Trong những giai đoạn hưng cảm, tôi điên cuồng gặp rất nhiều đàn ông cho đến một đêm, tôi bị tấn công tình dục. Đáng buồn thay, trải nghiệm của tôi tương đối phổ biến nhưng nhiều người không dám nói ra.
Bài viết dưới đây trên The Telegraph là chia sẻ của Anne Chataigné - một phụ nữ gốc Pháp mắc chứng rối loạn lưỡng cực, đã trải qua nhiều nỗ lực để vượt qua, và mong muốn những người gặp tình trạng này có thể hiểu đúng hơn về bệnh, cũng như nhận được sự trợ giúp cần thiết.
Không chấp nhận mình mắc rối loạn lưỡng cực
Khi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực vào năm 2013, tôi không muốn tin, rất tức giận và phủ nhận. Ở tuổi 20, tôi còn cả cuộc đời phía trước và không muốn bị gắn mác “tinh thần ốm yếu”. Rối loạn lưỡng cực không phải là hiếm - khoảng 1 trong 50 người ở Anh được chẩn đoán mắc bệnh này - tuy nhiên nó lại bị hiểu lầm rất nhiều. Giống như nhiều người khác, tôi không thực sự hiểu lưỡng cực là gì. Tất cả những gì tôi biết là khi bất kỳ ai trong các bộ phim và chương trình truyền hình mắc bệnh này, họ đều có vẻ “điên” và thường mắc một dạng nghiện nào đó. Nhưng tôi là người đầy tham vọng, có học thức và chăm chỉ!
Anne Chataigné cởi mở chia sẻ về chứng rối loạn lưỡng cực mình mắc phải trên The Telegraph.
Lưỡng cực từng được gọi là “hưng cảm trầm cảm”, vì những yếu tố kép được ghi chép rõ ràng - hưng cảm và trầm cảm. Nhưng cho đến gần đây, hành vi cuồng dâm thường đi kèm với chứng rối loạn lưỡng cực vẫn ít được công nhận và hiếm khi được thảo luận. Một phần vì những người vốn không may trải qua chuyện đó đều vô cùng xấu hổ. Việc tâm trí chỉ nghĩ về tình dục là điều hầu như không ai muốn thừa nhận và sẽ càng bị kỳ thị nếu bạn là nữ.
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần của tôi lần đầu tiên xuất hiện vào năm thứ hai đại học khi tôi đang theo học ngành chính trị và xã hội ở London. Sau một cơn mất ngủ trầm trọng (mà rất lâu sau đó tôi mới nhận ra đó là chứng hưng cảm), tôi rơi vào trạng thái trầm cảm đen tối nhất. Sự thờ ơ nhấn chìm - tôi không thể học bài hay thậm chí ra khỏi giường. Tôi thực sự không muốn tự sát, nhưng cũng không muốn sống, tôi chỉ cảm thấy tê liệt. Tôi được dùng thuốc chống trầm cảm và cuộc sống đã hồi phục sau vài tháng. Tôi đã có thể học tập, gặp gỡ bạn bè và bắt đầu hẹn hò với một người bạn trai.
Rồi năm sau, vào mùa xuân 2013, cơn hưng cảm đầu tiên của tôi xuất hiện. Nó giống như mức năng lượng của bạn tăng vọt, gần như phấn khích tột độ, như thể thế giới dường như quá nhỏ bé; Tôi có một mong muốn vô độ là được khám phá những điều mới, những địa điểm và con người mới.
Vốn luôn tuân thủ pháp luật, được nuôi dạy như một người Công giáo, tôi đột nhiên bắt đầu ăn trộm trong cửa hàng. Tôi đi du lịch Ý, sau đó dự tiệc ở Berlin và thử dùng thuốc kích thích lần đầu tiên. Nó khiến tôi bốc đồng và theo chủ nghĩa khoái lạc.
Khi bạn trai gửi tin nhắn rằng “chúng ta cần nói chuyện”, tôi biết điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra. Anh ấy nói tôi “hơi quá” và anh không thể kiểm soát được tôi. Tôi không thể chịu đựng được việc chia tay.
Tôi mất kiểm soát và nói dối điên cuồng rằng mình có thai, thậm chí còn dùng bút làm giả hai vạch trên que thử. Mọi việc ngày càng tệ hơn. Cuối tuần đó, tôi nói với bạn trai rằng mình đã sảy thai và muốn tự sát. Tôi thậm chí còn tự cứa vào chân, vấy máu lên quần jean, như thể đang bị sẩy thai. Tất nhiên là bây giờ đã ổn định, tôi hoàn toàn nhận thức được hành vi ấy bất ổn thế nào nhưng một nửa số người rối loạn lưỡng cực cũng có các giai đoạn loạn thần, đó là lúc họ trở nên mất kết nối với thực tế.
Anne chụp ảnh cùng mẹ cô năm 2010.
Hành vi của tôi kỳ quặc và thất thường đến mức người bạn thân nhất, Melanie, đã gọi điện cho bố mẹ tôi, khi đó đang sống tại Trung Quốc, và bảo rằng tôi cần sự giúp đỡ. Bố mẹ tôi lập tức bay về và đưa tôi vào bệnh viện tâm thần ở Paris (Pháp) - quê hương của họ. Tôi biết họ yêu tôi và chỉ muốn điều tốt nhất cho tôi, nhưng trong tâm trạng rối bời lúc bấy giờ, với tôi điều này giống như một sự phản bội tột cùng. Tôi nhớ mình đã hét lên rằng: “Một ngày nào đó bố mẹ sẽ hiểu cảm giác khi bị con tống vào viện dưỡng lão”.
Mọi người đều có những thay đổi về tâm trạng, nhưng khi bạn là người lưỡng cực và không được điều trị, tâm trạng và hành vi sẽ trở nên mãnh liệt và cực đoan.
Sau hai tuần ê chề vì phải mặc đồ bộ cả ngày, tôi được gọi đến phòng khám của bác sĩ và được chẩn đoán mắc chứng lưỡng cực. Ý nghĩ phải sống chung với sự kỳ thị về chứng rối loạn sức khỏe tâm thần thật là khủng khiếp, cũng như việc biết rằng mình sẽ phải dùng thuốc suốt đời.
Việc sử dụng đúng loại thuốc và liều lượng là vấn đề thử-sai, việc tìm ra sự kết hợp phù hợp rất khó vì mỗi người sẽ khác nhau. Đối với tôi, đây là một quá trình kéo dài 5 năm mới thành công, và trong thời gian đó tôi đã tăng 20kg, có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Mọi thứ thật khó khăn và cảm giác như hết rào cản này đến rào cản khác ngăn tôi có thể sống bình thường. Nhưng dần dần tôi đã có thể đưa cuộc sống của mình trở lại đúng hướng và tốt nghiệp.
Năm 2014, tôi yêu một phụ nữ, và 3 năm tiếp theo là khoảng thời gian hạnh phúc. Tôi cảm thấy rất khỏe và đã giảm được cân nên mắc sai lầm kinh điển khi tin rằng mình không cần dùng thuốc nữa. Không hỏi ý kiến bác sĩ tâm lý, tôi ngừng uống thuốc. Trong ba tháng đầu tiên, điều này không sao nhưng sau đó, vào tháng 4 năm 2017, các triệu chứng hưng cảm của tôi lại xuất hiện và lần này kéo theo hành vi cuồng dâm.
Tự đẩy bản thân vào những mối nguy
Có rất nhiều sự kỳ thị gắn liền với phụ nữ, tình dục và ham muốn trong xã hội, vì vậy việc thể hiện hành vi cuồng dâm - khi ham muốn tình dục của bạn tăng đến mức không thể kiểm soát được - là phạm điều rất cấm kỵ.
Mặc dù đang có một mối quan hệ hạnh phúc với một người tuyệt vời nhưng tôi vẫn bị thôi thúc phải ngoại tình. Khi bạn đang ở giữa cơn hưng cảm, bạn không nghĩ đến việc làm tổn thương “nửa kia” mà chỉ đang theo đuổi cảm giác hưng phấn.
Tôi tiếp cận những người lạ trong quán bar và tán tỉnh họ. Tôi tải xuống các ứng dụng hẹn hò, điên cuồng gặp gỡ rất nhiều đàn ông. Tôi vượt qua những ranh giới hẹn hò thông thường và đặt mình ở vị trí không an toàn.
Một buổi tối, tôi đến chỗ một người đàn ông và khi anh ta bắt đầu hành sự, tôi nhận ra mình không có cảm xúc và đề nghị dừng lại nhưng tiếp tục bị tấn công.
Tâm trí tôi đã xóa sạch những chi tiết kinh hoàng, nhưng tôi nhớ lúc mình đang rời khỏi chỗ đó và định đóng sầm cửa nhưng anh ta đã ngăn tôi lại “Suỵt, hàng xóm có thể nghe thấy”. Thật siêu thực!
Tôi chỉ muốn về nhà và gột rửa thật sạch.
Tôi không kể với bất cứ ai trong nhiều tháng mà chỉ kìm nén cảm xúc và tiếp tục cuộc sống. Rất nhiều nạn nhân bị hiếp dâm không trình báo tội ác vì giống như tôi, họ cảm thấy mình có lỗi. Tôi cảm thấy bẩn thỉu và vô cùng xấu hổ. Lẽ ra tôi không nên đến nhà anh ta. Đó là lỗi của tôi.
Cảm giác như bạn không thể tin tưởng vào bản thân thật đáng sợ, nhưng trong những giai đoạn quá khích này, bạn hoàn toàn thiếu tự chủ. Điều này đặc biệt khó giải quyết vì bạn biết sẽ không ai hiểu được điều đó và bạn sẽ bị đánh giá là “lăng nhăng”.
Những bước chuyển mới
Cuối cùng tôi đã mở lòng với bạn thân Melanie về những gì đã xảy ra. Và sau khi tham gia một khóa trị liệu tâm lý tại Cơ quan Y tế Anh vào năm 2021, tôi đã sẵn sàng nói đầy đủ về chứng lưỡng cực, về tất cả sự kỳ thị mà nó mang lại và kể về vụ cưỡng hiếp. Tôi cũng đã tham gia nghiên cứu về liệu pháp điều trị nhận thức (CRT) tại King's College London và cảm giác như mình đóng vai trò tích cực trong việc điều trị của bản thân thực sự đã giúp tôi cảm thấy được trao quyền nhiều hơn.
Anne trong bộ phim tư liệu Trust Me kể về câu chuyện cuộc đời với chứng rối loạn lưỡng cực của cô.
Đáng buồn thay, tôi biết trải nghiệm của mình là tương đối phổ biến. Nghiên cứu mới nhất cho thấy cứ năm người mắc chứng lưỡng cực thì có một người từng có hành vi tình dục quá mức đã bị cưỡng hiếp trong một giai đoạn, một con số tương tự thì từng mang thai ngoài ý muốn (đó là lý do tại sao bây giờ tôi đã đặt vòng để đề phòng) và hơn một nửa các trường hợp đã phải kết thúc mối quan hệ, giống như tôi.
Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến tôi mà tác động rất lớn đến những người tôi yêu thương, bạn bè và bố mẹ tôi, những người đã giúp tôi trở lại cuộc sống bình thường.
Đầu năm nay, cùng với người bạn Melanie, tôi đã làm một bộ phim tài liệu Trust Me (Hãy tin tôi) với sự tài trợ của Viện phim Anh, kể về những trải nghiệm với chứng lưỡng cực. Bố mẹ tôi đến buổi chiếu phim. Bố tôi đã khóc và nói rằng ông tự hào biết bao khi tôi đã vượt qua được và đủ dũng cảm để cởi mở về điều đó.
Tôi thậm chí còn liên lạc với bạn trai cũ, và anh ấy rất thông cảm khi biết nhiều hơn về chứng lưỡng cực.
Làm phim tài liệu, trị liệu và cuối cùng là dùng thuốc phù hợp, tất cả đã tạo nên sự khác biệt cho cuộc sống của tôi bây giờ. Tôi vui mừng nói rằng tôi đã vượt qua những gì đã xảy ra và có thể xây đắp những mối quan hệ yêu thương và có ý nghĩa.
Rất may, tôi đã ổn định từ năm 2017 và kể từ đó không có đợt bệnh nào nữa. Thói quen và cách chăm sóc sức khỏe thể chất - ngủ đủ + tập thể dục - thực sự có ích. Tôi đã lập nghiệp trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu tại một công ty lớn ở London và chọn sống trên một con thuyền hẹp, hòa mình vào thiên nhiên giúp tôi xoa dịu tinh thần, ngắm vịt và nghe tiếng chim hót mang lại cho tôi sự bình yên và thanh thản.
Tôi đã nỗ lực rất nhiều để hiểu và bây giờ không phải chịu đựng về nỗi xấu hổ nữa. Không ai nói về các giai đoạn hưng cảm, mặc dù chúng rất phổ biến, nhưng bằng cách chia sẻ những khoảng thời gian đen tối của chính mình, tôi hy vọng những người khác có thể nói chuyện với bác sĩ và nhận được sự giúp đỡ họ cần. Điều quan trọng nữa là nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe hơn phải nhận thức được hành vi tình dục quá mức và mối liên hệ của nó với chứng lưỡng cực để có thể coi đó như một triệu chứng một cách nghiêm túc.
Nếu một ngày nào đó trong tương lai tôi quyết định muốn có con, điều đó liên quan đến việc ngừng dùng thuốc nên sẽ cần phải cân nhắc rất nhiều. Tôi biết luôn có khả năng tôi có thể tái phát và phải chấp nhận rằng đây là một phần của tôi và nó đã định hình cuộc sống cũng như con người tôi. Nó định nghĩa tôi, nhưng tôi sẽ không để nó chiếm hữu mình.
Mối liên hệ giữa hành vi lưỡng cực và cuồng dâm Theo một nghiên cứu mới mang tính bước ngoặt được công bố trên Tạp chí Tâm thần học Lancet, hàng trăm nghìn người mắc chứng rối loạn lưỡng cực ở Anh có thể đang trải qua những giai đoạn “hành vi tình dục quá mức”. Nghiên cứu do Bipole UK (Tổ chức về Rối loạn lưỡng cực tại Anh) thực hiện, đánh dấu lần đầu tiên hành vi cuồng dâm và rối loạn lưỡng cực có mối liên hệ với nhau. Hơn 1.500 người mắc chứng lưỡng cực đã được khảo sát, với 88% cho biết họ đã trải qua hành vi tình dục quá mức. Kết quả là cứ năm người thì có một người bị cưỡng hiếp hoặc có ý định tự tử. Thường bị hiểu lầm, trung bình phải mất 9,5 năm để được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực, căn bệnh ảnh hưởng đến hơn một triệu người ở Anh. Có khả năng hàng trăm nghìn người trong số này trải qua các hành vi tình dục quá mức, được định nghĩa là “quan tâm hoặc tham gia vào hoạt động tình dục một cách bất thường hoặc quá mức”, dẫn đến việc gặp rủi ro đe dọa tính mạng. Tiến sĩ Clare Dolman là trưởng nhóm nghiên cứu và đồng chủ tịch Bipole UK, bản thân bà cũng mắc rối loạn này. Bà chia sẻ: Đại đa số những người mắc chứng lưỡng cực đều trải qua hành vi tình dục quá mức, với 69% những người nói rằng họ đã cố gắng quyến rũ ai đó; và 54% cho biết họ đã tự đặt mình vào những tình huống nguy hiểm tiềm ẩn. Hậu quả của việc này có thể rất tàn khốc. Hơn một nửa (54%) mất mối quan hệ; với 1/4 nói rằng họ đã mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục và 19% cho biết có thai ngoài ý muốn. Thật đau lòng, 22% số người được hỏi cho biết họ đã bị cưỡng hiếp trong thời kỳ hưng phấn tình dục (28% phụ nữ, 9% nam giới) và hơn ⅓ nói rằng họ đã bị tấn công tình dục (42% phụ nữ, 9% nam giới). Tác động tiêu cực của rối loạn này là rất lớn, với 40% cảm thấy xấu hổ và 61% có ý định tự tử. Một trong năm người được hỏi cho biết họ đã cố gắng tự tử vì một thời gian có hành vi tình dục quá mức hoặc gặp hậu quả từ việc này. |