Nếu bạn có thói quen rửa trứng khi mới mua về hoặc dùng tay chạm vào trứng mà không rửa lại thì hãy cẩn thận, nguy cơ nhiễm vi khuẩn Salmonella sẽ tăng cao.
Mới đây, một cửa hàng bánh mì ở thành phố Đào Viên, Trung Quốc đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 500 người bị ngộ độc.
Các quan chức cho biết nguyên nhân vụ việc là do trứng không được làm sạch đúng cách. Được biết, khi cửa hàng đang chế biến suất ăn, nhân viên đã chạm tay vào trứng nhưng không rửa sạch, sau đó lại chạm vào các nguyên liệu thực phẩm khác khiến thức ăn bị nhiễm khuẩn.
Trường hợp này khiến nhiều người không khỏi hoang mang bởi không ít người có thói quen dùng tay động chạm vào trứng nhưng rất ít khi rửa tay lại bằng xà phòng mà cũng chỉ rửa qua nước hoặc thậm chí không rửa. Liệu điều này có gây nguy hiểm?
Không nên rửa trứng trước khi mua về nhà, nhớ lau sạch trứng trước khi bảo quản trong tủ lạnh
Có thể nhiều người từng nghe nói khi mua trứng về nhà, bạn không được rửa trứng trước, nếu không trứng sẽ bị hỏng. Nhưng nếu không rửa sạch sẽ, mà chạm tay vào, sơ ý một chút cũng khiến cả nhà bị ngộ độc, lây bệnh như trường hợp trên thì phải làm sao?
Trứng mới mua về không nên rửa, chỉ nên dùng khăn ẩm lau qua nếu dính nhiều bụi bẩn, vỏ trấu hay phân. (Ảnh minh họa)
Tan Dunci, một y tá tại Khoa Chất độc Lâm sàng của Bệnh viện Chang Gung ở Linkou, Đài Loan giải thích rằng những quả trứng đã rửa sạch mà bạn mua về có thể được bảo quản trực tiếp trong tủ lạnh mà không cần rửa. Nhưng những quả trứng thông thường khác chưa được làm sạch không nên lập tức bảo quản trong tủ lạnh.
Y tá Tan Dunci gợi ý rằng bạn có thể lấy một miếng vải ẩm trước, vắt thật khô, sau đó lau sạch lông, phân và các chất bẩn khác trên bề mặt trứng. Tiếp đến mới đặt trứng vào tủ lạnh.
Còn về việc có nên rửa trứng khi mới mua về nhà không, y tá Tan Dunci giải thích rằng nếu muốn rửa trứng tốt nhất nên rửa ngay trước khi nấu. Vì trông vỏ trứng kín là vậy nhưng vẫn có rất nhiều lỗ nhỏ, nếu bạn rửa bằng nước ngay khi mua về mà lại không nấu luôn, nước ngấm vào trong lâu ngày sẽ khiến trứng bị hư hỏng.
Cách xử lý trứng để không bị nhiễm khuẩn Salmonella
Vi khuẩn có thể ở bên trong một quả trứng nguyên vẹn dù không bị nứt vỏ. Nguyên nhân khiến trứng bị nhiễm khuẩn là do có vi khuẩn trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng của gà mái trước khi lớp vỏ hình thành xung quanh lòng đỏ và lòng trắng.
Vi khuẩn Salmonella có thể nhiễm vào trứng gà mà không gây ra bất cứ biểu hiện gì bất thường. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Mỹ ước tính rằng cứ 20.000 quả trứng thì có 1 quả bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Người bị nhiễm vi khuẩn Salmonella có thể bị tiêu chảy, sốt, đau quặn bụng, nhức đầu, buồn nôn và nôn. Salmonella có thể gây nhiễm trùng đường ruột nghiêm trọng (hoặc thậm chí gây tử vong). Trẻ nhỏ, người già và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ mắc bệnh từ thực phẩm đặc biệt cao.
Trứng không nên để ở cánh cửa tủ lạnh. (Ảnh minh họa)
Để ngăn ngừa việc nhiễm khuẩn Salmonella từ trứng, mọi người nên thực hiện theo những cách sau:
- Kiểm tra xuất xứ: Khi mua trứng có thể kiểm tra nơi xuất xứ trước và nên mua trứng có xuất xứ khác nhau để hạn chế rủi ro.
- Ưu tiên mua trứng đã rửa sạch: Trứng rửa sạch đóng gói hoàn chỉnh sẽ trải qua quá trình làm sạch bề mặt nên sẽ an toàn hơn và tránh được trấu, phân gà bám trên bề mặt.
- Chọn trứng sạch và không bị nứt vỏ.
- Không rửa trứng khi mới mua về vì có thể loại bỏ lớp dầu khoáng bảo vệ và tăng khả năng vi khuẩn trên vỏ xâm nhập vào trứng.
- Trứng nên được bảo quản trong tủ lạnh ở mức 4 độ C trở xuống. Giữ trứng trong hộp và đặt bên trong tủ lạnh, không phải ở cửa tủ vì đây là khu vực ít lạnh nhất trong tủ lạnh..
- Sử dụng trứng trong vòng 4 đến 5 tuần kể từ ngày cho vào tủ lạnh.
- Đừng để trứng ra khỏi tủ lạnh. Nếu trứng để ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 giờ, hãy vứt chúng đi.