Thiếu máu não

Thiếu máu não ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, có thể gây tai biến mạch máu não, đột quỵ…

Tổng quan

Thiếu máu não là tình trạng thiếu máu cung cấp cho các tế bào não. Các triệu chứng của tình trạng thiếu máu não rất hay gặp nhưng dễ bị bỏ qua. Nếu không điều trị triệt để, bệnh kéo dài và khó khăn cho điều trị sau này.

Thiếu máu não nguy hiểm thế nào?

Bộ não tiêu thụ đến 20% dưỡng khí toàn cơ thể nên não rất nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy. Chỉ trong 10 giây, nếu không được cung cấp máu, mô não sẽ bắt đầu rối loạn. Nếu tình trạng thiếu máu xảy ra quá 4 phút, các tế bào thần kinh đã bị huỷ hoại sẽ không thể hồi phục, gây ra tổn thương vĩnh viễn. Thiếu máu não khiến người bệnh mỏi mệt, chóng mặt, ngủ không ngon và là nguyên nhân của nhiều tổn thương thần kinh, suy chức năng tâm thần, rối loạn nhịp tim. Nếu không điều trị thiếu máu não hiệu quả, có thể dẫn đến suy tim, sung huyết, đột quỵ…

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu não, đó là bị huyết áp thấp, rối loạn tiền đình, viêm xoang, tiền mãn kinh (phụ nữ) hoặc do thoái hóa đốt sống cổ (làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu lên não của động mạch thân nền), xơ vữa động mạch (do tăng mỡ máu kéo dài), nhất là hẹp động mạch cảnh làm hạn chế rất lớn đến lượng máu đi lên não (trong bệnh tai biến mạch máu não, có tới 25 - 30% là do hẹp động mạch cảnh.

Hẹp động mạch cảnh gặp chủ yếu ở người cao tuổi vừa do bị lão hóa vừa do xơ vữa bởi mỡ bám lên thành mạch và phát triển gây hẹp tại chỗ hoặc mảnh xơ vữa bong tróc ra đi theo dòng máu lên não gây lấp mạch não đưa đến tai biến mạch máu não).

Ngoài ra, thiếu máu não còn do áp lực công việc, ngủ ít, uống quá nhiều rượu, bia nhất là lớp trẻ (thanh, trung niên), trong khi đó ít hoặc lười vận động. Bên cạnh đó, tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân đáng chú ý nhất của thiếu máu não, đặc biệt là người có tuổi.

Triệu chứng

Cơn thiếu máu não thoáng qua được xem là dấu hiệu cảnh báo quan trọng của đột quỵ.

Đau đầu với những cơn nhức đầu khủng khiếp: Ban đầu, bệnh nhân chỉ bị đau nhói một vùng đầu cố định, sau đó dần dần cơn đau sẽ lan ra khắp đầu. Người bệnh sẽ có cảm giác đầu mình nặng trịch, nhất là khi phải di chuyển, suy nghĩ nhiều hay khi mới ngủ dậy. Hoa mắt, chóng mặt, ù tai: bệnh nhân rất dễ bị ù tai, dù đang ở trong không gian yên tĩnh và không có gió.

Những cơn choáng, hoa mắt, chóng mặt và mất thăng bằng sẽ kéo đến vào những lúc không ngờ nhất. Nếu bạn cảm thấy mình đứng không vững nữa, hãy dựa ngay vào đâu đó. Khi không có chỗ bám thì hãy ngồi thụp xuống, tránh để bị mất thăng bằng không tự chủ, không kiểm soát được rất dễ bị ngã ra đằng sau, đặc biệt là người già, ngã như vậy rất nguy hiểm gây ra các chấn thương về xương khớp hoặc sọ não.

Mất ngủ: người bị thiếu máu não rất hay gặp phải các vấn đề về giấc ngủ như ngủ chập chờn, thường gặp ác mộng, ngủ hay thức cũng khó kiểm soát được, tỉnh giấc vào giữa đêm hoặc đến sáng mới ngủ được.

Vì mất ngủ triền miên nên người bệnh luôn cảm thấy chán nản và mệt mỏi, không có hứng thú và tinh thần để làm việc. Tính khí hay gắt gỏng, thờ ơ với mọi thứ xung quanh và rất dễ bị kích động.

Suy giảm trí nhớ: thiếu máu não dẫn đến máu không đủ để não bộ có thể hoạt động. Triệu chứng nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt… xảy ra thường xuyên sẽ khiến bệnh nhân giảm dần trí nhớ, quên nhanh mọi việc. Suy giảm trí nhớ vừa do tình trạng lão hóa ở tế bào não, thoái hóa não, teo não, vừa do tình trạng thiếu máu nuôi não.

Tê bì, nhức mỏi chân tay: người mắc bệnh thường có cảm giác tê ở đầu các ngón tay, đôi lúc cảm thấy dưới da râm ran như bị kiến bò. Thường đau dọc xương sườn, đôi lúc có cảm giác lạnh sống lưng, chân tay nhức mỏi, đau dọc vai gáy và đau dọc các xương sườn. Tê đầu ngón tay và toàn thân nhức mỏi do đau xương gây rất nhiều bất tiện đối với người bệnh. Yếu tố nguy cơ cao hẹp động mạch cảnh thường ở những người trên 40 tuổi, nam nhiều hơn nữ, béo phì, hút thuốc lá, tiểu đường và tăng huyết áp. Các dấu hiệu sớm nhận biết bệnh thiếu máu não này lúc đầu có vẻ nhẹ nhàng nhưng tiến triển khá nhanh. Đặc biệt, những cơn choáng ngất đến bất ngờ sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Khi một trong những dấu hiệu bệnh xuất hiện, bạn đừng nên chần chừ mà hãy đến ngay cơ sở y tế khám để có hướng điều trị kịp thời.

Biến chứng

Thiếu máu não nếu không phát hiện, điều trị sớm, tích cực, đúng, bệnh sẽ tiến triển không ngừng gây hậu quả nghiêm trọng như: xơ hóa não, động kinh, Parkinson... nếu xảy ra trong thời gian dài có thể dẫn đến tai biến mạch máu não (đột qụy), đặc biệt là nguyên nhân gây ra bởi tăng huyết áp. Đột quỵ não là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch, ung thư và được xếp đứng hàng đầu về tỉ lệ tàn tật (tỉ lệ tử vong từ 20 - 30%), nếu qua khỏi thường để lại di chứng nặng nề (lú lẫn), liệt, đi lại rất khó khăn, chậm chạp, đại tiểu tiện không tự chủ.

Điều trị

Để hỗ trợ điều trị thiếu máu não hiệu quả, cần sự kết hợp giữa chế độ sinh hoạt, tập luyện, ăn uống…khoa học với các loại thuốc đặc trị, thực phẩm chức năng cho người bị thiếu máu não.

Người bệnh nên tập luyện những phương pháp dưỡng sinh, đi bộ, khí công, yoga, thái cực quyền, luyện thở… để cung cấp thêm dưỡng khí cho não cũng như toàn thân, giải tỏa stress. Việc cải thiện môi trường sống, giảm bớt gánh nặng về tinh thần, tăng cường nghỉ ngơi, thư giãn có ý nghĩa quan trọng. Ăn uống khoa học để cung cấp đầy đủ các nguyên liệu tạo máu, ưu tiên bổ sung các nguyên tố vi lượng, protein, vitamin, sắt. Ăn thêm một lượng thích hợp các loại thịt, gan, trứng, sữa, vừng… Bạn nên hạn chế ăn các loại chất béo động vật, thực phẩm chiên rán là nguyên nhân gây ra các bệnh về máu. Không uống rượu, cà phê, trà đặc, hút thuốc để tránh kích thích mất ngủ.

Đặc biệt, người bệnh phải thực hiện đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ để bệnh mau hồi phục.

Phòng bệnh

Để phòng bệnh, cần tăng cường tập luyện thể dục thể thao vừa sức và có chế độ dinh dưỡng khoa học, hạn chế mỡ động vật, tăng cường đạm thực vật, rau và hoa quả cung cấp các chất tham gia tạo máu: chất đạm, sắt, vitamin C, magie, folat, vitamin B12..., tăng cường thực phẩm giàu omega-3: cá hồi, cá tuyết, cá trích, cá mòi, tảo biển...; Thực phẩm giàu polyphenols: đậu, hạt, trà, ca cao...; Thực phẩm giàu nitrate: rau diếp (xà lách), rau chân vịt (bó xôi)...

Khám sức khỏe định kỳ để sàng lọc và phát hiện sớm bệnh lý, giảm lượng cholesterol máu, phòng chống xơ vữa động mạch, điều trị một số bệnh lý cột sống cổ. Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức. Tránh thay đổi thân nhiệt đột ngột. Ngoài ra, có thể dùng một số thuốc làm tăng cường tuần hoàn máu não theo chỉ định của các bác sĩ.

Thông Tin Cần Biết

Thiếu máu não nên ăn gì để bồi bổ?

Thiếu máu não nên ăn gì để bồi bổ?

Tình trạng thiếu máu não đang ngày càng phổ biến ở mọi đối tượng. Thiếu máu não nên ăn gì? Bổ sung ngay những thực phẩm dưới đây để hỗ trợ điều trị tình trạng này.

Bệnh tim mạch khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY