Một phụ nữ 30 tuổi, Xiaomei, thường vào nhà vệ sinh để làm gì đó, nhưng cô ấy đã suýt chút nữa mất khả năng làm mẹ vì điều này.
Hai năm trước, sau khi Xiaomei chuyển sang công ty mới, việc thích nghi với môi trường làm việc mới rất khó khăn, sự cạnh tranh giữa các đồng nghiệp ngày càng gay gắt hơn trước, áp lực của Xiaomei cũng đột nhiên rất lớn.
Mỗi khi công việc, vay nợ, tiền bạc khiến cô mệt mỏi, Xiaomei lại tìm đến ăn uống để xả stress. Lâu dần, cô hình thành thói quen mỗi khi căng thẳng lại tìm đến ăn uống để đánh lạc hướng sự chú ý và giải tỏa lo lắng. Lúc đầu, Xiaomei ăn rất nhiều đồ ngọt như sô cô la và bánh ngọt. Mỗi lần ăn xong cô đều rất hài lòng như thể mọi muộn phiền đã được cô ăn sạch.
Xiaomei liên tục tìm đến đồ ăn để giải tỏa tâm lý. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, sau khi ăn xong, cô cảm thấy rất tội lỗi, hối hận và lo lắng sẽ béo lên. Bởi vì cô ấy đang làm việc trong ngành bán hàng, yêu cầu có ngoại hình tốt khi gặp khách hàng. Vì vậy, mỗi khi ăn xong, Xiaomei đều rất chăm chỉ tập luyện để tiêu hóa hết thức ăn đã ăn. Tuy nhiên, điều này chẳng ích gì, Xiaomei vẫn tăng cân vì ăn nhiều.
Lúc này, Xiaomei đọc được một thông tin nói rằng chỉ cần sau khi ăn, nôn ra hết thì sẽ không bị tăng cân. Mỗi đêm, sau khi ăn đồ ngọt và đồ chiên một cách điên cuồng, Xiaomei liền lén lút vào nhà vệ sinh để móc họng và nôn hết sạch đồ ăn ra ngoài.
Lúc đầu vì khó nôn, cô phải dùng tay, dùng đũa hay bàn chải đánh răng để kích thích nôn. Sau này việc nôn như thành thói quen, cô chẳng cần phải dùng bất cứ thứ gì cũng có thể tự động nôn.
Việc làm này có vẻ như rất thuận lợi, cân nặng của Xiaomei quả thực không tăng, cô không phải lo về việc béo phì. Tuy nhiên cũng vì thường xuyên nôn mửa nên nhà vệ sinh của cô lúc nào cũng nồng nặc mùi nên cô phải dọn dẹp thường xuyên. Thậm chí vì nôn quá nhiều nên có lúc Xiaomei vừa ăn đã nôn ngay. Tình trạng này kéo dài khiến sự mệt mỏi của cô lại tăng thêm.
Xiaomei lo sợ cân nặng tăng nên mỗi lần sau khi ăn xong, cô lại móc họng để nôn. (Ảnh minh họa)
Tệ hơn nữa, sau 6 tháng sống như vậy, Xiaomei đột nhiên thấy kinh nguyệt bị chậm. Điều này khiến Xiaomei lo lắng, sợ rằng đó là biểu hiện của mang bầu.
Tuy nhiên khi đi khám, bác sĩ nói rằng cô không có thai và đề nghị cô đi khám chuyên khoa nội tiết. Tại khoa nội tiết, bác sĩ đã tìm hiểu kỹ tình hình của Xiaomei và nói với cô rằng nguyên nhân sâu xa là do nôn mửa, chỉ sau khi chữa khỏi thì hệ thống nội tiết mới có thể được điều hòa và kinh nguyệt có thể bình thường.
Sau khi biết chuyện, Xiaomei đã tìm gặp bác sĩ Ma Yongchun, phó khoa Tâm lý học, bệnh viện Litongde, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Bác sĩ Ma Yongchun nói rằng vấn đề của Xiaomei là chứng ăn uống vô độ là một dạng rối loạn ăn uống. Đặc điểm chính là tình trạng thèm ăn tái diễn không kiểm soát và sau đó tìm cách để tránh tăng cân như nôn mửa,…
Thông thường việc điều trị cần kết hợp giữa liệu pháp điều trị bằng thuốc và hệ thống liệu pháp tâm lý. Xiaomei sau đó đã bắt đầu được điều trị tại phòng khám ngoại trú. Hành vi ăn uống của cô cũng dần được kiểm soát. Sau khi điều trị bằng thuốc của bác sĩ trưởng khoa phụ sản Lu Wen, kinh nguyệt của Xiamei đã trở lại bình thường.
"Các bạn phải biết rằng rối loạn nội tiết do ăn uống quá độ nhiều lần rất phổ biến ở những bệnh nhân này và nếu tình trạng này kéo dài ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có thể dẫn đến không đủ điều kiện sinh sản", bác sĩ Lu Wen cảnh báo.
Xiaomei được chẩn đoán mắc chứng ăn uống vô độ, ăn rất nhiều nhưng sau đó lại tìm cách giảm cân. (Ảnh minh họa)
Mức độ nguy hiểm của chứng ăn uống vô độ tâm thần
Khi mắc phải chứng ăn vô độ, bệnh nhân đã đặt bản thân mình vào tình trạng nguy hiểm với những hậu quả như:
- Rối loạn điện giải (thường là giảm kali máu) do việc loại bỏ thức ăn ra khỏi cơ thể bằng cách móc họng nôn ra, dùng thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng,... Hạ kali máu có thể gây mệt mỏi, rối loạn nhịp tim, suy thận hay thậm chí là tử vong;
- Những biến chứng phổ biến khác của tình trạng này gồm đau bụng, trướng bụng, tăng cân, sưng tay và chân, khàn tiếng, đau họng mạn tính, vỡ mạch máu ở mắt, sưng má và tuyến nước bọt, yếu và run người, trào ngược dạ dày - thực quản, loét dạ dày, sâu răng, đau miệng, rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh, rụng tóc, táo bón do lạm dụng thuốc nhuận tràng, da khô, sạm da, kém phát triển chiều cao,...
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh chứng ăn vô độ?
Các triệu chứng thường gặp của chứng ăn vô độ bao gồm:
- Ám ảnh với hình dáng cơ thể và cân nặng;
- Sống trong lo sợ sẽ tăng cân;
- Cảm thấy mình không thể kiểm soát hành vi ăn uống của bản thân;
- Ăn vô độ cho đến khi bị khó chịu hoặc đau đớn;
- Ăn nhiều thức ăn trong một lần ăn so với bình thường;
- Ép mình phải nôn hoặc tập thể dục quá mức để tránh tăng cân sau khi ăn quá độ;
- Lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu hoặc dịch thụt tháo sau khi ăn;
- Hạn chế calo hoặc tránh một số loại thực phẩm giữa những lần ăn vô độ;
- Sử dụng quá mức chế độ ăn uống bổ sung hoặc các sản phẩm thảo dược để giảm cân.