Những năm gần đây các món ăn đặc sản vùng núi Tây Bắc được không ít người ưa chuộng. Điển hình chính là món thịt trâu gác bếp.
Thịt trâu gác bếp vốn là đặc sản của người Thái đen, xưa kia họ nghĩ ra cách ướp thịt trâu, bò treo lên gác bếp để có thể ăn được lâu, dùng trong những ngày lễ tết, cỗ bàn hay những dịp quan trọng.
Đặc biệt, món ăn này rất phát huy tác dụng khi đi rừng dài ngày bởi nó góp phần bổ sung dưỡng chất. Vào mùa mưa lũ khó ra ngoài lấy thức ăn, thịt trâu gác bếp trở thành nguồn thực phẩm dự trữ rất tốt. Ngày nay, món ăn này trở thành đặc sản phổ biến, có mặt nhiều trong bữa cơm của dân bản, được không ít thực khách miền xuôi ưa thích.
Ngày Tết, thưởng thức món thịt trâu gác bếp xé sợi dai dai nhâm nhi thêm chút rượu cay cay là sở thích của nhiều người.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, món ăn này dù ngon nhưng là thịt sống, chưa trải qua công đoạn chế biến kỹ lưỡng nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa cao. Nếu ăn uống không đúng cách hay ăn quá nhiều có thể gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là những nhóm người nên hạn chế hoặc không nên ăn thịt trâu gác bếp.
1. Người bị suy thận, bệnh gout
Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Lân – Viện Y dược học Cổ truyền Quân đội thì thịt trâu gác bếp là thịt sống nên trước khi ăn phải hấp, nướng hoặc cho vào lò vi sóng mới mềm không bị cứng. Với món ăn này, người bị suy thận, gout là 2 đối tượng không nên ăn vì có thể khiến bệnh thêm trầm trọng.
2. Người đau dạ dày
Cũng theo ý kiến của bác sĩ Lân thì người bị đau dạ dày nên hạn chế ăn vì trong thịt trâu gác bếp có nhiều gia vị cay nóng. Điều này có thể ảnh hưởng đến dạ dày, gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa.
3. Người cao huyết áp
Thịt trâu, bò có chứa một lượng lớn chất béo bão hòa, gây nhiều tác hại đối với sức khỏe, đặc biệt là người bị cao huyết áp. Những người bị bệnh này cũng nên chú ý bảo vệ sức khỏe của mình, hạn chế ăn thịt trâu gác bếp để tránh bệnh tái phát.
4. Bà bầu
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt trâu thuộc nhóm thực phẩm bà bầu cần hạn chế ăn, thậm chí là không nên ăn. Bởi thịt trâu là thực phẩm có thể gây nên tình trạng đầy bụng, ợ nóng, không tốt cho hệ tiêu hóa và sức khỏe của người mang thai.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo bà bầu không nên ăn thịt trâu trong thời kỳ dưỡng thai. Trong thịt trâu có chứa hàm lượng lớn chất đạm, nếu bà bầu ăn thịt trâu quá nhiều trong thời kỳ mang thai có thể dẫn tới nguy cơ mắc bệnh gout.
5. Bệnh mỡ máu
Loại thịt này có chứa lượng chất đạm khá cao, không tốt cho sức khỏe của những người bị bệnh mỡ trong máu. Vì vậy, những người mắc bệnh mỡ máu nên chú ý khi lựa chọn và thưởng thức món ăn này.
6. Những người bị bệnh u xơ cổ tử cung
Người bị u xơ cổ tử cung cũng không nên ăn các loại thịt đỏ như thịt trâu, bò. Trong thịt bò có những kích thích tố như estrogen có thể ảnh hưởng trực tiếp tới khối u, khiến tình trạng bệnh thêm nặng.
Ăn thịt trâu, lợn gác bếp thế nào để đảm bảo sức khỏe?
Bác sĩ Nguyễn Văn Lân khuyên chỉ nên ăn theo nhu cầu protein của mỗi người và theo cân nặng của người lớn, trẻ em. Tốt nhất mọi người không nên ăn nhiều. Với người chuyển hóa tốt, lượng thịt thừa hấp thụ vào cơ thể sẽ ra theo đường nước tiểu. Tuy nhiên nếu ăn nhiều thì lượng thịt thừa tích lũy lại sẽ khó bài tiết hết rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Một số lưu ý khi ăn thịt trâu gác bếp:
- Không ăn thịt trâu với củ kiệu, hẹ
- Không ăn thịt trâu với gừng
- Không bỏ thịt trâu gác bếp vào lò vi sóng để hâm nóng. Đây là sai lầm khiến bạn muốn quẳng ngay món này vào thùng rác. Vì thịt trâu gác bếp vốn rất dai, lại được hong khô nên lại càng dai. Nếu cho lò vi sóng sẽ bị rút nước, thịt sẽ không thể xé nổi.
Giải pháp: Thấm nước vào miếng thịt, hấp cách thủy (là ngon nhất). Hoặc bỏ vào lò nướng khoảng 10p, nhiệt độ 220 độ C.