻ.

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thói quen có hại