Được nhiều người ca ngợi là "thần dược" cho nam giới, nấm ngọc cẩu còn đem lại nhiều công dụng khác cho sức khỏe.
Nấm ngọc cẩu là gì?
Nấm ngọc cẩu có tên khoa học là Cynomorium songaricum. Đây thực chất là vị thuốc tên tỏa dương trong Đông y, ngoài ra còn có những tên khác như củ pín, xà cô, địa mao cầu, củ gió đất.
Nấm ngọc cẩu là cây sống lâu năm. Cây tồn tại và phát triển bằng cách sống ký sinh trên các cây gỗ lớn, có tán lá rộng trong rừng. Về bản chất, loại cây này vốn không thuộc họ nhà nấm nhưng khi chồi lên khỏi mặt đất, phần ngọn có hình dáng tương tự như thân cây nấm nên được dân gian gọi với cái tên là nấm ngọc cẩu.
Toàn thân nấm ngọc cẩu đều có thể dùng làm vị thuốc. Nấm ngọc cẩu thường có vào thời điểm tháng 9-12 hàng năm. Sau khi đào về, nấm sẽ được đem rửa qua nhiều lần nước cho sạch, để ráo nước. Dùng tươi hoặc sấy khô cả củ hay cắt thành nhiều lát mỏng theo chiều dọc phơi trong bóng râm cho hơi se mặt lại là được. Nấm ngọc cẩu khô sẽ bảo quản được lâu hơn so với nấm tươi.
Phân loại nấm ngọc cẩu:
- Nấm ngọc cẩu đực: Thân hình chóp, chiều dài dao động từ 10-15 cm nhưng cũng có khi dài hơn. Quan sát bên ngoài thấy màu đỏ nâu thẫm được tạo thành bởi vô số những cán hoa nhỏ li ti , có mo màu tím bao bọc bên ngoài, không mở bung ra. Loại nấm này sẽ có hương thơm dịu và mùi thơm nhiều hơn so với giống cái.
- Nấm ngọc cẩu cái: Thân cây bé hơn, bông to, dài tương tự như bắp nhô non. Hương thơm có nhưng ít. Củ non và chứa ít chất xơ.
- Nấm ruột vàng: Phần ruột bên trong có màu vàng và thơm.
- Nấm ruột đỏ, tím: Ruột màu đỏ, một số loại hơi ngả sang sắc tím. Chiều dài và đường kính nhỏ hơn so với nấm ruột vàng.
Tác dụng của nấm ngọc cẩu
Theo Đông y, nấm ngọc cẩu là vị thuốc có vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận trợ dương, nhuận tràng thông tiện, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như liệt dương, di tinh, lưng đau gối mỏi, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, viêm dạ dày, viêm thận, xuất huyết do giảm tiểu cầu nguyên phát (tử điến), táo bón người già... dưới hình thức độc vị hoặc phối hợp với tang phiêu tiêu, thục địa, ma nhân và các vị thuốc khác.
Những tác dụng của nấm ngọc cẩu với sức khỏe bao gồm:
- Điều trị bệnh yếu sinh lý, liệt dương
- Điều trị rối loạn cương dương
- Bồi bổ, tăng cường sức khỏe
- Tác dụng kéo dài tuổi thọ
- Phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh nở
- Nhuận tràng, tốt cho hệ tiêu hóa
- Cải thiện trí nhớ, đặc biệt là ở người cao tuổi
- Giảm đau nhức xương khớp
- Ngoài ra, nấm ngọc cẩu còn được dùng trong làm đẹp, dưỡng da, trị nám, tàn nhang và ngăn ngừa thiếu máu.
Cách dùng nấm ngọc cẩu
1. Sắc nước uống
Sắc 30 gam nấm ngọc cẩu với 1 lít nước, sắc còn 600 ml nước uống trong ngày, có thể thêm mật ong cho dễ uống.
2. Ngâm rượu uống
- Thành phần, tỷ lệ: 1kg nấm tươi, 200ml mật ong rừng ngâm với 4 lít rượu trắng loại ngon, nếu ngâm với rượu nếp càng tốt.
- Cách ngâm: Nấm rửa sạch đất cát đem phơi dáo nước, sau đó tráng nấm 1 lượt bằng rượu trắng. Cắt đôi dọc cây nấm, đối với phần củ nấm nên thái mỏng để rượu ngấm đều hơn và tiến hành ngâm với rượu theo tỷ lệ 1Kg nấm ngâm 4 lít rượu.
- Ngâm trong thời gian 1 tháng là dùng được.
- Chú ý: Nên chọn loại bình miệng lớn để ngâm, nên ngâm bằng bình thủy tinh hoặc bình sành sứ để có được loai rượu tốt nhất.
Ai không nên dùng nấm ngọc cẩu?
Nhiều người thắc mắc không biết nấm ngọc cẩu có độc không và dùng hàng ngày liệu cơ thể có gặp tác dụng phụ gì hay không. Hiện nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy trong nấm ngọc cẩu có độc tố hay bất kì hoạt chất nào gây hại cho sức khỏe. Mặc dù vậy không phải đối tượng nào cũng dùng được nấm ngọc cẩu. Một số bệnh lý có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi dùng loại nấm này.
Bạn không nên dùng nấm ngọc cẩu nếu đang gặp các vấn đề sau:
- Cao huyết áp
- Mắc các bệnh lý ở đường tiêu hóa
- Đang điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị
- Có tiền sử bị dị ứng với nấm ngọc cẩu hay bất cứ dược liệu nào phối hợp trong bài thuốc
- Suy giảm chức năng gan thận.
Bên cạnh đó, các hoạt chất trong nấm ngọc cẩu có thể tương tác với một số loại thuốc tân dược, thảo dược, thực phẩm hay sản phẩm chức năng. Tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến thầy thuốc, bác sĩ hay những người có kinh nghiệm chuyên môn trước khi dùng.