Một cô gái xinh đẹp, mắt to tròn, mũi nhỏ nhưng lại khăng khăng đòi bác sĩ phẫu thuật thảm mỹ nâng mũi, nhấn mí, trị sẹo. Tuy nhiên thay vì phẫu thuật, bác sĩ đã quyết định gửi cô tới khoa tâm thần. Từ đây nguyên nhân mới được tìm ra.
Đầu tháng 7, bác sĩ Qian Huan, Khoa Phẫu thuật Tạo hình của Bệnh viện Liên kết thứ hai của Đại học Y khoa Chiết Giang đã tiếp nhận một nữ sinh viên đại học trông trắng trẻo, xinh đẹp nhưng lại nhất quyết đòi phẫu thuật thẩm mỹ.
Khi bước vào, cô gái đeo khẩu trang và kính râm, đầu đội mũ kéo xụp xuống như cố gắng không để ai nhìn thấy mình. Ban đầu, bác sĩ Qian Huan chỉ nghĩ có lẽ do cô gái xấu hổ về ngoại hình, nhưng khi cô tháo bỏ mọi thứ ra, bác sĩ rất bất ngờ. Cô gái trước mặt vô cùng xinh đẹp và đáng yêu, vẻ ngoài của cô cũng đủ để khiến không ít người ghen tị, khuôn mặt cũng không có dấu hiệu dị dạng hay phẫu thuật gì, vậy tại sao lại phải che kín mặt?
Cô gái trẻ nằng nặc đòi bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cho dù ngoại hình của cô rất xinh đẹp. (Ảnh minh họa)
Cô gái nhỏ nhẹ nói với bác sĩ trong khi vẫn cúi gằm mặt xuống: “Bác sĩ, cháu có một vết sẹo ở miệng, cháu muốn dùng tia laser trị sẹo.” Bác sĩ Qian Huan yêu cầu cô gái ngẩng mặt lên để nhìn vết sẹo nhưng tìm mãi mới thấy đó là một vết sẹo khá nông và mờ.
Bác sĩ Qian Huan khuyên cô gái không cần xóa sẹo, chỉ cần trang điểm một chút là được bởi căn bản vết sẹo quá nhỏ và không ảnh hưởng gì tới ngoại hình. Nhưng cô gái không chấp nhận, cô khăng khăng nói rằng vết sẹo rất to và cô không dám nhìn mình mỗi khi soi gương nên lúc nào cũng đeo khẩu trang.
Thấy tâm trạng của nữ bệnh nhân không ổn, bác sĩ Qian Huan an ủi cô và hỏi thêm một vài thông tin. Cô gái trẻ tên Tian Tian là sinh viên năm nhất. Cô nói đã tìm hiểu các cách trị sẹo và thấy chữa bằng laser là tốt nhất. Ngoài ra, cô cũng muốn nâng mũi và sửa mí mắt. Tuy nhiên bác sĩ cho biết nếu phẫu thuật như những gì Tian Tian mong muốn sẽ phải nghỉ ngơi ít nhất 3-4 tháng trong khi cô gái lại chỉ được nghỉ hè 2 tháng. Tuy nhiên, Tian Tian đã thẳng thắn nói sẽ xin nghỉ học để đi phẫu thuật và học lại sau.
Tian Tian được khuyên nên đến khoa tâm thần và bác sĩ phát hiện cô mắc chứng rối loạn dạng cơ thể. (Ảnh minh họa)
Trước cách cư xử của Tian Tian, bác sĩ Qian Huan từ chối phẫu thuật và giới thiệu cô tới gặp bác sĩ Qi Bin, Khoa Tâm thần. Sau một thời gian tìm hiểu, bác sĩ Qi Bin chẩn đoán cô gái trẻ mắc chứng "rối loạn dạng cơ thể" (Somatization Disorder). Người mắc bệnh thường phóng đại những khiếm khuyết trên cơ thể và tìm cách cố gắng chỉnh sửa dù thực tế khuyết điểm đó không quá rõ ràng. Nhiều bệnh nhân mắc hội chứng này thường đến các khoa da liễu hay phẫu thuật thẩm mỹ đầu tiên nhưng cuối cùng tất cả đều chuyển đến khoa tâm thần.
Theo một số dữ liệu cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn dạng cơ thể là dưới 1% và bệnh nhân nữ nhiều gấp đôi nam giới. Nguyên nhân chính xác của rối loạn bản thân thường không rõ ràng, nhưng lâm sàng và nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nó thường đi kèm với một số cảm xúc tâm lý.
Sau khi xác định được căn bệnh, bác sĩ Qi Bin cũng dần tìm ra nguyên nhân gây bệnh của Tian Tian. Hóa ra sau khi vào đại học, Tian Tian và bạn trai thường xuyên cãi nhau. Trong một lần cãi vã, người bạn trai đã nói cô quá xấu xí và vết sẹo trên miệng cô rất khó nhìn. Kể từ đó, cô gái trẻ bắt đầu bị ám ảnh bởi những gì bạn trai nói. Sau 1 năm, cặp đội chia tay nhưng Tian Tian vẫn bị ảnh hưởng bởi câu nói của bạn trai.
Bác sĩ Qi Bin nói rằng rối loạn dạng cơ thể là một bệnh tâm thần tương đối nhẹ. Miễn là bạn dùng thuốc chống trầm cảm theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể dần hồi phục. Điều quan trọng là phải nhận thức kịp thời các vấn đề của bạn và tìm kiếm từ bác sĩ tâm thần chuyên nghiệp.
Sau khi dùng thuốc chống trầm cảm trong gần 2 tháng, các triệu chứng của Tian Tian rõ ràng đã thuyên giảm. Cô hứa với bác sĩ sẽ không đi phẫu thuật thẩm mỹ, tự tin hơn về bản thân và chú tâm vào học hành.
Vì một câu nói chê bai của bạn trai đã gây ra ám ảnh tâm lý cho cô gái trẻ. (Ảnh minh họa)
Rối loạn dạng cơ thể thực sự là bệnh gì?
Rối loạn dạng cơ thể là một bệnh lý mãn tính trong đó bệnh nhân than phiền nhiều về cơ thể. Những rối loạn này có thể kéo dài nhiều năm và dẫn đến suy yếu thực sự. Những triệu chứng cơ thể được gây ra bởi những vấn đề tâm lý, và không phải rối loạn nào cũng có thể xác định được. Những yêu cầu được khám chữa bệnh dai dẳng dù rằng các kết luận y khoa đều âm tính và không phát hiện bất kỳ tổn thương thực thể nào.
Rối loạn dạng cơ thể bao gồm các triệu chứng:
Rối loạn cơ thể hoá: bệnh nhân có biểu hiện than phiền với rất nhiều triệu chứng như đau đầu, đau lưng, đau cổ, tiêu chảy, táo bón, khó nuốt, buồn nôn, kinh nguyệt không đều… Bệnh nhân được làm rất nhiều xét nghiệm nhưng kết quả bình thường và được các bác sĩ kết luận là không có vấn đề thực thể.
Rối loạn chuyển dạng: bệnh nhân có thể có các cơn co giật với đặc tính là các cơn co giật lộn xộn, bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong cơn. Cơn càng nặng nếu có nhiều người chú ý và cơn không bao giờ xuất hiện trong khi ngủ. Một vài bệnh nhân có biểu hiện mù nhưng đặc biệt là không bị vấp ngả khi di chuyển, bệnh nhân có thể bị liệt nhưng lại không teo cơ, phản xạ gân xương bình thường.
Rối loạn nghi bệnh: bệnh nhân thường khai báo là mình đang mắc phải một bệnh nan y cần phải được điều trị và không tin tưởng vào kết luận của bác sĩ.
Rối loạn đau: bệnh nhân đau rất nhiều mặc dù không tìm thấy tổn thương thực thể. Đau thường không đáp ứng với thuốc giảm đau.
Rối loạn sợ biến dạng cơ thể: bệnh nhân thường bận tâm quá đáng vào các khuyết điểm của cơ thể do tưởng tượng hoặc do một khiếm khuyết nhỏ, đặc biệt là ở mặt.