Vấn đề hôi miệng đôi khi có thể không phải do bệnh răng miệng, một số vấn đề ở dạ dày hay họng cũng có thể gây ra tình trạng này. Nếu không đi khám để điều trị kịp thời, vấn đề có thể sẽ nghiêm trọng hơn.
Một người đàn ông 35 tuổi ở Cao Hùng, Đài Loan gần đây miệng xuất hiện mùi hôi, người vợ mô tả mùi hôi như mùi trứng thối, đôi khi giống mùi xác chết. Tuy nhiên, người đàn ông này không nhận ra mà chỉ nói rằng anh cảm thấy tức ở cổ họng như có dị vật, thỉnh thoảng ngứa họng và ho, ngoài ra không có bất thường nào khác.
Người vợ kéo chồng đi khám ở Khoa Răng hàm mặt, Khoa Tiêu hóa, cuối cùng là đến Khoa Tai mũi họng, lúc này mới phát hiện có rất nhiều sỏi trên amidan.
Bác sĩ Lý Thụy Văn
Bác sĩ tai mũi họng Lý Thụy Văn, người điều trị cho trường hợp trên cho biết, khi người đàn ông đến bệnh viện, người vợ đi cùng đã vội nói: “Miệng chồng tôi rất hôi thối”, người đàn ông thì ngại ngùng nói, anh ta cảm thấy có dị vật ở cổ họng trong thời gian dài, đôi khi ngứa họng và gây ho từng cơn, nghi ngờ miệng có quá nhiều cao răng dẫn đến hôi miệng.
Tuy nhiên, sau khi khám răng thì không có vấn đề gì liên quan. Người đàn ông nghi ngờ có thể là trào ngược dạ dày, vì có người nói hôi miệng có hại cho dạ dày, nhưng nội soi dạ dày không thấy vấn đề gì nên người đàn ông đã đến Khoa Tai mũi họng để được tư vấn.
Khám nội soi cho thấy người đàn ông không có dịch mũi, nhưng bác sĩ Lý Thụy Văn phát hiện thấy amidan bên trái của người đàn ông có một viên sỏi, ngay lập tức bác sĩ dùng ống hút để lấy viên sỏi ra. Sau khi hút, người đàn ông nói: "Cảm giác rất nhẹ nhõm!” Sau lần tái khám bác sĩ cũng bảo, chứng hôi miệng không còn nữa, tình cảm vợ chồng đã được cải thiện.
Người đàn ông bị sỏi amidan
Bác sĩ Lý Thụy Văn cho biết, amidan hầu nằm ở phía sau miệng, là một loại mô bạch huyết. Các hốc nhỏ ở đầu trên được gọi là "hốc amidan". Sỏi thường mắc kẹt trong hốc và có thể được xử lý bằng ống hút. Ống hút sạch sẽ nhưng một số viên sỏi có thể bị kẹt lại dưới màng ngăn và bệnh nhân không cần quá lo lắng, sỏi sẽ được thải ra ngoài.
Tại sao hình thành sỏi amidan?
Bác sĩ Lý Thụy Văn giải thích rằng các chất chuyển hóa trong hệ bạch huyết của cơ thể, tích tụ mô hoại tử hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn và vi rút lạ gây ra, sẽ được lắng đọng trong các hốc amidan. Các chất lắng đọng có thể có màu trắng, vàng hoặc thậm chí là xanh lục và sỏi sẽ tạo ra mùi hôi mùi, dễ gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội.
Những dấu hiệu và triệu chứng sỏi amidan là gì?
Mặc dù một số sỏi có thể khó nhìn thấy, nhưng chúng vẫn có thể gây ra các triệu chứng đáng chú ý, gồm:
- Hôi miệng: Một dấu hiệu chính của tình trạng amidan có sỏi là hôi miệng nghiêm trọng đi kèm với nhiễm trùng amidan. Theo một nghiên cứu, khoảng 75% những người bị hôi miệng nặng bất thường đều có sỏi trong amidan.
- Đau họng: Cả hai tình trạng viêm amidan và sỏi trong amidan đều gây ra đau họng. Tuy nhiên, cơn đau do sỏi gây ra sẽ nặng và khó chịu hơn.
Sỏi amidan có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu
- Khó nuốt
- Đau tai: Sỏi có thể xuất hiện bất cứ đâu trên amidan, do đó nó có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh chung dẫn đến tai và khiến bạn bị đau tai.
- Ho liên tục
- Sưng amidan
- Các đốm trắng hoặc vàng trên amidan
Sỏi nhỏ thường phổ biến hơn sỏi lớn và có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
Bác sĩ Lý Thụy Văn nhắc nhở sau khi điều trị, bệnh nhân nên chú ý vệ sinh răng miệng nhiều hơn, súc miệng, uống nhiều nước hơn, không thức khuya và giảm thức ăn gây kích ứng, nếu tình trạng viêm nhiễm thường xuyên, nặng hoặc thậm chí gây áp xe thì có thể tiến hành cắt amidan.