Khi các em có suy nghĩ muốn tự sát nếu không được gia đình, thầy cô kịp thời phát hiện và điều chỉnh, có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng không thể lường trước.
Sự việc 2 nữ sinh lớp 8 ở thị trấn Chi Nê (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) nhảy cầu tự tử gần đây đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa. Nhiều người cho rằng, sự thiếu quan tâm của gia đình, xã hội là một trong những nguyên nhân khiến các em mất niềm tin vào cuộc sống, dẫn đến những hậu quả đau lòng.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, để tránh những sự việc đau lòng tương tự trẻ cần được hiểu rằng, tính mạng là thứ quý giá nhất, cần phải giữ gìn. Khi gặp bất kỳ một vấn đề gì cần, các em phải bình tĩnh để suy xét, tìm người để tâm sự, chia sẻ, chứ không nên tự thu mình lại.
Tại gia đình, trẻ có thể tâm sự với cha, mẹ, ông, bà, anh, chị… Tại trường học, có thầy cô và bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý học đường. Nếu không thể giãi bày với gia đình thì trẻ có thể tìm đến thầy cô, bạn bè để được giúp đỡ, tháo gỡ những khúc mắc, khó khăn cho bản thân.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình tìm kiếm 2 nữ sinh. Ảnh: Người dân cung cấp.
"Nếu không thể giãi bày, các em sẽ ngày càng co mình lại vì cảm thấy áp lực từ cuộc sống như trong học tập, bạn bè, gia đình… Dần dần các em sẽ ngày càng tuyệt vọng nhiều hơn và có những suy nghĩ tiêu cực. Chính vì vậy việc quan sát từ phía gia đình và nhà trường là rất cần thiết. Người thân, thầy cô, cần sớm phát hiện các em có những biểu hiện khác thường về mặt tâm lý biểu hiện bằng thái độ, hành động, để kịp thời tìm hiểu và có những điều chỉnh cho các em", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Ngoài việc quan tâm, sát sao đến các em, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, cha mẹ, thầy cô cũng cần phải nói cho các em hiểu rằng việc tự tử, tìm đến cái chết sẽ để lại hậu quả như thế nào; Cuộc sống còn rất nhiều điều tốt đẹp chờ đón các em, nên các em cần sống thật tốt để tận hưởng những điều tươi đẹp đó…
Đặc biệt, khi giáo dục, cha mẹ không được phép chửi mắng các em, cần giáo dục bằng lời nói và hành động nhẹ nhàng để trẻ hiểu và thay đổi. Khi thấy các em bướng bỉnh, thu mình cha mẹ lại càng cần phải nhẹ nhàng, khuyên răn, hướng dẫn cho các em những kỹ năng sống cần thiết. Tuyệt đối không cấm đoán, chửi mắng hay xấu hổ vì con, so sánh con với bạn bè, hay quá kỳ vọng vào con.
Nếu cha mẹ không thể thay đổi con, cần tìm đến những chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm để giúp đỡ. Không nên đối đầu hoặc bỏ mặc khiến các con trở nên bi quan, chán nản.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, nhiều cha mẹ cho rằng, việc chửi mắng trẻ là điều cần thiết, như vậy mới là giáo dục trẻ, sẽ khiến trẻ thay đổi. Tuy nhiên, hành động này không chỉ không có tác dụng, mà còn có thể khiến trẻ ngày càng trở nên bướng bỉnh và thu mình hơn.
"Việc giáo dục về kỹ năng sống cho trẻ là rất quan trọng. Bộ môn này cần được đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Nhà trường cần làm đến nơi đến chốn, tác động đến từng học sinh. Đồng thời phía nhà trường cũng cần quan sát, ngăn chặn kịp thời những sự việc "khủng bố" học đường, khiến các em bị bạo lực bằng lời nói hay hành động từ chính bạn bè của mình…", Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nói thêm.
Biểu hiện trẻ có vấn đề về tâm lý, muốn tự sát
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền - Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, tại Viện Sức khỏe tâm thần, bác sĩ gặp không ít những trường hợp bệnh nhân đến khám do có vấn đề về tâm lý ở độ tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em học sinh bị ảnh hưởng tâm lý như áp lực học hành, các mối quan hệ bạn bè ở trường, lớp, hay sang trấn tâm lý do biến cố của gia đình…
Những biểu hiện về việc bị ảnh hướng tâm lý của các em có thể dễ nhận biết như: chán ăn, ít nói, ít chia sẻ, khuôn mặt buồn rầu, ủ rũ, học hành sa sút, không muốn đi học, không muốn tiếp xúc hay nói chuyện với mọi người, không còn những sở thích vốn có…
Khi các em có suy nghĩ muốn tự sát mà không được gia đình, thầy cô kịp thời phát hiện và điều chỉnh thì có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng không thể lường trước. Ảnh minh họa.
Nguy hiểm hơn, các em có thể có những suy nghĩ, hành động muốn tự sát như: Thường hay nói đến cái chết, nói rằng sẽ đi một nơi nào đó rất xa, hay viết nhật ký, lên mạng tìm hiểu về những cách để tự sát …
Khi các em có những biểu hiện như trên mà không được gia đình, thầy cô kịp thời phát hiện và điều chỉnh thì có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng không thể lường trước.
"Để nhận biết được những biểu hiện bất thường về tâm lý của con em mình, các bậc phụ huynh, thầy cô … phải luôn gần gũi, chia sẻ, kịp thời nắm bắt những vấn đề của con trong cuộc sống hằng ngày. Nếu con đang gặp phải những khó khăn chưa thể giải quyết thì cần giúp con tháo gỡ nút thắt, giải tỏa những vấn đề về tâm lý", TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền nói.
Cũng theo TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền, thực tế có rất nhiều gia đình do cha mẹ quá bận rộn công việc hay những mối quan hệ xã hội mà đã "bỏ rơi" con em mình. Lúc này cha mẹ không hiểu con đang cần gì, suy nghĩ gì, điều gì đang xảy ra với con nên không thể chia sẻ, đồng hành hay làm bạn với con.
Việc không quan tâm đến con có thể khiến đứa trẻ rơi vào trạng thái cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình, không thể giãi bày, nhất là khi có một vấn đề xấu xảy ra. Việc không được chia sẻ, giúp đỡ có thể sẽ khiến đứa trẻ ngày càng rơi vào trạng thái xấu, có những suy nghĩ tiêu cực.
"Việc làm bạn, đồng hành cùng con là điều vô cùng cần thiết. Cha mẹ cũng cần chú ý, không được vội vã kết luận bất cứ một vấn đề gì khi chưa thực sự thấu hiểu. Cần phải lắng nghe những chia sẻ của con, đưa ra những lời khuyên có ích. Không nên áp đặt con vì bất cứ lý do gì. Đặc biệt không nên sử dụng những từ ngữ có tính chất lăng mạ, khiến con mất niềm tin vào cuộc sống…", TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền nhấn mạnh.
Trước đó, khoảng 11h ngày 17/10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) đã tìm thấy thi thể 2 nữ sinh tại chân cầu thị trấn Chi Nê. Sau đó, đã bàn giao thi thể cho gia đình lo hậu sự. 2 nạn nhân được xác định là cháu N.H.D và P.T.T, cùng sinh năm 2011, trú tại thị trấn Chi Nê. 2 cháu là học sinh lớp 8A3, Trường THCS thị trấn Chi Nê. Theo báo cáo của UBND thị trấn Chi Nê, vào khoảng 1h50 ngày 17/10, một nhóm thiếu niên nhìn thấy 2 bóng người đi trên cầu cứng thị trấn Chi Nê đi xã Khoan Dụ. Khoảng 10 phút sau, khu vực này phát ra tiếng "ùm", mặt sông có gợn sóng. Nghi có người tự tử, một nhóm thiếu niên đã đến hiện trường thì phát hiện 2 đôi dép, 1 khẩu trang và một thùng carton, ghi địa chỉ nhận hàng là bà N.T.S (bà ngoại cháu D, địa chỉ khu 9, thị trấn Chi Nê). Ngay sau đó, nhóm thiếu niên này đã đến địa chỉ trên để báo sự việc. Cùng thời điểm trên, bà S cũng không tìm thấy cháu D ở phòng ngủ, kiểm tra phòng phát hiện một lá thư, có nội dung liên quan đến việc cháu gái bà đi tự tử. Làm việc với cơ quan chức năng, người nhà của nhà hai cháu D và T cung cấp, hai cháu không có bất kỳ mâu thuẫn gì trong quá trình sinh sống tại gia đình và không có biểu hiện bất thường gì khác. |