Trứng gà là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, có nhiều loại thực phẩm không nên ăn cùng với trứng gà, nếu không có thể gây ra phản ứng ngược.
Trứng gà được coi là một "siêu thực phẩm" vì có chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi, bên cạnh đó lại rất ngon và rẻ. Trứng gà có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau, trở thành món ăn quen thuộc với mỗi gia đình.
Thành phần dinh dưỡng trong 100 g trứng gà bao gồm:
- 155 calo;
- Lipid 11g;
- Chất béo bão hoà 3,3g;
- Chất béo không bão hòa đa 1,4g;
- Chất béo không bão hòa đơn 4,1g;
- Cholesterol 373mg;
- Natri 124mg;
- Kali 126mg;
- Cacbohydrat 1,1g;
- Chất xơ 0g;
- Đường thực phẩm 1,1g;
- Protein 13g;
- Canxi 50mg.
Ngoài ra trong trứng gà chứa vitamin A, D, E, B6, thành phần dinh dưỡng trong trứng tập trung nhiều nhất ở lòng trắng trứng.
Tác dụng của trứng gà
1. Cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu
Trứng gà là nguồn cung cấp protein tuyệt vời, ngoài ra trong trứng còn chứa nhiều axit amin thiết yếu mà con người cần.
2. Tăng cholesterol HDL
Cholesterol HDL là viết tắt của lipoprotein mật độ cao, hay còn được gọi là cholesterol “tốt”. Ăn trứng là một cách tuyệt vời để tăng HDL. Trong một nghiên cứu, ăn hai quả trứng mỗi ngày trong sáu tuần đã tăng mức HDL lên 10%. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe liên quan đến tim mạch và hệ miễn dịch.
3. Xây dựng màng tế bào khỏe mạnh
Trứng là nguồn choline tuyệt vời. Đây là chất cực kỳ quan trọng và thường được nhóm với các vitamin B, được sử dụng để xây dựng màng tế bào và có vai trò tạo ra các phân tử tín hiệu trong não, cùng với các chức năng khác.
4. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người ăn trứng mỗi ngày có thể giảm 26% nguy cơ bị đột quỵ xuất huyết. Ngoài ra, những người ăn trứng giảm được 28% nguy cơ tử vong vì loại đột quỵ này. Nhóm ăn trứng cũng giảm 12% nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ.
5. Tốt cho mắt
Lutein và zeaxanthin có trong trứng là những chất chống oxy hóa có lợi ích lớn cho sức khỏe của mắt. Các nghiên cứu cho thấy tiêu thụ đủ lượng chất dinh dưỡng này có thể làm giảm đáng kể nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng, hai chứng rối loạn mắt rất phổ biến. Bên cạnh đó, trứng cũng chứa nhiều vitamin A rất tốt cho sức khỏe của mắt.
6. Tốt cho xương và cơ bắp
Trứng gà là nguồn cung cấp protein chất lượng cao cùng với các axit amin thiết yếu. Protein là dưỡng chất tạo ra tất cả các loại mô và phân tử phục vụ cả mục đích cấu trúc và chức năng. Trứng cũng chứa tất cả các axit amin thiết yếu theo tỷ lệ phù hợp, vì vậy cơ thể bạn được trang bị tốt để sử dụng đầy đủ protein trong chúng. Cung cấp đầy đủ chất đạm cho cơ thể sẽ giúp giảm cân, tăng khối lượng cơ bắp, hạ huyết áp và tối ưu hóa sức khỏe cho xương.
7. Hỗ trợ giảm cân
Kết hợp chế độ ăn ít calo và ăn trứng gà vào bữa sáng thì sẽ giúp quá trình giảm cân tăng hiệu quả lên gấp đôi. Hơn nữa, một bữa ăn sáng với trứng sẽ giúp bạn no lâu hơn, có đủ năng lượng cho một ngày làm việc và giảm lượng thức ăn tiêu thụ trong một ngày.
8. Tăng cường axit béo omega-3
Với trứng của con gà được nuôi trên đồng cỏ hoặc cho ăn nhiều thức ăn chứa omega-3 thì trong trứng sẽ chứa nhiều axit béo omega-3. Đây là chất giúp giảm triglyceride máu, tác nhân gây các bệnh tim mạch.
9. Tăng cường sức đề kháng
Tác dụng của trứng gà ngâm mật ong là rất tốt cho người có sức khỏe kém, suy nhược cơ thể, dễ mệt mỏi...
Trứng gà không nên ăn với gì?
Trứng gà đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cũng có những loại thực phẩm không nên ăn chung với trứng gà, kẻo gây ra những phản ứng ngược:
1. Thịt xông khói
Nhiều người thích kết hợp trứng với thịt xông khói trong bữa ăn vì hợp khẩu vị. Tuy nhiên, cả 2 loại thực phẩm này đều có hàm lượng protein và chất béo cao. Khi ăn trứng gà và thịt xông khói cùng lúc có thể dẫn đến mệt mỏi, uể oải, giảm sinh lực.
2. Đường
Nếu bạn nấu trứng với đường, axit amin giải phóng từ cả hai thực phẩm này có thể trở thành chất độc đối với cơ thể con người và có thể tạo ra cục máu đông.
3. Sữa đậu nành
Ăn trứng với sữa đậu nành có thể cản trở quá trình hấp thụ protein trong cơ thể.
4. Trà
Ăn trứng và uống trà trong bữa sáng là thói quen của rất nhiều người. Tuy nhiên, sự kết hợp này có thể gây ra táo bón và nhiều tác động tiêu cực khác cho sức khỏe.
5. Thịt thỏ
Trứng có thể kết hợp với hầu hết các loại thịt nhưng ngoại trừ thịt thỏ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ăn trứng cùng với thịt thỏ có thể gây ra tiêu chảy, đau bụng.
6. Quả hồng
Không nên ăn trứng cùng với quả hồng vì việc kết hợp 2 thực phẩm này có thể gây đau bụng, ngộ độc, đồng thời tăng khả năng bị đau dạ dày.
7. Óc heo
Óc heo chiên trứng là món ăn nhiều người ưa thích nhưng trên thực tế, món ăn này có thể gây hại cho cơ thể, bởi nó làm tăng lượng cholesterol trong máu, khiến người ăn dễ bị mắc phải chứng cao huyết áp đột ngột gây nên tử vong.
8. Tỏi
Tỏi là gia vị thường được dùng nhiều trong các món ăn. Tuy nhiên, khi nó bị cháy xém sẽ tạo thành chất độc hại với sức khỏe nên bạn tránh sử dụng chung với trứng.
9. Thuốc chống viêm
Những chứng viêm của cơ thể có sự liên quan đến lượng protein. Bởi lẽ đó, khi bắt đầu tình trạng viêm, bạn không nên ăn trứng sau khi uống thuốc. Bên cạnh đó, những người có bệnh tiêu hóa, tiêu chảy cũng nên hạn chế ăn trứng vì lượng protein dồi dào trong trứng có thể làm gia tăng gánh nặng đến dạ dày, khả năng tiêu hóa và hấp thụ bị ảnh hưởng.
10. Một số thực phẩm khác
Ngoài các thực phẩm kể trên, bạn cũng không nên ăn trứng cùng với quả dưa, phô mai, sữa, các loại đỗ...
Những người không nên ăn trứng
- Người bị tiểu đường: Trứng gà chứa nhiều protein, vitamin, nhiều chất béo omega-3 và các dưỡng chất khác có lợi sức khỏe, nhưng đồng thời cũng tồn tại nhiều chất béo bão hòa cùng cholesterol. Đây là 2 chất gây nên bệnh tiểu đường tuýp 2. Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường cần hạn chế ăn trứng.
- Người bị sốt: Người đang bị sốt, đặc biệt là trẻ em khi ăn trứng gà có thể làm tăng nhiệt lượng cơ thể, không thể phát tán ra ngoài được khiến bệnh nặng thêm. Lúc này, bạn cần tránh ăn trứng gà mà thay vào đó nên uống nhiều nước loãng, ăn nhiều rau quả tươi.
- Người bị bệnh thận: Chức năng trao đổi chất trong cơ thể giảm mạnh khi bị viêm thận, lượng nước tiểu giảm làm thận không thể loại bỏ được hết những độc tố ra khỏi cơ thể. Trứng có thể làm tăng nhanh làm lượng urê trong cơ thể, khiến tình trạng viêm thận thêm trầm trọng, có thể gây nên nhiễm độc đường tiết niệu.
- Người bị bệnh gan: Trứng gà có đủ gluxit, lipit, protit, vitamin và khoáng chất, hormon cùng các men. Trứng rất bổ nhưng lại khó tiêu nên khiến gan phải hoạt động nhiều hơn. Vì vậy, bệnh nhân mắc bệnh gan không nên ăn trứng để tránh khiến bệnh thêm nặng, dẫn đến xơ gan, viêm gan, ung thư gan…
Nguồn tham khảo: 7 Things You Should Avoid Eating With Eggs - Đăng tải trên tờ báo Times of India - Xuất bản ngày 31/5/2020. |