Rau luộc thanh đạm, tốt cho sức khỏe nhưng bác sĩ nhắc nhở chỉ ăn thực phẩm chế biến theo cách này có thể khiến bạn bỏ lỡ những vitamin tan trong chất béo.
Ý thức về sức khỏe của con người hiện đại ngày càng cao. Nhiều người rất chú trọng đến bữa ăn hàng ngày và cho rằng ăn các món luộc thanh đạm, không nêm gia vị hay dầu mỡ sẽ có lợi hơn.
Tuy nhiên, bác sĩ phục hồi chức năng người Đài Loan (Trung Quốc) Chen Zhaorong lại không đồng tình với điều đó. Ông cho biết luộc rau củ cũng có thể làm mất đi một số chất dinh dưỡng quan trọng, mọi người nên đa dạng cách nấu nướng, chế biến.
Bác sĩ Chen Zhaorong cũng tiết lộ trong một chương trình về cách sống khỏe rằng trước đây có một bệnh nhân 70 tuổi, gia đình có tiền sử cao huyết áp nên bà rất chú trọng đến chế độ ăn uống để phòng bệnh. Do đó, bà thường xuyên ăn rau luộc và tránh ăn quá nhiều thịt, không ngờ khi đến bệnh viện khám sức khỏe lại phát hiện mật độ xương giảm rất nghiêm trọng, chứng tỏ bị loãng xương nặng.
Luộc rau củ có thể làm giảm đi một số chất dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)
Sau đó, bác sĩ Chen Zhaorong chỉ ra rằng nguyên liệu chính của xương là canxi. Để cơ thể có thể hấp thụ canxi tốt cũng cần có vitamin D3 giúp đưa canxi được ruột hấp thụ vào mạch máu, vitamin K để hỗ trợ từ mạch máu đến xương. Ba chất dinh dưỡng chính này không thể thiếu để ngăn ngừa loãng xương.
Chen Zhaorong giải thích rằng phương pháp nấu rau củ chần sẽ làm mất đi các vitamin tan trong nước và tan trong chất béo của rau. Vitamin K rất phổ biến trong các loại rau củ có màu sẫm nhưng lại là loại vitamin tan trong chất béo nên mọi người không thể hấp thụ được chất dinh dưỡng này trong các loại rau củ luộc mà không có dầu. Người phụ nữ vì sợ cholesterol tăng cao và hầu như không bao giờ ăn nội tạng động vật và lòng đỏ trứng, dẫn đến lượng vitamin K hấp thụ không đủ.
Bác sĩ Chen Zhaorong cũng nhắc nhở rằng mặc dù vitamin K là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng để ngăn ngừa loãng xương, việc tiêu thụ quá nhiều có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc chống đông máu. Bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu trong thời gian dài nên cẩn thận khi dùng thực vật có màu sẫm, ăn quá nhiều có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc và tăng nguy cơ đột quỵ.
Còn về vitamin D3, ngoài việc bổ sung thông qua tiếp xúc với ánh nắng cũng có thể được hấp thụ thông qua uống sản phẩm bổ sung hoặc các thực phẩm giàu vitamin D3 như:
- Nguồn từ động vật: Gan bò, ngũ cốc, dầu gan cá, cá hồi, lòng đỏ trứng, phô mai, bơ,...
- Nguồn từ thực vật: Hạnh nhân, yến mạch, đậu Hà Lan, sữa đậu nành tăng cường vitamin D.
Các cách nấu rau để tránh hao hụt quá nhiều dinh dưỡng
Ăn rau nấu chín sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh nhưng cũng có thể làm hao hụt một số dưỡng chất trong đó. Dưới đây là những cách nấu rau để giữ lại được nhiều vitamin nhất có thể.
- Giữ phần vỏ khi có thể.
- Tránh hâm nóng thức ăn liên tục.
- Sử dụng ít nước khi nấu ăn.
- Chọn hấp thay vì luộc.
- Khi luộc rau, hãy giữ lại phần nước để dùng.
- Sử dụng lò vi sóng.
- Cắt rau thành miếng lớn để giảm hao hụt chất.