Không ít trẻ tham gia các khóa học hè chỉ để chiều theo nguyện vọng của phụ huynh dù bản thân các em không hề muốn, sau đó sinh tâm lý chán nản, chống đối...
Chuyên gia trị liệu tâm lý, tư vấn tâm lý học đường; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em, Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam
Trẻ ngủ gật vẫn phải ngồi nghe giảng ở khóa tu
Sau khi kết thúc trại hè quân đội 10 ngày, bé Minh Hà (12 tuổi, ở Hà Nội) được mẹ đăng ký tham gia khóa tu chữa lành tại một ngôi chùa cách thủ đô không xa.
Khi biết ý định này, Hà nhất mực phản đối nhưng bố mẹ càng nhất quyết bắt em lên chùa cho "tịnh tâm". Cuối cùng, Hà đành chấp nhận ôm hành lý tham gia khóa tu.
Thạc sĩ Phan Thị Lan Hương, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em, thuộc Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho biết, hiện có rất nhiều trẻ dù không thích các trại hè, học kỳ quân đội, khóa tu nhưng vẫn miễn cưỡng tham gia vì bị bố mẹ ép. Như trường hợp bé gái trên, dù đưa ra ý kiến của mình nhưng cuối cùng vẫn phải làm theo quyết định của bố mẹ.
Hoạt động ngoại khóa của trẻ là cần thiết, nhưng cần tôn trọng sở thích và nguyện vọng của con. Ảnh minh họa.
“Đứng về góc độ phụ huynh, chúng ta hoàn toàn thông cảm, vì bố mẹ chỉ muốn điều tốt cho con, cho rằng gửi con vào một tổ chức sẽ an toàn hơn là để con ở nhà một mình. Tất nhiên, khi đưa ra quyết định, phụ huynh cần lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của con. Việc áp đặt con phải tham gia những khóa học con không thích, vừa tốn kém chi phí, không mang lại hiệu quả và còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ”, bà Hương chia sẻ.
Với trường hợp của bé gái trên, sau khi kết thúc khóa tu về, trẻ có những biểu hiện tâm lý bất thường khi sống thu mình, ngại giao tiếp và không dám đưa ra chính kiến của mình như trước. “Con nói bố mẹ không nghe, chẳng tôn trọng ý kiến của con thì con nói làm gì”, Hà tâm sự.
Chia sẻ với bà Hương, cô bé 12 tuổi cho biết, con chỉ muốn nghỉ hè có thời gian để đọc truyện mà con thích và hứa sinh hoạt đúng giờ như đi học, nhưng bố mẹ không cho. Con không thích theo học khóa tu, nhưng bố mẹ vẫn bắt phải đi, điều này làm con không thoải mái, không muốn nói chuyện với ai nữa.
Hà kể rằng, ở khóa tu đó các em phải dậy từ 5 giờ sáng, sau đó lên hội trường nghe giảng. “Hình như ngày nào nghe giảng con cũng ngủ gật, chẳng biết ở trên thầy nói gì”, Hà nói. Nghe giảng xong, tất cả đi ăn sáng tập trung bằng các món chay, rồi dọn dẹp, vệ sinh chùa. “10h sáng đáng ra con được đọc sách, nhưng họ bắt con đi ngủ”, Hà kể.
Các khóa tu nở rộ nhưng không phải trẻ nào cũng thích tham gia. Ảnh minh họa.
Ngày nào quy trình ấy cũng lặp đi lặp lại khiến Hà và nhiều trẻ khác cảm thấy bí bách. Nhưng nếu trẻ tìm các trò chơi để “giải khuây” thì sẽ bị phạt. Vì thế, Hà chỉ mong sớm kết thúc khóa tu, kết thúc kỳ nghỉ hè để được đi học trở lại.
Hãy tôn trọng quyền lựa chọn của con
Theo bà Phan Thị Lan Hương, hiện nay các khóa tu, khóa học chữa lành cho trẻ được mở ra và nhận được sự quan tâm của phụ huynh. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng phù hợp để tham gia, vì thế trước khi đăng ký, bố mẹ hãy hỏi và tôn trọng quyền lựa chọn của các con. “Các mẹ không nên áp đặt, mà phải hiểu con cần gì. Ở tuổi các con, môi trường chữa lành tốt nhất chính là gia đình, vì đó là tổ ấm”, bà Hương chia sẻ.
Việc phụ huynh đẩy con vào các khóa học trẻ không thích sẽ dễ để lại nhiều hệ lụy, đó là nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục, xảy ra mâu thuẫn hay bị tẩy chay… từ đó có thể ảnh hưởng tâm lý, khiến trẻ bị "rách" thêm sau khi đi chữa lành.
Vậy khi trẻ ở nhà thì phải làm sao để được an toàn? Đây là câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra, khi có những tranh luận về việc có nên cho con tham gia các khóa tu, học kỳ quân đội. Bà Hương cho rằng, thực tế ngay cả các gia đình ở Hà Nội không phải ai cũng đủ điều kiện để cho con tham gia các khóa học có giá lên tới cả chục triệu đồng. “Chẳng lẽ, những đứa trẻ ở nhà vì không có điều kiện tham gia khóa tu, trại hè sẽ hư hết, rách hết hay sao? Điều quan trọng nhất là chúng ta phải có kế hoạch, làm sao giúp trẻ phát huy tốt nhất giá trị bản thân và khả năng của mình”, bà Hương tư vấn.
Bố mẹ hãy tôn trọng ý kiến của con, cùng con lập kế hoạch cho kỳ nghỉ hè. Ảnh minh họa.
Theo bà Hương, điều đầu tiên phụ huynh cần làm là lắng nghe chia sẻ về mong muốn, nguyện vọng của con, rồi cùng con lên kế hoạch phù hợp nhất cho kỳ nghỉ. Bước tiếp theo là cùng nhau đưa ra những hoạt động cụ thể, phù hợp lứa tuổi và năng lực của trẻ.
Ví dụ như có trẻ cấp 2 có thể tự nấu ăn sáng, nhưng bé cấp 1 thì bố mẹ cần chuẩn bị sẵn bữa ăn cho con. Sau khi ăn sáng, trẻ đọc sách, xem tivi trong thời gian đã ghi trong kế hoạch. Buổi trưa có thể bố mẹ về hoặc đặt đồ ăn cho con, rồi ngủ trưa. Buổi chiều, trẻ lớn có thể hoạt động ngoài trời, thể dục (nơi an toàn) cùng bạn. Trẻ nhỏ có thể đọc truyện, vẽ hoặc mua đồ thủ công cho con chơi.
“Hiện nay, các gia đình có thể mua được camera hoặc kiểm soát bằng việc gọi hình ảnh để biết được con có thực hiện theo đúng kế hoạch đã cam kết hay không. Thông thường, khi trẻ được làm những điều mình muốn trong khuôn khổ nhất định, chúng sẽ rất yêu thích hoạt động đó và rất ít làm sai”, bà Hương chia sẻ.
Chuyên gia cho biết, bà không bài bác việc cho trẻ học ngoại khóa vì nếu trẻ thích thì việc này vẫn mang lại giá trị tích cực nhất định. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là hãy hỏi ý và tôn trọng ý kiến trẻ, dựa vào đó để đưa ra một giải pháp phù hợp nhất, tránh làm tổn thương tâm lý con.
Tin liên quan
Trong kỳ nghỉ hè, nếu các gia đình không quan sát và chăm sóc trẻ một cách khoa học sẽ để lại hệ lụy rất lớn tới sức khỏe, đặc biệt với...
Việc ăn uống và sinh hoạt cân bằng trong dịp Tết Nguyên đán là rất quan trọng để vừa bảo vệ sức khỏe, vừa không bị đảo lộn nhịp sinh học của...
Thời gian nghỉ hè, nếu phụ huynh không có kế hoạch quản lý trẻ tốt, để con sa đà vào mạng xã hội sẽ rất nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới...
Hăm tã là vấn đề phổ biến ở trẻ nhỏ trong mùa hè. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận biết sớm khi bé hăm tã cũng như biết cách xử trí, phòng ngừa...
Tin bài cùng chủ đề Tâm sinh lý tuổi teen
Khi các em có suy nghĩ muốn tự sát nếu không được gia đình, thầy cô kịp thời phát hiện và điều chỉnh, có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng không thể lường trước.