Với trẻ ở tuổi vị thành niên, ám ảnh ngoại hình ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm lý và cuộc sống, có thể khiến trẻ phát sinh những hành vi cha mẹ khó ngờ.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách hiện đang là Giám đốc Viện Tâm lý học và Truyền Thông, thuộc Hội Tâm lý học Việt Nam.
Trẻ không muốn đi học vì ngoại hình thay đổi
Thạc sĩ, bác sĩ trị liệu tâm lý Nguyễn Hồng Bách, giám đốc Viện Tâm lý học và Truyền thông (Hội Tâm lý Việt Nam) cho biết, vị thành niên là giai đoạn trẻ phát triển mạnh mẽ từ thể chất đến tư duy, nhưng đây cũng là thời kỳ dễ bị tác động và tổn thương nhất. Đôi khi những thay đổi trên cơ thể, hay câu nói của bạn bè cũng gây áp lực, tổn thương với trẻ.
Minh Nguyệt (14 tuổi, ở Hà Nội) đang từ một học sinh giỏi, bỗng nhiên học lực giảm sút chỉ vì sự trêu chọc của bạn bè, khi hình thể của em thay đổi quá nhanh. Theo đó, năm học lớp 7, cơ thể Nguyệt khá cân đối, cộng với gương mặt xinh xắn, em nhận được nhiều lời khen ngợi từ mọi người.
Lên lớp 8, vòng ngực của Nguyệt phát triển rất nhanh, khiến em luôn cảm thấy tự ti, xấu hổ khi đến trường. Gia đình cho biết, mỗi sáng trước khi đi học hay ra ngoài, Nguyệt nhốt mình trong phòng hàng giờ để nịt ngực chặt nhất có thể.
Dù cố gắng bó chặt ngực mỗi khi đến trường nhưng nữ sinh lớp 8 vẫn nhận những lời bàn tán tiêu cực từ bạn bè. Ảnh minh họa.
Dù đã làm vậy, nhưng so với các bạn cùng trang lứa, vòng một của nữ sinh này vẫn thuộc hàng khủng. Ở trường Nguyệt nhận những lời bàn tán, trêu chọc của các bạn trai nên xấu hổ, không chú tâm vào chuyện học hành, kết quả học tập giảm sút. Đỉnh điểm nhất là cuối năm lớp 8, Nguyệt đã tự ý bỏ học vì áp lực. Cuối cùng, gia đình phải cho Nguyệt đi trị liệu tâm lý, sau đó em mới tiếp tục đến trường.
Bác sĩ Bách cho biết, không chỉ các bạn nữ, ngay cả nam sinh tưởng chừng rất mạnh mẽ, nhưng cũng gặp phải tình huống tương tự. Hùng (16 tuổi, ở Bắc Ninh), suốt một năm qua khi nào đến lớp cũng đeo khẩu trang kín mít, kể cả khi chụp ảnh do mặt có quá nhiều mụn. Hùng sợ bị các bạn phát hiện và chê cười.
Gần đây, Hùng còn có ý định nghỉ học vì sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè dành cho mình. “Hùng ở cùng mẹ, gia đình rất khó khăn. Khi biết hoàn cảnh, các bạn trong lớp thương tình, thi thoảng lại vận động, quên góp tiền, đồ dùng để giúp đỡ Hùng. Chính điều này làm Hùng tự ti, xấu hổ và có ý định nghỉ học để không phiền người khác”, bác sĩ Bách kể.
May mắn, cô chủ nhiệm đã phát hiện kịp thời, động viên Hùng đi học và liên hệ bác sĩ để tham vấn tâm lý. Sau khi điều trị một thời gian, Hùng đã cởi bỏ được nút thắt tâm lý, hòa đồng hơn với các bạn. Trước khi nghỉ hè, Hùng đã lần đầu tiên chụp ảnh mà không đeo khẩu trang. Sự thay đổi này khiến cả lớp bất ngờ, hạnh phúc.
Sự trêu trọc và ánh mắt soi mói của bạn bè trước những bất thường về cơ thể ở tuổi dậy thì sẽ làm tổn thương trẻ. Ảnh minh họa.
Ánh mắt, lời nói tiêu cực của bạn bè ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý trẻ
Theo bác sĩ Bách, ám ảnh ngoại hình ở trẻ vị thành niên tác động tiêu cực tới tâm lý, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, những tác động ngoại cảnh như ánh mắt dò xét, sự trêu chọc và lời nói gây tổn thương của bạn bè, đôi khi cũng là “vũ khí” giết người, kéo trẻ xuống vực sâu.
“Như trường hợp nữ sinh trên, cháu rất sợ đến trường trước sự trêu trọc của bạn bè vì ngực phổng phao”, bác sĩ Bách chia sẻ và cho biết thêm, nếu không phát hiện và giải quyết vấn đề sớm sẽ gây nên hệ lụy rất nguy hiểm. Khi trẻ tự ti kéo dài có thể dẫn tới trầm cảm, tự làm đau cơ thể, thậm chí là có ý định, hành vi tự sát.
Ông Bách cho biết, để giúp trẻ thoát ra khỏi ám ảnh ngoại hình, thầy cô có vai trò rất quan trọng. Khi đó, thầy cô vừa là bạn, vừa là “trọng tài” để nhận biết, giúp trẻ vượt qua sự tự ti. “Những ánh nhìn không thiện cảm, sự trêu chọc thường diễn ra ở lớp, nên cô giáo cần quan sát học sinh để nhận biết sớm vấn đề. Từ trường hợp nam sinh ở Bắc Ninh trên cho thấy, sự quan tâm của cô giáo đã giúp thay đổi suy nghĩ, thậm chí là cả tương lai đứa trẻ sau này”, bác sĩ Bách nhận mạnh.
Theo bác sĩ Bách, sự quan tâm và phát hiện kịp thời các vấn đề tâm lý của trẻ là rất quan trọng để giúp trẻ thoát khỏi những ám ảnh, tự ti.
Ngoài thầy cô, sự quan tâm của cha mẹ cũng giúp con vượt qua sự tự ti nhanh chóng và dễ dàng hơn. Phụ huynh có thể giúp con nhận ra thế mạnh cũng như điểm yếu của bản thân. Bạn nên tư vấn cho con hiểu rằng, cuộc đời không ai là hoàn hảo, ai cũng có khiếm khuyết, quan trọng là phải biết phát huy thế mạnh, hạn chế những điểm yếu để phát triển bản thân.
Bố mẹ hãy là người định hướng, đừng can thiệp quá sâu vào những thứ thuộc về sự riêng tư của con cái, ví dụ như chuyện ăn mặc, trang điểm hay để kiểu tóc nào… Bởi nhiều trẻ nhận thức về cơ thể từ rất sớm, khi tiếp xúc với bạn bè, các em sẽ biết phải làm sao để che đậy khuyết điểm của mình. Khi đó, nếu bố mẹ can thiệp, có thể trẻ không phản kháng, nhưng miễn cưỡng làm theo sẽ càng dễ lún sâu vào những rối nhiễm tâm lý ở tuổi dậy thì.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Tin liên quan
Con dậy thì sớm là nỗi lo của nhiều phụ huynh. Không ít người băn khoăn liệu cho con ăn nước tương nhiều có gây dậy thì sớm hay không và trẻ...
Một chiếc bình giữ nhiệt an toàn không chỉ cần khả năng bảo vệ thực phẩm nguyên vẹn mà còn phải sạch sẽ về cấu trúc. Những dấu hiệu hỏng hóc...
33 tuổi nhưng anh Định có dáng người như bé trai đang học tiểu học. Dù vậy, anh không biết lý do cho đến khi đi khám hiếm muộn vì nhiều năm...
Một trong những nguyên nhân dẫn tới dậy thì sớm là tình trạng trẻ thừa cân - béo phì, liên quan tới cách ăn và món trẻ ăn hằng ngày. Dưới...
Tin bài cùng chủ đề Tâm sinh lý tuổi teen
Khi các em có suy nghĩ muốn tự sát nếu không được gia đình, thầy cô kịp thời phát hiện và điều chỉnh, có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng không thể lường trước.