Phơi nhiễm thuốc trừ sâu trong nông nghiệp từ khi còn nhỏ có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến đường hô hấp, theo kết quả khảo sát của các nhà khoa học Mỹ tại ĐH California mới được công bố trên tạp chí Thorax.
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên 279 trẻ sinh sống tại thung lũng Salinas thuộc bang California - ở vùng đất nông nghiệp chuyên sản xuất rau diếp, hoa lan, nho… và là nơi bị xem có khả năng phơi nhiễm với hóa chất diệt côn trùng dạng organophosphate cao. Họ đo mức độ phơi nhiễm với organophosphate qua mẫu nước tiểu của nhóm trẻ này 5 lần từ lúc 6 tháng đến 5 năm tuổi. Đến khi lên 7 tuổi, trẻ được xét nghiệm về khả năng hít thở sâu. Các nhà khoa học nhận thấy khi mức độ phơi nhiễm với organophosphate tăng thêm gấp 10 lần thì khối lượng khí thở ra của trẻ giảm 8%.
Thuốc trừ sâu có thể làm suy giảm khả năng hô hấp của trẻ em. (Ảnh: The Huffington Post)
Sự suy giảm hô hấp này tương đương với trẻ bị phơi nhiễm khói thuốc lá từ người mẹ. Họ cảnh báo nếu chức năng của phổi tiếp tục bị suy giảm như vậy đến tuổi trưởng thành, nguy cơ phát triển bệnh về đường hô hấp như phổi tắc nghẽn mạn tính tăng cao và cho rằng nhiễm organophosphate phải bị liệt kê vào danh sách cảnh báo các yếu tố tác hại lên phổi trẻ em như nhiễm khói thuốc lá từ mẹ, ô nhiễm không khí bên ngoài hoặc khói bếp.
Những nghiên cứu trước đây thường quan sát tác hại của organophosphate trên người làm nông nghiệp như tác động đến hệ thần kinh chứ chưa ghi nhận ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ em