Từ bỏng nắng tới sốc nhiệt: Điều gì xảy ra với cơ thể giữa đợt nóng cực điểm? Cách phòng ngừa hữu hiệu

Ngày 21/06/2022 18:50 PM (GMT+7)

Các chuyên gia nói rằng chỉ khoảng 10 phút ngoài trời có thể khiến bạn cháy nắng và 15 phút là sốc nhiệt giữa đợt nóng gay gắt này. Thời tiết nắng nóng thực sự nguy hiểm hơn bạn tưởng. 

Những ngày nắng nóng gay gắt ập đến không chỉ mang tới cảm giác ngột ngạt khó chịu mà còn có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe. Dưới đây, các chuyên gia y tế tiết lộ nắng nóng bất thường có thể nguy hiểm thế nào và tác động của nó nhanh chóng ra sao tới sức khỏe và tính mạng của chúng ta: 

Dưới 10 phút: Cháy nắng

Đôi khi, phải phơi nắng cả ngày da bạn mới ửng đỏ, nhưng trong những ngày nắng gắt, bạn có thể cháy nắng chỉ trong vòng 10 phút, ngay cả khi bạn không nhận ra. 

Tiến sĩ Kathryn Basford, thuộc nhóm bác sĩ tư vấn trực tuyến ZAVA tại Anh, chia sẻ với The Sun: “Bạn có thể dễ dàng bị cháy nắng chỉ trong 10 phút nếu ra ngoài trời mà không bảo vệ cơ thể khỏi tia UV đúng cách. Tình trạng có thể hiện diện trong một ngày và mất khoảng 24-72h tiến triển. Cháy nắng không chỉ gây đau và đôi khi bỏng rộp da và còn tác động tới khả năng tự điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể”. 

Bôi kem chống nắng, tránh ra ngoài trời giờ cao điểm là cách chống bỏng nắng. (Ảnh minh họa)

Bôi kem chống nắng, tránh ra ngoài trời giờ cao điểm là cách chống bỏng nắng. (Ảnh minh họa)

Giáo sư Mike Tipton, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng sinh lý con người, Đại học Portsmouth (Anh), nói: “Cháy nắng làm giảm tiết mồ hôi, đây là một vấn đề gián tiếp làm suy giảm khả năng điều tiết nhiệt của bạn”. 

Làn da bạn phản ứng nhanh cỡ nào còn tùy thuộc vào việc bạn có bôi kem chống nắng hay mặc trang phục che phủ kín không, cũng như da bạn thuộc loại nào và độ mạnh của tia UV ở nơi bạn sống ra sao. 

Với mỗi lần cháy nắng, bạn lại tăng khả năng mắc ung thư da cũng như lão hóa da nhanh hơn. 

15 phút: Kiệt sức do nắng nóng

Kiệt sức do nóng là tình trạng thường đến trước sốc nhiệt. 

Các triệu chứng bao gồm: buồn nôn, chóng mặt, yếu cơ, toát mồ hôi, da lạnh và nhớp, cảm giác bứt rứt và lẫn lộn.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, một dấu hiệu quan trọng là nhiệt độ cơ thể tăng lên hơn 41 độ C - điều này có thể xảy ra trong vòng 10-15 phút ở thời tiết nóng. 

Giáo sư Tipton cảnh báo kiệt sức do nhiệt là một nguy cơ đặc biệt đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. 

Luôn cần cung cấp đủ nước cho cơ thể những ngày nắng nóng. (Ảnh minh họa)

Luôn cần cung cấp đủ nước cho cơ thể những ngày nắng nóng. (Ảnh minh họa)

“Nếu cho một người vào bồn tắm ấm, nhiệt độ trung tâm của họ có thể tăng lên 1,5 độ C trong vòng 15-20 phút. Vì vậy chúng ta có thể nóng lên rất nhanh. Nếu trẻ nhỏ ở trong môi trường nóng, đặc biệt là tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, trẻ có thể gặp vấn đề liên quan tới nắng nóng trong vòng 15-20 phút”, chuyên gia giải thích. 

Với người lớn, giáo sư Tipton nói, mối nguy tăng nhiệt trung tâm cơ thể tùy thuộc vào một số yếu tố. Nhưng trong môi trường nóng và ẩm nơi mọi người hay tập thể dục, bạn sẽ thấy nhiệt độ cơ thể dễ đạt tới mức nguy hiểm trong vòng 20 phút. 

Bác sĩ Basford nói: “Tùy thuộc vào độ nóng và khoảng thời gian bạn phơi nắng, kiệt sức do nhiệt có thể hình thành trong vòng vài phút hay từ từ tiến triển trong vài tiếng. Điều quan trọng là làm mát ngay khi bạn thấy có bất cứ triệu chứng nào khi kiệt sức do nhiệt có thể biến thành sốc nhiệt nếu cơ thể bạn bị quá nóng và bắt đầu mất nước hay muối”. 

Từ vài phút tới vài tiếng: Sốc nhiệt

Theo Cơ quan Y tế Anh, sốc nhiệt không phải lúc nào cũng nghiêm trọng nếu bạn có thể làm mát trong vòng 30 phút bằng cách đi tới nơi mát mẻ, nằm xuống và đưa chân lên cao, uống nước và làm mát da. 

Nhưng nếu một người không cảm thấy khỏe hơn sau 30 phút đã thực hiện những cách trên, nên gọi cấp cứu hay tư vấn bác sĩ ngay.

Đây là một dấu hiệu họ bị sốc nhiệt: Cơ thể không thể kiểm soát được nhiệt độ của mình. Các triệu chứng bao gồm: Da khô và nóng, khó đi lại, cân bằng kém, mơ hồ và mất phương hướng, thậm chí trường hợp nặng có thể bất tỉnh. 

Người già dễ có nguy cơ bị sốc nhiệt nếu không được bảo vệ đúng cách. (Ảnh minh họa)

Người già dễ có nguy cơ bị sốc nhiệt nếu không được bảo vệ đúng cách. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Basford cho biết: “Giống như kiệt sức do nóng, sốc nhiệt có thể tiến triển trong vài phút hay dần dần qua một quá trình vài tiếng hay vài ngày. Mặc dù ít phổ biến hơn, sốc nhiệt có thể rất nghiêm trọng nếu không được xử trí nhanh chóng”. 

30 phút: Mất nước

Điều quan trọng là đảm bảo bạn nạp đủ chất lỏng suốt cả ngày, huống chi là khi nắng nóng đỉnh điểm. 

Mất nước có thể đe dọa mạng sống, đặc biệt ở người già, trẻ nhỏ. 

Theo bác sĩ Basford, khi bạn ra ngoài trời nắng, mất khoảng 30 phút tới vài tiếng là có thể cảm thấy thiếu nước. Khi tiếp xúc với nắng nóng mà không cấp nước cho cơ thể đúng cách, lượng nước có thể giảm thấp và bạn sẽ trải qua cảm giác mệt mỏi, khát, thoáng đau đầu và đôi khi chóng mặt. 

Uống nước thường xuyên có thể giúp bạn duy trì đủ nước cũng như thay thế những thức uống có thể làm cho bạn mất nước thêm, như cà phê hay rượu. Sự mất nước dễ làm trầm trọng thêm và góp phần vào bất cứ vấn đề sức khỏe nào liên quan tới nắng nóng như đã nói ở trên. 

Giáo sư Tipton nói rằng: “Bạn cần đổ mồ hôi để duy trì nhiệt độ cơ thể và quá trình này sẽ không thực hiện tốt nếu bạn bị mất nước”.

Tới 2 ngày: Tử vong

Giáo sư Tipton cho biết: “Qua đợt nắng nóng, có khoảng 1.500 đến 2.000 trường hợp tử vong nhiều hơn so với bình thường nhưng rất hiếm trong số này có nguyên nhân do ảnh hưởng trực tiếp bởi nhiệt. 

“Phần lớn mọi người tử vong trong vòng 2 ngày đầu của đợt nắng nóng gay gắt. Và đa số những trường hợp này hơn 65 tuổi và cái chết của họ thường do nhiều điều hơn là sự căng thẳng mà sức nóng gây ra cho hệ thống tim mạch”, chuyên gia nói. 

Khi nhiệt độ trung tâm cơ thể đạt tới mức nguy hiểm sẽ làm tăng thêm căng thẳng cho những gì có thể vốn đã gây hại cho hệ thống tim, mạch máu…

Theo giáo sư Tipton, một trong những yếu tố khác của đợt nóng liên quan tới tử vong là cục máu đông (hay còn gọi là huyết khối), khi tình trạng mất nước khiến máu trở nên đặc hơn. 

Điều này có thể xảy ra với những ai đã có sẵn bệnh nền hay thậm chí những người vốn khỏe mạnh nhưng mạch máu không còn lành mạnh như trước đây do tuổi tác.

Làm sao để bảo vệ bản thân trong thời tiết nắng nóng? 

“Để phòng tránh cháy nắng, nhớ dùng kem chống nắng, kính râm, mũ bất cứ khi nào ra ngoài”, bác sĩ Basford khuyên. Bà cho rằng, tránh nắng là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân, đặc biệt là trong khoảng thời gian nắng nóng gay gắt nhất là 10h sáng tới 2h chiều. “Nếu bạn có các dấu hiệu của kiệt sức do nóng, hãy nằm xuống nơi mát mẻ, uống nhiều nước và chườm lạnh hay xịt nước lạnh lên da”, bác sĩ Basford khuyên. 

Với cách này, bạn thường cảm thấy dễ chịu hơn trong vòng 30 phút, nếu không, tình trạng này có thể là sốc nhiệt và bạn cần gặp bác sĩ khẩn cấp. 

Theo giáo sư Tiptop, có một số điều rõ ràng chúng ta có thể làm để làm dịu cơn nóng, như ở trong bóng râm và ngừng tập thể dục. Nhưng điều cần đảm bảo là luôn cung cấp đủ nước cho cơ thể. “Bạn đặc biệt nên uống nhiều nước hơn nếu định tập luyện. Và cần đặc biệt chú ý cung cấp nước cho những người dễ trở bệnh nặng - như người già và trẻ em”, ông khuyên. 

Người phụ nữ ở Hà Nội hôn mê, nguy kịch sau khi đi chợ giữa trời nắng nóng
Sau khi đi chợ vào buổi gần trưa, lúc nhiệt độ ngoài trời rất cao, người phụ nữ ở Vạn Phúc, Hà Đông đã bị say nắng phải nhập viện trong tình trạng hôn...

Nắng nóng đỉnh điểm

Theo Yên Minh (Dịch từ The Sun)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe