Uống nước đun sôi để nguội là thói quen của nhiều gia đình vì tin rằng đây là cách đảm bảo vệ sinh an toàn. Tuy nhiên có thông tin cho rằng uống nước đun sôi để nguội vài ngày sẽ gây ung thư. Liệu điều này có đúng sự thật?
Hiện nay, nhiều người có thói quen uống nước vừa mới đun xong. Tuy nhiên có thông tin cho rằng đây là thói quen xấu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư rất nguy hiểm do lúc này chất clo dùng để khử trùng nước sẽ kết hợp với các hợp chất hữu cơ có sẵn trong nước tạo nên hợp chất gây ung thư như halogen hóa hydrocacbon, chloroform, cực kỳ nguy hiểm.
PGS Trần Hồng Côn - khoa Hóa ĐH Tổng hợp.
Vậy liệu có hay không việc nước đun sôi để nguội gây ung thư? PGS Trần Hồng Côn - khoa Hóa ĐH Tổng hợp sẽ giúp làm sáng tỏ điều này.
PV: Có người cho rằng nước đun sôi để nguội là môi trường chứa nhiều axit – là một trong những điều kiện để tế bào ung thư phát triển? Quan điểm của PGS về vấn đề này ra sao?
PGS Trần Hồng Côn: Nước đun sôi để nguội để uống là hoàn toàn an toàn về mặt vi sinh vật, vì đây là cách tiệt khuẩn mà ngàn đời nay ông cha ta đã làm, không hề có tác động gây ung thư. Có gây ung thư hay không là do bản chất của nguồn nước mà ta sử dụng cho ăn uống có đảm bảo an toàn hay không.
PV: Khoa học cho rằng, nước đun sôi để nguội lâu ngày sản sinh ra một lượng muối nitrat. Đây có phải là chất gây tổn hại đến nhiều tế bào trong cơ thể không?
PGS Trần Hồng Côn: Không hắn là thế. Khi nước để tiếp xúc với không khí lâu ngày, nếu hàm lượng amoni cao thì sẽ chuyển thành nitrit và nitrat, nếu hàm lương amoni dưới ngưỡng cho phép thì không ảnh hưởng gì. Điều này đừng nên ngộ nhận một cách phiến diện như thế.
Tất nhiên khi nước để tiếp xúc với không khí thời gian dài sẽ làm giảm độ pH do khí cacbonic tan vào nước. Song đây không phài là tác nhân làm cho độ pH của máu giảm. Độ pH của máu phụ thuộc vào các thành phần trong máu chứ không phụ thuộc vào độ pH của thức uống.
Bình thường pH của dạ dày rất thấp do dạ dày cần nồng độ axit HCl nhất định để phân hủy protein và tinh bột thành các axit amin và đường để cung cấp dưỡng chất cho cơ thể, không làm cho pH trong máu giảm như mọi người thường nghĩ.
PV: Hầu như các gia đình Việt Nam đều có thói quen đun nước sôi để nguội rồi uống. Nói vậy thì hầu hết các gia đình đều có người có nguy cơ mắc ung thư?
PGS Trần Hồng Côn: Không có chuyện đó. Nên vẫn dùng nước đun sôi để nguội để uống là tốt nhất vì nó đảm bảo nguồn khoáng chất và vi lượng cho cơ thể con người. Nhưng lưu ý là nguồn nước phải là nguồn nước sạch.
PV: Không những thế, với tâm lý tiết kiệm, nhiều người còn đổ nước đã đun sôi vào bình thủy tinh, bình nhựa để lưu trữ uống dần ngày này qua ngày khác. Như vậy có nên không và có ảnh hưởng gì đến chất lượng của nước hay không?
PGS Trần Hồng Côn: Nước đun sôi để nguội, nếu để trong các bình thủy tinh hay bình nhựa dùng cho thực phẩm và đậy kín thì hoàn toàn yên tâm. Nếu để hở thì có thể bị tái nhiễm khuẩn từ không khí, tuy nhiên cũng không nguy hại như đồn thổi.
Cũng cần lưu ý là không nên dùng các đồ đựng từ các bao bì công nghiệp vì có thể bị thôi nhiễm từ các loại đồ đựng không bảo đảm về an toàn cho sức khỏe - các loại chai, thùng, bình nhựa đựng các sản phẩm sử dụng trong công nghiệp.
PV: Nhiều nơi không có điều kiện dùng nước qua khử trùng, khử vi khuẩn, mà họ dùng nước giếng khoan hoặc nước mưa để đun uống, khi đó vi khuẩn, vi trùng, các chất độc hại trong nước vẫn còn nguyên. Như vậy đây có phải là các tác nhân phần nào gây ung thư không?
PGS Trần Hồng Côn: Không thể quy kết chung chung như vậy. Nếu các nguồn nước giếng khoan hay nước mưa sạch thì vẫn an toàn. Chất gây ung thư nếu có trong nguồn nước thì dù có đun sôi hay không thường vẫn không loại được.
PV: PGS có một phép toán nào so sánh nước đun sôi với nước uống đóng chai chỉ lọc RO tinh khiết chứ không sôi không? So sánh về mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của hai loại nước này?
PGS Trần Hồng Côn: Nếu nguồn nước chỉ bị nhiễm khuẩn thì đun sôi là giải pháp tốt nhất để có nguồn nước an toàn cho ăn uông. Nước lọc qua màng RO là nước gần như tinh khiết, đây là loại nước không có lợi cho sức khỏe. Nếu lạm dụng loại nước RO này cho sinh hoạt hàng ngày sẽ khiến người dùng mắc các bệnh do thiếu muối khoáng và vi chất, đặc biệt là trẻ em và người già. Nhiều nước trên thế giới đã "nói không" với nước RO để bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng như ở Úc, Anh...
PV: Nước đun sôi nhiều khi rất hay có mùi, theo PGS thì mùi này từ đâu mà ra?
PGS Trần Hồng Côn: Nước đun sôi có mùi lạ, chủ yếu là do nguồn nước cấp quá dư clo hoặc có nhiễm bẩn. Do vậy, nếu nước đun sôi thấy có mùi lạ thì không nên dùng. Mùi có thể do ion hypockorit (dư clo) gây ra hoặc các chất nhiễm bẩn có mùi trong nguồn nước.
PV: Việc đun sôi nước có làm bản chất các chất hóa học thay đổi không thưa PGS?
PGS Trần Hồng Côn: Việc đun sôi nước hầu như không làm thay đổi bản chất của nước mà chỉ có thể thay đổi độ cứng (do độ cứng tạm thời bị giảm) và các chất hữu cơ dễ bay hơi sẽ bay ra khỏi nước. Cả hai hiện tượng này đều góp phần làm chất lượng nước uống tốt hơn mà thôi.
PV: Vậy tóm lại nước đun sôi để nguội có nên uống không?
PGS Trần Hồng Côn: Nước đun sôi để nguội là nước uống an toàn từ cổ xưa tới nay. Nhưng lưu ý là nguồn nước phải là nước sạch. Nếu nước nhiễm bẩn thì đun sôi cũng không loại được thí dụ như nước nhiễm asen, các chất clo, kim loại nặng... Đun sôi chỉ để loại các vi trùng gây bệnh là chính, chứ không loại được các chất độc hại không bay hơi khi đun sôi.
PV: Chuyên gia có những khuyến cáo nào cho người dân về việc uống nước đun sôi để nguội sao cho đảm bảo an toàn không?
PGS Trần Hồng Côn: Nước đun sôi để nguội là nước uống an toàn từ cổ xưa. Điều cần lưu ý là nguồn nước phải không bị nhiễm bẩn, trừ vi khuần, vi trùng. Biện phán ăn chín uống sôi là rất hiệu quả để tránh nhiễm khuẩn gây bệnh. Lưu ý, hầu hết các chất độc thường không loại được bằng giải pháp đun sôi. Nước đun sôi để nguội nên để trong các chai lọ đựng thực phẩm hoặc thủy tinh và đậy kín để tránh tái nhiễm khuẩn từ không khí và sinh hoạt.