Theo các chuyên gia, thời tiết mưa nắng thất thường, nhiệt cao, ẩm lớn như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn nấm mốc sinh sôi phát triển tấn công, làm “biến chất” các loại thực phẩm. Nếu ăn phải các loại thực phẩm này, người dùng có nguy cơ rước độc vào người, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Ủ bệnh trong người vì ham của… hỏng
Hơn một năm trước, bà Thu Nga (ở Quốc Oai, Hà Nội) phát hiện bị xơ gan đang tiến triển sang giai đoạn nặng. Khi bác sĩ thông báo kết quả, bà Nga vô cùng sững sờ vì bản thân không hề hút thuốc, uống rượu và gia đình bà cũng không ai có tiền sử mắc bệnh gan.
Khi bác sĩ hỏi về thói quen ăn uống hàng ngày, bà Nga cho biết, vì gia đình chủ yếu làm nông nên thường có rất nhiều các loại nông sản, từ các loại hạt, ngũ cốc khô như gạo, đậu tương, lạc đến các loại rau củ quả tươi như bí đỏ, khoai tây, khoai lang, hành, tỏi. Vì thế, cứ sau mỗi đợt thu hoạch, ngoài phần đem đi bán, bà Nga thường bớt lại một phần để ăn dần.
Tuy nhiên, theo lời bà Nga, chính bởi sự tích trữ các loại nông sản lâu ngày trong nhà nên chúng rất hay bị mốc, một số loại bị lên mầm, nhất là trong mùa mưa. Thế nhưng, vì tiếc của nên thay vì bỏ đi, bà Nga thường “xử lý” lại những nông sản đó. Với các loại hạt bị mốc, bà Nga đem rửa sạch rồi phơi khô. Còn với những thứ bị lên mầm, bà chỉ cần vặt đầu mầm đi là xong và chế biến như bình thường.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là việc làm quan trọng trong mùa mưa bão. Ảnh minh họ
Bà Nga cho biết thêm, thói quen này được gia đình bà duy trì từ khi nào bà cũng không rõ. Chỉ đến khi thấy người gầy gò, xanh xao, ăn uống kém, bà Nga mới đi khám và phát hiện bệnh. Theo các bác sĩ trực tiếp khám cho bà, chính việc thường xuyên ăn các thực phẩm đã bị mốc, lên mầm có thể là “thủ phạm” ủ bệnh và “tàn phá” sức khỏe của bà.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, với thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt cao, ẩm lớn, nếu không biết cách bảo quản các loại thực phẩm thì nguy cơ bị nấm mốc, mọc mầm là rất cao. Khi thực phẩm đã xuất hiện các dấu hiệu bị mốc hoặc lên mầm, ngoài việc bị mất đi các chất dinh dưỡng, những thực phẩm này còn bị “biến chất” gây hại cho sức khỏe người dùng.
Chẳng hạn, với các thực phẩm khi bị nhiễm nấm mốc sẽ sinh ra độc tố Aflatoxin. Đây là loại thường được phát hiện trên các loại gạo và các loại ngũ cốc. Loại độc tố này sẽ làm giảm khả năng sinh trưởng của gia súc, gia cầm, thậm chí gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tương tự, nếu con người ăn phải, loại độc tố này sẽ làm suy giảm chức năng gan và kéo theo hàng loạt hệ lụy liên quan đến sức khỏe.
Đối với những thực phẩm đã bị mọc mầm, đặc biệt là mầm khoai tây, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội), trong mầm khoai tây có chứa solanine, thường tập trung ở phần chân mầm, ngay lớp vỏ xanh phía ngoài làm cho khoai tây bị đắng. Chất này khi đi vào cơ thể sẽ kích thích tương đối mạnh đến niêm mạc dạ dày, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Nếu bị trúng độc chất này, người bệnh có biểu hiện đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, thậm chí hôn mê, suy hô hấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Còn theo các bác sĩ tại Bệnh viện K Trung ương, việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, nhất là đối với gan. Nhiều bệnh nhân đến khám mới tá hỏa khi phát hiện bị ung thư mà không hay biết. Trong số đó, nhiều trường hợp xuất phát từ việc nhiều người tiếc rẻ thực phẩm đã có dấu hiệu bị hỏng để chế biến các món ăn hàng ngày.
Không ăn thực phẩm bị mốc, mọc mầm
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, mặc dù nấm mốc và một số loại củ, quả lên mầm gây ra nhiều tác hại xấu đối với sức khỏe con người, tuy nhiên, một số người lại có quan niệm chỉ cần rửa sạch hoặc loại bỏ phần mầm là có thể dùng như bình thường. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, bởi lẽ, việc rửa đi phần mốc hay gọt đi phần mầm thực chất chỉ là làm sạch phần vỏ bên ngoài chứ không thể loại bỏ các chất độc đã ngấm sâu bên trong thực phẩm.
Thậm chí, nhiều người cho rằng, cứ nấu chín thực phẩm là các chất độc cũng bị tiêu diệt (?). Tuy nhiên, một thử nghiệm của Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ cho thấy, khi đem hạt lạc đã bị mốc rang lên, mặc dù nhiệt độ rất cao nhưng độc tố của chúng vẫn không bị phá hủy và hoàn toàn có khả năng gây hại. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, đối với các thực phẩm bị nấm mốc, tốt nhất không nên tiếc rẻ giữ lại ăn mà nên bỏ đi, tránh gây hại cho sức khỏe.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, để thực phẩm không bị hư hỏng, gây hại đến sức khỏe, việc bảo quản thực phẩm là khâu vô cùng quan trọng. Cụ thể, đối với các loại củ, quả dễ lên mầm, nhất là khoai tây, khi thu hoạch hoặc mua về, không nên rửa bằng nước và tránh để nơi ẩm thấp; nên để ở nơi khô ráo, thoáng gió có thể sử dụng trong vài tháng. Tương tự, với các loại thực phẩm khô (gạo, ngũ cốc, nấm, măng..), để tránh bị ẩm, dẫn đến nấm mốc, cần phơi khô và đựng trong lọ thủy tinh, hộp kín hoặc buộc nilon kín treo ở những nơi khô ráo, thoáng mát. Nếu lâu ngày không sử dụng đến, có thể đem ra phơi lại dưới ánh nắng mặt trời để phòng ngừa nấm mốc. Để tránh tình trạng tích tụ mầm bệnh do ăn phải các loại thực phẩm bị nấm mốc, mọc mầm, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng nên sáng suốt lựa chọn các loại đồ ăn tươi sống, đảm bảo vệ sinh. Nếu phát hiện các loại thực phẩm bị nhiễm nấm mốc, hư hỏng, cần loại bỏ, không nên tiếc rẻ “cố” sử dụng để tránh rước bệnh vào người.
Theo các chuyên gia, khi mưa lớn kéo dài, việc dự trữ thực phẩm là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, cũng nên hạn chế việc tích trữ quá nhiều các loại thực phẩm trong nhà, nhất là trong tủ lạnh để tránh “nuôi” mầm bệnh. Cụ thể, các loại thực phẩm tươi sống không nên để quá lâu trong tủ, rau củ quả tươi chỉ nên để khoảng 1 tuần và với thực phẩm tươi đông lạnh là dưới một tháng. Các loại thực phẩm đông lạnh đóng hộp, chế biến sẵn nên sử dụng một lần và hạn chế để lưu cữ trong tủ lạnh sau khi đã mở nắp ra sử dụng. |