Nam bệnh nhân bị viêm phổi, phải thở máy và kháng với tất cả các loại kháng sinh hiện có trên thị trường, sự sống của bệnh nhân này chỉ còn trông chờ vào hệ miễn dịch của chính người bệnh.
Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) hiện đang điều trị cho một nam bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi kháng thuốc rất nguy kịch. Khi vào viện nam bệnh nhân này có biểu hiện khó thở, đáng nói là bệnh nhân có tiền sử suy tim, tăng huyết áp.
BS Ngô Đức Hùng (Khoa Cấp cứu – BV Bạch Mai) cho biết, sau hơn 3 tuần điều trị bệnh nhân vẫn phải thở máy, sốt cao liên tục và thể trạng suy kiệt. “Bệnh nhân này tuyến dưới chuyển lên, kháng tất cả các loại kháng sinh hiện có trên thị trường. Đây là vấn đề nan giải vì tất cả chỉ còn trông chờ vào hệ miễn dịch của chính người bệnh, đó là hy vọng duy nhất”, BS Hùng chia sẻ.
Nam bệnh nhân nguy kịch vì kháng với tất cả các loại kháng sinh hiện có trên thị trường.
Theo BS Hùng, trường hợp bệnh nhân bị kháng với các loại kháng sinh này không phải là hiếm gặp mà nó diễn ra thường xuyên và “phần thua” nằm ở phía các nhân viên y tế.
BS Hùng cũng thông tin thêm, loại vi khuẩn siêu kháng kháng sinh mạnh nhất và khoẻ nhất trên thế giới hiện nay, có xuất phát từ những con vi khuẩn phổ biến nhất có thể gặp ở bất cứ đâu, như vi khuẩn trực khuẩn mủ xanh (pseudomonas aeruginosa), E.coli, Klebsiella pneumonia và đặc biệt là “siêu nhân” Acinetobacter baumannii.
Video: Cách vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xuất hiện những loại siêu vi khuẩn kháng kháng sinh lại bắt nguồn từ chính việc sử dụng kháng sinh bừa bãi của người dân hiện nay. “Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý do nhiều lý do, có thể từ nhân viên y tế, nhưng đặc biệt hiện tượng mua bán thuốc không theo đơn như hiện nay đã thúc đẩy quá trình nhờn thuốc nhanh hơn.
Việc dùng kháng sinh bừa bãi chính là nguyên nhân dẫn đến việc kháng kháng sinh.
Theo nghiên cứu công bố trên Pubmed, khảo sát tại các nhà thuốc tại Việt Nam, hầu hết thuốc kháng sinh bán đều không theo đơn, mà do người bán thuốc tự bán theo… lời kể hoặc người mua tự kê. 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn mua không cần đơn thuốc. Nhu cầu kháng sinh khi đi mua thuốc ở thành thị là 50%, nông thôn là 28%.
Ngoài ra, việc nhiều người khuyên nhau dùng thuốc này, thuốc kia hiện đang rất tràn lan trên mạng xã hội, trong khi đó những người làm chuyên môn lại rất thận trọng trong việc tư vấn qua mạng như vậy”, BS Hùng nhấn mạnh việc dùng bừa bãi thuốc nói chung và kháng sinh nói riêng.
Để ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh, BS Hùng khuyến cáo, người dân phải dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Còn trong cuộc sống hàng ngày, mấu chốt vấn đề là phải phòng bệnh trước, không nên tạo điều kiện cho các “siêu chiến binh” (vi khuẩn) xuất hiện.
Theo đó, việc đề phòng nhiễm khuẩn không đến nỗi phức tạp, chỉ cần vệ sinh sạch sẽ thân thể hàng ngày và tập luyện cho hệ miễn dịch đã đủ giúp cơ thể chiến thắng phần lớn các mầm bệnh.
“Một động tác rửa tay đã có thể ngăn chặn sự lây lan của những bệnh nhiễm khuẩn. Rửa tay bằng xà phòng đúng cách giống như vắc-xin cho hệ miễn dịch vậy: đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả. Những con siêu vi khuẩn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội xuất hiện. Và chúng ta vẫn cứ sống khoẻ mạnh bằng những điều đơn giản ấy. Còn kháng sinh thì hãy dùng đúng và cẩn thận”, BS Hùng cho hay.