Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, tuy nhiên ở mỗi độ tuổi, thời điểm phát hiện lại có dấu hiệu và cách điều trị khác nhau.
Không hiếm trường hợp trẻ nhỏ bị đột quỵ
Đột quỵ ở trẻ nhỏ rất hiếm khi xảy ra nhưng không phải là không có, điển hình như năm 2023, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bệnh nhi 8 tuổi ở Cẩm Khê, Phú Thọ vào nhập viện trong tình trạng co giật. Theo mẹ cháu bé kể lại, cháu khỏe mạnh, đi học và sinh hoạt bình thường, nhưng sau khi tắm vào buổi chiều tối xong, cháu có biểu hiện không thể tự mặc quần áo và xuất hiện co giật. Ngay lập tức cháu được sơ cứu ban đầu tại Trung tâm Y tế huyện trước khi chuyển thẳng xuống Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây qua thăm khám, chụp chiếu các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị: Nhồi máu não nhân bèo trái không rõ nguyên nhân - Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên phải.
Trước đó, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), các bác sĩ cũng đã tiếp nhận một bé trai 3 tuổi (ngụ Vĩnh Long) đang chơi với bạn thì đột ngột bị té xuống sàn, lên cơn co giật và bất tỉnh. Trẻ nhập viện được các bác sĩ (BS) khoa cấp cứu đã làm xét nghiệp và chụp CT scan sọ não, ghi nhận bệnh nhi có dấu hiệu xuất huyết dưới nhện rất nhiều.
Sau khi được hồi sức ổn định, bé được chụp DSA mạch máu não để tìm nguyên nhân gây đột quỵ. Và không khác những dự đoán ban đầu của các bác sĩ, kết quả nguyên nhân xuất huyết não chính là bé có túi phình mạch máu não. Vốn dĩ, túi phình mạch máu não là bệnh thường gặp và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở người già, lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, các bệnh lý túi phình mạch máu não ngày càng xuất hiện ở tuổi trẻ hơn và có bé 3 tuổi mắc bệnh túi phình mạch máu não được ghi nhận.
Việt Nam đã ghi nhận nhiều trẻ nhỏ bị đột quỵ, trong đó có trẻ mới 3 tuổi. Ảnh: Sở Y tế Phú Thọ
Nguyên nhân đột quỵ ở trẻ nhỏ là gì?
Bác sĩ Huỳnh Hữu Danh, khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, trẻ 3 tuổi đột quỵ không phải là nhỏ tuổi nhất, thực tế đột quỵ có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh, và hiện cũng gặp những trường hợp đột quỵ ở trẻ sơ sinh nhiều.
Theo bác sĩ Danh, nguyên nhân đột quỵ thì đột quỵ có 2 dạng phổ biến, là đột quỵ xuất huyết và đột quỵ nhồi máu. Trong đó, ở trẻ đột quỵ xuất huyết thường gặp hơn là đột quỵ nhồi máu. Nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết ở trẻ em thường gặp là do vỡ dị dạng mạch máu não hoặc do vỡ túi phình mạch máu não, ngoài ra còn có thể do các bệnh lý rối loạn đông máu.
Dấu hiệu đột quỵ ở trẻ nhỏ ra sao?
Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, đột quỵ ở trẻ em được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là từ 28 tuần thai kỳ cho đến 28 ngày sau sinh (hay còn gọi là đột quỵ chu sinh); Giai đoạn hai là từ 28 ngày sau sinh đến 18 tuổi (gọi còn gọi là đột quỵ trẻ em).
Đột quỵ chu sinh có các yếu tố nguy cơ từ con và từ người mẹ. Các yếu tố nguy cơ từ con bao gồm bệnh tim bẩm sinh, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, chấn thương khi sinh, ngạt khi sinh. Với những phụ nữ như bị nhiễm trùng ối, thiếu ối, vỡ ối sớm... cũng có nguy cơ khiến thai hoặc trẻ sau sinh bị đột quỵ. Tuy nhiên, đây là giai đoạn rất khó nhận biết về dấu hiệu đột quỵ khi thai ở trong bụng và ở trẻ mới chào đời.
Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đến dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa.
Ở giai đoạn từ 28 ngày đến 18 tuổi, trẻ đột quỵ thường có một số triệu chứng như:
- Khó khăn trong việc nói, đọc, hiểu, viết hoặc tập trung.
- Lơ mơ, mờ hoặc mất hẳn thị lực, đặc biệt là một bên mắt.
- Khó nuốt, bao gồm chảy nước dãi.
- Đau đầu dữ dội hoặc đừ người, nôn ói nhiều lần.
- Lơ mơ, mờ hoặc mất hẳn thị lực, đặc biệt là một bên mắt.
- Co giật, mất ý thức trong thời gian ngắn.
- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc cơ thể không vận động theo ý muốn.
- Tê liệt, yếu, mất phối hợp ở các chi, đặc biệt là ở một bên.
Ở giai đoạn này dù trẻ đã lớn nhưng thường hay bị nhầm lẫn sang các bệnh khác như, viêm màng não, vì đôi khi trẻ có sốt kèm theo; hay có trường hợp trẻ nhầm lẫn với bệnh động kinh, bởi trẻ có biểu hiện co giật, thậm chí có thể nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa, do trẻ có nôn trớ.
Hoặc với trẻ còn quá nhỏ, chưa biết đi, chưa biết kêu đau thường chỉ được phát hiện khi bệnh tình đã nặng. Trên thực tế ghi nhận, đã có trẻ bị đột quỵ không có biểu hiện rõ ràng mà chỉ đau đầu, nôn trớ, lơ mơ, lừ đừ. Do khó nhận biết nên nhiều trẻ thường được phát hiện muộn, không được chữa trị kịp thời.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu đột quỵ cần phải làm gì?
Bác sĩ Huỳnh Hữu Danh cho biết, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu đột quỵ (như đã nói trên) hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, chụp chiếu và điều trị, không trì hoãn, tự chăm sóc hay tự điều trị.
Do đột quỵ ở trẻ đa phần nguyên nhân là do bẩm sinh, các dị dạng động tĩnh mạch não hay túi phình mạch máu não đều không có biểu hiện rõ ràng khi chưa vỡ. Chính vì vậy, rất khó phòng ngừa bệnh lý đột quỵ ở trẻ em, hiện tại trên y văn cũng không ghi nhận cách phòng ngừa đột quỵ cho trẻ từ trong bụng mẹ.