Gần đây vụ việc bệnh viện Chợ Rẫy bị tố khiến bệnh nhân 19 tuổi bị viêm tụy cấp tử vong. Sự việc đến nay vẫn còn đang gây xôn xao, nhiều người vẫn còn đang thắc mắc bệnh viêm tụy cấp là gì? Độ nguy hiểm của nó ra sao mà có thể dẫn tới tử vong.
Viêm tụy cấp là gì?
Tuyến tụy nằm ở vị trí giữa vùng bụng và được bao quanh bởi dạ dày, gan, lá lách, túi mật và ruột non; nằm sau dạ dày sát thành sau của ổ bụng.
Theo bác sĩ Phan Xuân Trung, tuyến tụy hay còn gọi là lá mía có chức năng tiết ra dịch tụy. Chất dịch này có các thành phần men tiêu hóa được tiết ra và hòa trộn vào thức ăn để phân rã thức ăn thành các thành chất dinh dưỡng cơ bản.
- Protease dùng để phân cắt chất đạm. Những miếng thịt, miếng cá được enzyme Protease phân cắt thành các acid amin.
- Lipase dùng để phân cắt các miếng mỡ, dầu thành các thành phần nhỏ hơn.
- Amylase dùng để phân cắt các miếng bột đường.
Ngoài ra tụy còn tiết Insulin dùng để vận chuyển đường.
Thức ăn sau khi được nhào nặn một cách cơ học, được trộn với acid Chlohydric của dịch vị dạ dày sẽ được chuyển xuống tá tràng. Tại đây, tuyến tụy tiết hỗn hợp dịch tụy vào thức ăn để tiếp tục quá trình tiêu hóa.
Tuy nhiên, khi tuyến tụy tiết quá nhiều dịch hoặc bị chấn thương dập tuỵ tạng, chất dịch tụy kia bị xì dò ra xung quanh. Các men tiêu hóa này phát huy vai trò của nó là làm phân rã, tiêu hủy bất cứ chất hữu cơ nào mà nó gặp được. Mô tụy khi bị ngấm dịch tụy sẽ bị phân hủy khiến tuyến tụy bị viêm.
Khi nào thì viêm tụy cấp trở nên nguy hiểm?
Nếu dịch tụy tiết ít, cơ thể chỉ bị hư hao ít, hình thành một vỏ bao để cô lập vùng "chiến sự", tạo thành nang giả tụy. Hoặc quá trình rò rỉ cân bằng với khả năng tự vệ của cơ thể thì tạo nên quá trình viêm tụy mạn tính.
Tuy nhiên, nếu không may dịch tụy tiết ra ồ ạt thì sẽ tàn phá mô xung quanh gây hoại tử. Một quá trình nhiễm trùng, nhiễm độc xảy ra trong ổ bụng, gây ra những cơn đau dữ dội. Quá trình hoại tử, nhiễm trùng nhiễm độc đó diễn ra rất nhanh, chức năng gan thận sẽ lần lượt bị suy và hầu hết đưa bệnh nhân vào "cửa tử". Khó có thể biết được quá trình viêm tụy sẽ diễn ra như thế nào.
Nguyên nhân gây viêm tụy cấp
Ở các nước phương Tây, sỏi mật và lạm dụng rượu là nguyên nhân của 80% các trường hợp viêm tụy cấp phải nhập viện.
Ở Việt Nam, ngoài 2 nguyên nhân trên còn có một nguyên nhân quan trọng khác là do giun chui ống mật - tụy. Bởi vì ở nước ta, người nhiễm giun và mắc bệnh giun có tỷ lệ khá cao, nhất là giun đũa, giun kim, giun móc. Trong đó giun đũa chui ống mật không phải là hiếm gặp.
Uống rượu bia nhiều cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến viêm tụy. (Ảnh minh họa)
Mặt khác, tỷ lệ mắc bệnh sỏi mật ở nước ta cũng tương đối cao. Viêm tụy cấp do sỏi mật thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới (bởi tỷ lệ phụ nữ bị sỏi mật chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới).
Ngoài ra, một số yếu tố cũng dễ gây viêm tụy cấp như:
- Tăng mỡ máu;
- Tổn thương tụy do phẫu thuật ổ bụng đụng chạm vào tụy hoặc nội soi hoặc do chấn thương tụy với các nguyên nhân (tác động ngoại lực, tai nạn giao thông);
- Hội chứng cường giáp, tăng nồng độ canxi trong máu, sốc kéo dài (làm giảm tưới máu đến tụy);
- Viêm tụy do di truyền hoặc do ghép thận
- Sử dụng thuốc như thuốc nội tiết tố estrogen, thuốc lợi tiểu furosemide, thuốc ức chế miễn dịch azathioprine.
Triệu chứng viêm tụy cấp
- Đau bụng xuất hiện một cách đột ngột ở vùng thượng vị, có thể lan đến ngực, hai mạng sườn hai bên, sau lưng. Đau bụng dữ dội nhiều giờ, có thể đau khởi phát sau khi ăn, cũng có khi khởi phát tự nhiên.
- Nôn hoặc buồn nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau đó nôn ra dịch, nôn xong có thể đỡ đau hoặc không.
- Bí trung đại tiện, do tình trạng liệt ruột cơ năng, người bệnh không trung tiện, không đi ngoài.
- Bụng trướng và đầy tức khó chịu.
- Khó thở do đau, do tràn dịch màng bụng, màng phổi
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao vì viêm nhiễm đường mật do sỏi, giun hoặc do hoại tử tụy rộng.
Đau bụng dữ dội kéo dài nhiều giờ có thể là biểu hiện của viêm tụy cấp. (Ảnh minh họa)
Trong trường hợp viêm tụy cấp thể nhẹ: người bệnh mệt mỏi nhưng tỉnh, mạch, huyết áp ổn định, không khó thở.
Trong trường hợp viêm tụy cấp thể nặng: bệnh nhân bị sốc, vã mồ hôi, chân tay lạnh, nhợt nhạt, tinh thần chậm chạp, mạch nhanh, huyết áp tụt, người bệnh hốt hoảng, kích động hoặc ngược lại nằm lờ đờ, mệt mỏi, có những mảng bầm tím ở chân tay, thân thể, thở nhanh nông.
Trường hợp nặng nhất là trong viêm cấp tính thể hoại tử có thể gặp các mảng bầm tím dưới da ở hai bên mạng sườn hay quanh rốn, đây là dấu hiệu rất đặc hiệu, biểu hiện sự chảy máu ở vùng tụy và quanh tụy.
Biến chứng nguy hiểm của viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp nếu không kịp thời phát hiện có thể dẫn đến biến chứng có khả năng gây tử vong bao gồm:
- Tắc nghẽn đường mật hoặc ống tụy, rò rỉ từ ống tụy;
- Tổn thương tuyến tụy;
- Tràn dịch màng phổi, hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn;
- Giảm huyết áp, hoặc trụy tim mạch;
- Hội chứng đông máu rải rác nội mạch, như trong trường hợp viêm ruột xuất huyết hoại tử;
- Viêm loét dạ dày - tá tràng cấp thường biểu hiện dưới dạng xuất huyết;
- Thiểu niệu hoặc vô niệu do suy thận chức năng.
Suy tim, phổi và thận có thể xảy ra. Trong trường hợp nặng, suy cơ quan có thể xảy ra khoảng 48 giờ sau khi các triệu chứng xuất hiện. Nếu không được điều trị, chúng có thể dẫn đến tử vong.
Điều trị viêm tụy cấp
Phần lớn viêm tụy cấp là thể phù (85-90%), điều trị chủ yếu bằng phương pháp nội khoa, bệnh sẽ thoái triển sau 5-7 ngày. Các biện pháp thông thường là: hút dịch vị, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
Khi các triệu chứng đau giảm nhiều mới bắt đầu cho ăn dần, bắt đầu là nước đường, đến nước cháo đường, rồi cháo để giảm sự tiết dịch tụy; bù nước và điện giải để đảm bảo thăng bằng kiềm toan, tùy theo điều kiện và nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng các loại thuốc giảm tiết, kháng sinh cho phù hợp.
Ở bệnh nhân có tiền sử sỏi hoặc giun chui đường mật, hoặc sau bữa ăn thịnh soạn có sử dụng nhiều rượu, mà xuất hiện đau bụng cấp, cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để khám và điều trị hợp lý, kịp thời tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.