Nếu bạn chủ quan, thói quen xấu trong việc nhịn vệ sinh buổi sáng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cơ quan nội tạng.
Nhiều người vào buổi sáng vì ham ngủ mà cố nhịn cơn buồn tiểu hoặc có những người vì bận rộn nên có thói quen ít đi tiểu hoặc nhịn tiểu trong thời gian dài. Tuy nhiên, thói quen tưởng như bình thường này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe gan và thận, đặc biệt ở nam giới.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, nhịn tiểu trong khoảng thời gian nào cũng không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là vào buổi sáng. Việc thường xuyên nhịn tiểu sẽ ảnh hưởng lớn đến sự vận hành của các cơ quan như thận và gan.
Nhịn tiểu vào buổi sáng có ảnh hưởng gì đến cơ thể?
Khi cơ thể muốn đi tiểu có nghĩa là bàng quang trong cơ thể đã đạt đến một lượng nước tiểu nhất định và chúng ta cần phải đi vệ sinh. Không đi tiểu kịp thời không chỉ làm bàng quang bị tổn thương mà các bộ phận khác trên cơ thể cũng bị ảnh hưởng.
1. Ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ
Khi buồn tiểu, mọi người thường dễ bị tỉnh ngủ, nếu nhịn tiểu để ngủ tiếp thì cơ thể không thể hoàn toàn đi vào giấc ngủ sâu. Thời gian này không đi tiểu kịp thời không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà còn không tốt đến cơ thể.
2. Gây viêm bàng quang
Nhịn tiểu sẽ tác động lớn đến bàng quang và có thể gây viêm bàng quang. Nước tiểu được tạo ra trong cơ thể con người đi vào bàng quang và khi đạt đến một lượng nhất định, nó sẽ gửi tín hiệu đến não khiến bạn có cảm giác muốn đi tiểu. Nhịn tiểu sẽ làm tăng gánh nặng cho bàng quang. Nhịn tiểu lâu, một số thành phần trong nước tiểu có thể gây viêm bàng quang.
3. Ảnh hưởng đến đường tiết niệu
Nhịn tiểu vào buổi sáng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến đường tiết niệu. Quá trình đi tiểu của chúng ta thực chất là quá trình thải độc, việc nhịn tiểu sẽ khiến các chất độc này tích tụ lại, từ đó sẽ khiến chất độc và vi khuẩn đi lên niệu đạo và gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
4. Gây hại thận
Thói quen nhịn tiểu xảy ra trong nhiều năm sẽ làm bệnh nhân mất khả năng kiểm soát các cơ vòng ngoài bàng quang khiến nước tiểu rò rỉ tạo thành nguyên nhân khởi nguồn cho một chuỗi các bệnh lý tại thận và ngoài thận như nhiễm khuẩn niệu đạo, bàng quang, thận...
Với người có bệnh nền, nhịn tiểu thường xuyên có thể dẫn tới đột tử. Chẳng hạn như bệnh nhân tăng huyết áp nếu "nhịn" đi tiểu sẽ khiến thần kinh hưng phấn, dẫn đến huyết áp tăng, tim đập nhanh, gây ra xuất huyết não hoặc nhồi máu cơ tim rất có thể dẫn đến đột tử.
5. Gây hại gan
Việc nhịn tiểu không chỉ gây hại cho thận mà còn hại gan. Khi chúng ta ngủ, gan vẫn phải thực hiện vai trò khử độc. Trong quá trình hoạt động, gan tiết ra một số enzyme giúp chuyển đổi amoniac thành ure và sau đó đưa đến thận. Thận với chức năng tạo ra nước tiểu sẽ bài tiết ure, amoniac và một số thành phần khác trong nước tiểu ra ngoài.
Vì thế, nếu bạn có thói quen nhịn tiểu vào lúc buổi sáng hay bất kỳ thời gian nào trong ngày, amoniac, ure và nhiều thành phần khác trong nước tiểu sẽ thấm vào tĩnh mạch thận, sau đó vào máu và quay ngược trở lại gan. Lúc này, gan sẽ phải gồng gánh thêm một lượng amoniac, ure và nhiều chất độc hại khác có trong nước tiểu.
Ngoài ra, nước tiểu không được thải ra kịp thời sẽ làm giảm khả năng trao đổi chất của cơ thể, khiến các chất gây hại tích tụ trong gan. Nếu tình trạng này kéo dài có thể làm hỏng chức năng trao đổi chất bình thường của gan.
6. Gây hại chức năng sinh sản của nam giới
Việc nhịn tiểu cũng rất có hại cho chức năng sinh sản của nam giới. Khi nước tiểu không thể đào thải ra ngoài cơ thể, vi khuẩn trong đó có thể gây hại cho các bộ phận xung quanh. Việc nhịn tiểu lâu ngày có thể khiến dây thần kinh sinh sản của nam giới bị tổn thương, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, nghiêm trọng có thể gây vô sinh.
Việc nhịn tiểu tưởng chừng là chuyện nhỏ nhưng đối với cơ thể thì tác hại rất nghiêm trọng nên mọi người cần chú ý, tránh thói quen này. Nên đi tiểu ngay khi cơ thể phát tín hiệu. Sau khi bài tiết, bạn có thể quay lại giường và ngủ tiếp. Ban ngày bạn cũng nên chú ý không nên nhịn tiểu để giảm tác hại cho cơ thể.