Thiếu máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim là tình trạng bệnh lý động mạch vành thường gặp, đặc biệt ở những người có tuổi và cao tuổi. Biểu hiện trên lâm sàng bằng cơn đau thắt ngực, nặng hơn có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Tổng quan

Tim có chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể, nhưng nó cũng cần được “nuôi dưỡng” bằng dòng máu giàu oxy, thông qua hệ thống mạch vành. Thiếu máu cơ tim là khi lưu lượng máu đến nuôi dưỡng cơ tim bị giảm sút, nó có thể xuất hiện ở những người bị xơ vữa động mạch vành hoặc không. Trong đó, rối loạn chức năng mạch máu ở các tiểu động mạch (nhánh nhỏ của động mạch vành) nằm sâu trong cơ tim được cho là thủ phạm kích hoạt các triệu chứng thiếu máu cơ tim cục bộ và bộc lộ bằng nhiều dấu hiệu khác nhau chứ không chỉ là các cơn đau thắt ngực.

Nguyên nhân

Thiếu máu cơ tim cục bộ chủ yếu là do xơ vữa mạch vành (ảnh minh hoạ).

Có 3 nguyên nhân chính gây thiếu máu cơ tim bao gồm: xơ vữa động mạch vành, huyết khối (cục máu đông), co thắt mạch vành (bệnh vi mạch vành) - do tình trạng viêm mãn tính ở lòng mạch. Trong đó, bệnh vi mạch vành đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển của thiếu máu cơ tim cục bộ và gây đau thắt ngực kể cả khi động mạch vành không bị tắc hẹp.

Nếu như xơ vữa mạch vành gây ảnh hưởng đến các động mạch lớn nằm trên bề mặt cơ tim, thì bệnh vi mạch vành lại làm cho các mạch máu nhỏ trong tim co thắt đột ngột thay vì nó phải giãn ra đúng lúc. Co thắt mạch vành có thể xảy ra ở cả những người có hoặc không cơ bệnh mạch vành.

Xơ vữa động mạch vành

Đây là nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim phổ biến nhất do sự tích tụ chất béo (cholesterol) và canxi trong lòng động mạch vành. Theo thời gian, các mảng bám dày lên làm lòng mạch trở nên hẹp và xơ cứng, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi tim. Hậu quả của việc cơ tim không nhận được đầy đủ oxy và dưỡng chất là các cơn đau thắt ngực, nặng ngực hoặc khó chịu ở lồng ngực.

Co thắt vành (bệnh vi mạch vành)

Thiếu máu cơ tim ngoài liên quan đến mảng xơ vữa thì còn xuất hiện do co thắt mạch vành. Cụ thể hơn là do rối loạn chức năng của nội mô ở hệ vi mạch vành (bao gồm các mạch máu nhỏ và mao mạch) nên còn được gọi là “Bệnh vi mạch vành”.

Nội mô là lớp áo lót trong của tất cả các mạch máu trong cơ thể. Nó vừa đóng vai trò bảo vệ giống như lớp rào chắn giữa dòng máu và thành mạch, đồng thời có chức năng điều hòa trương lực mạch máu, duy trì sự cân bằng giữa các quá trình co mạch và giãn mạch; đông và chống đông máu, đảm bảo sự lưu thông của dòng máu.

Rối loạn chức năng nội mô hệ vi mạch vành làm tăng tính kích thích gây co thắt vành, ảnh hưởng đến các tiểu động mạch và mao mạch nằm trong cơ tim. Đó chính là lý do mà nhiều người chụp cắt lớp thấy mạch vành “sạch sẽ” không bị xơ vữa nhưng vẫn bị đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim.

Bệnh đái tháo đường, bệnh tăng huyết áp, hội chứng rối loạn chuyển hóa, hút thuốc lá, ít tập thể dục hoặc thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng quá mức (stress) được cho là yếu tố thuận lợi cho bệnh vi mạch vành tiến triển.

Xuất hiện huyết khối trong lòng mạch

Phần lớn huyết khối trong lòng mạch vành là do mảng xơ vữa bị nứt vỡ tạo ra các cục máu đông gây cản trở dòng máu đi qua động mạch vành tới nuôi tim. Huyết khối là thủ phạm chính gây ra cơn đau thắt ngực không ổn định và cơn nhồi máu cơ tim (hội chứng mạch vành cấp).

Biểu hiện

Thiếu máu cơ tim cục bộ có nhiều các triệu chứng khác nhau, nhưng thường được cảnh báo bằng các cơn đau thắt ngực, bao gồm:

- Đau thắt ngực ổn định: xuất hiện khi người bệnh hoạt động gắng sức và giảm đi khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng các thuốc giãn mạch.

- Đau thắt ngực không ổn định: Cơn đau diễn ra đột ngột, có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào, ngay cả khi nghỉ ngơi hay đang ngủ nên không thể dự đoán được. Cơn đau hay xảy ra về đêm hoặc gần sáng hoặc khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột. Những người bị đau thắt ngực không ổn định dễ bị nhồi máu cơ tim hơn ở người có cơn đau thắt ngực không ổn định.

Do vậy, điều quan trọng nhất là bạn nhận biết được các đủ các triệu chứng của bệnh và các yếu tố nguy cơ có thể kích hoạt gây giảm sút dòng máu đến nuôi tim để phòng tránh.

Một số trường hợp không có dấu hiệu đau ngực được gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng. Thể không có đau ngực thường gặp ở người bệnh tiểu đường, người cao tuổi hoặc những người có ngưỡng chịu đau cao và họ thường phát hiện ra bệnh khi làm điện tâm đồ, siêu âm tim.

Ngoài đau thắt ngực trái, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác ít được chú ý hơn như:

- Nặng ngực vùng trước tim với cảm giác khó chịu, bị đè nén

- Đau vùng hàm cổ. Đau vai hoặc cánh tay trái

- Nhịp tim nhanh kèm hồi hộp, lo âu, đánh trống ngực và có thể bị choáng váng

- Khó thở khi gắng sức

- Đổ nhiều mồ hôi lạnh vùng đầu cổ

Mỗi người bệnh sẽ có những trải nghiệm khác nhau khi bị thiếu máu cơ tim, nhưng khi thấy các cơn đau xuất hiện đột ngột, dùng thuốc giãn mạch nhưng không giảm đau thắt ngực hay cơn đau kéo dài quá 15 phút, hãy nghĩ đến khả năng bị nhồi máu cơ tim cấp. Người bệnh cần nhanh chóng được đưa đến bệnh viện để được điều trị kịp thời và tránh các biến chứng nguy hiểm do thiếu máu tim.

Điều trị

Các phương pháp điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ bao gồm: thuốc hoặc can thiệp, phẫu thuật và thay đổi lối sống.

- Điều trị bằng thuốc: Người bệnh có thể được sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc như: Thuốc giãn mạch, thuốc chẹn beta, ức chế canxi, thuốc chống đông máu, thuốc giảm cholesterol hoặc thuốc hạ huyết áp, thuốc giảm đường máu để làm tăng lưu lượng máu đến nuôi tim. Điều quan trọng nhất là người bệnh cần sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn để giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.

- Can thiệp đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu: có thể là cần thiết ở người bệnh thường xuyên bị đau thắt ngực không ổn định hoặc bị đau thắt ngực nghiêm trọng, nhằm tăng cường máu lưu thông qua động mạch vành đến vùng cơ tim bị thiếu máu.

- Thay đổi lối sống giúp ngăn bệnh tiến triển

Chế độ ăn

Đối với những người bị thiếu máu cơ tim (hay bệnh mạch vành) nên ăn gì là một vấn đề lớn. Cùng với các thói quen lành mạnh khác, chế độ ăn có thể làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược một phần tình trạng tắc hẹp mạch vành và giúp ngăn ngừa các biến chứng. Người bệnh thiếu máu cơ tim nên ăn những thực phẩm lành mạnh giúp giảm cholesterol LDL, hạ huyết áp, giảm lượng đường trong máu và giảm cân sau đây.

Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu

Rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt là nguồn dồi dào chất xơ, vitamin, khoáng chất cùng chất chống oxy hoá nhưng lại có ít calo. Chúng làm giảm lượng mỡ xấu LDL trong máu, ngăn cản cơ thể nạp nhiều thực phẩm giàu calo, đồng thời bảo vệ mạch máu khỏi bị tổn thương do stress oxy hoá. Đây đều là những yếu tố tạo nên mảng xơ vữa gây hẹp mạch vành tim.

Bạn có thể đa dạng cách chế biến như trộn salad, ăn vào bữa phụ, làm sinh tố hay món ăn khai vị. Đồng thời đừng quên hạn chế sử dụng nước sốt kem, rau xào hay tẩm bột, siro trái cây hoặc trái cây đông lạnh có bỏ thêm đường, muối.

Rau xanh giàu chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khoẻ của người thiếu máu cơ tim (ảnh minh hoạ)

Chọn chất béo một cách khôn ngoan

Hạn chế lượng chất béo bão hoà và chất béo chuyển hoá và bước quan trọng để giảm cholesterol xấu LDL và giảm nguy cơ thiếu máu cơ tim tiến triển. Thế nhưng các thực phẩm chứa chất béo tốt HDL vẫn cần cho cơ thể xây dựng cấu trúc và tạo ra năng lượng.

Chất béo xấu LDL được tìm thấy trọng thịt đỏ, mỡ, nội tạng hay da động vật, sữa giàu chất béo, dừa, thịt xông khói, socola. Trong khi đó, chất béo tốt lại có nhiều quả bơ, mỡ cá, dầu oliu, dầu hạt cải, hạt óc chó, hạt lanh, hạt điều, đậu phộng… Mỗi người bệnh tim mạch được khuyến cáo nên ăn tối thiểu 3 bữa cá mỗi tuần, dùng một lượng nhỏ dầu thực vật để chế biến và ăn các loại hạt béo vào bữa phụ.

Ăn protein nạc hoặc từ thực vật

Người bệnh thiếu máu cơ tim, bệnh mạch vành cần cân bằng bữa ăn với các loại thịt trắng như thịt heo nạc, thịt da cầm đã bỏ da, cá, trứng và các loại đậu. Việc dùng protein từ đậu, nhất là đậu hà lan và đậu lăng không chỉ là nguồn chất đạm lành mạnh mà còn bổ sung thêm một lượng đáng kể chất xơ cho bữa ăn của bạn.

Chỉ nên ăn các loại ngũ cốc chưa tinh chế

Ngũ cốc còn nguyên vỏ cám luôn được các chuyên gia khuyên dùng cho cả người khoẻ mạnh lẫn người bị bệnh tim. Lượng vitamin nhóm B dồi dào và chất xơ tự nhiên trong vỏ cám có lợi cho việc kiểm soát lượng đường, huyết áp cùng mỡ máu.

Những thực phẩm này gồm có gạo lứt, bột yến mạch, bánh mì đen, mì ống và khoai lang… Người bệnh thiếu máu cơ tim nên sử dụng nó làm năng lượng chính cho bữa ăn, nhất là bữa sáng.

Cắt giảm muối trong toàn khẩu phần ăn

Nếu được hỏi “người bệnh thiếu máu cơ tim không nên ăn gì?”, muối và các thực phẩm nhiều muối sẽ là cái tên đứng đầu danh sách.

Ăn quá nhiều muối dễ gây tăng huyết áp. Mỗi người bệnh tim đều cần cắt giảm tối đa lượng muối natri bằng cách: không sử dụng nước chấm với các đồ luộc, hạn chế tối đa lượng muối/mắm cho vào món xào. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng các loại gia vị tự nhiên để tăng thêm hương vị như hành, tỏi, quế, hồi, sả,… Đặc biệt là hợp chất allicin trong tỏi đã được chứng minh có thể giảm cholesterol trong máu.

Dù giảm lượng muối bạn thêm vào thức ăn tại bàn hay khi nấu nướng là bước khởi đầu tốt, nhưng bạn còn cần phải lưu ý đến muối “ẩn” trong mì chính, thực phẩm đóng hộp, nước sốt hoặc món ăn đã chế biến sẵn. Mì chính có chứa gốc “natri” có thể chuyển thành muối khi ăn. Trong khi các thực phẩm chế biến sẵn thường được nêm bằng muối biển có giá trị tương đương muối thường.

Bỏ rượu, cà phê và các loại thức uống có hại

Rượu, cà phê hay chất kích thích, bao gồm cả nước ngọt các loại đẩy nhanh quá trình stress oxy hoá trong cơ thể, làm tăng tổn thương mạch máu – nền tảng đầu tiên tạo nên mảng xơ vữa.

Vì vậy, nếu bạn bị thiếu máu cơ tim, hãy cắt giảm chúng ở dưới mức 1 ly mỗi ngày, thay vào đó là uống nước lọc hay trà xanh. Trà xanh giúp đốt cháy chất béo, chống oxy hoá, giảm viêm, cân bằng đường huyết, giảm huyết áp bảo vệ tim mạch.

Mẹo ăn uống tốt cho người thiếu máu cơ tim

Việc bạn ăn bao nhiêu cũng quan trọng như những gì bạn nạp vào cơ thể. Ăn quá nhiều có thể gây tăng cân, từ đó khiến tình trạng xơ vữa mạch máu trở nên trầm trọng hơn. Tốt hơn bạn nên sử dụng đĩa nhỏ hoặc bát để kiểm soát phần ăn mỗi ngày. Đồng thời hãy để lượng lớn bữa ăn của mình là trái cây và rau quả, phần nhỏ tinh bột, đạm và các loại chất béo tốt. Chiến lược này giúp ích rất lớn cho sức khoẻ trái tim cũng như vòng eo của bạn.

Thực phẩm luộc, hấp sẽ tốt hơn chiên xào. Vì vậy, bạn nên cố gắng tự nấu ăn tại nhà để kiểm soát lượng muối và chất béo xấu.

Việc rối loạn mỡ trong máu gây xơ vữa mạch cũng liên quan trực tiếp đến rối loạn chuyển hoá đường. Nếu đã mắc bệnh tim, dù có bị tiểu đường hay không, bạn cũng nên hạn chế ăn bột đường.

Tuân thủ những thực phẩm mà người bệnh thiếu máu cơ tim nên ăn, không nên ăn sẽ góp phần kiểm soát bệnh thiếu máu cơ tim, nhưng nó không giúp khỏi bệnh hay thay thế được thuốc. Bạn cần kết hợp chế độ ăn với việc phác đồ của bác sĩ và các sản phẩm hỗ trợ để có kết quả tốt nhất.

Tránh căng thẳng, lo âu

Nhiều nghiên cứu cho thấy căng thẳng, lo âu có thể làm tăng huyết áp, tăng nồng độ cholesterol trong máu, tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa gây hẹp mạch vành. Cách giảm căng thẳng, stress dễ dàng nhất là tập thiền, Yoga, tập hít sâu thở chậm.

Tập thể dục thường xuyên

Vận động thể lực không chỉ giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm cholesterol hiệu quả hơn mà còn thúc đẩy tuần hoàn bàng hệ phát triển (hệ mạch máu mới được hình thành ngay dưới điểm tắc hẹp). Đi bộ và tăng dần thời gian, tốc độ mỗi ngày là cách tốt nhất để giúp tuần hoàn bàng hệ phát triển.

Thông Tin Cần Biết

Bệnh thiếu máu cơ tim nên ăn gì?

Bệnh thiếu máu cơ tim nên ăn gì?

Bệnh thiếu máu cơ tim có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Nếu mắc bệnh thiếu máu cơ tim nên ăn gì và những thực phẩm cần tránh là loại nào?

Thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không và nên ăn gì

Thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không và nên ăn gì

Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là chứng bệnh về tim cực kỳ phổ biến, nhất là với người lớn tuổi. Bệnh có thể gây nguy hại và đe dọa tới tính mạng của người bệnh nếu như không được chữa trị kịp...

Bệnh tim mạch khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY