Nhiều người vẫn nghe nói tập yoga tốt cho sức khỏe nhưng thực sự việc kết hợp giữa hoạt động thể chất và tâm trí này ảnh hưởng thế nào tới toàn bộ cơ thể như thế nào thì ít ai hiểu.
Dưới đây là những phát hiện mà bác sĩ, chuyên gia tim mạch Krishna Sudhir chia sẻ qua TED-Ed về tác động của Yoga tới người tập.
Vào khoảng thế kỷ 1 đến thế kỷ 5 sau Công nguyên, nhà triết học Hindu Patañjali bắt đầu biên soạn lại những cách thức tập luyện cổ xưa vốn đã được thực hành trên khắp Ấn Độ. Ông ghi lại các kỹ thuật gần như bằng tuổi của chính nền văn minh Ấn Độ trong 196 cuốn sách hướng dẫn gọi là Yoga Sutras.
Những văn bản này định nghĩa Yoga như sự "kết hợp" hoặc kiểm soát tâm trí ta khỏi việc tập trung vào các đối tượng bên ngoài để đạt đến trạng thái ý thức thuần khiết.
Theo thời gian, Yoga đã tích hợp các yếu tố vận động từ thể dục và đấu vật.
Các động tác kéo giãn cơ thể trong Yoga có thể mang lại nhiều lợi ích. (Ảnh minh họa)
Ngày nay, có vô số phương pháp Yoga hiện đại - mặc dù hầu hết vẫn duy trì ba yếu tố cốt lõi của cách tập luyện mà Patañjali ghi lại: Các tư thế vận động, bài tập hít thở và sự tĩnh lặng chiêm nghiệm. Sự kết hợp giữa các bài tập thể chất và tâm trí này được cho là mang lại một loạt lợi ích sức khỏe độc đáo, như cải thiện sức mạnh và tính linh hoạt, tăng cường chức năng tim, phổi và làm phấn chấn tinh thần.
Nhưng các nghiên cứu đương đại đã chỉ ra những lợi ích gì của các kỹ thuật cổ xưa này đối với sức khỏe?
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ các nhà nghiên cứu, nhưng khó để đưa ra những khẳng định cụ thể về lợi ích của Yoga. Sự kết hợp độc đáo của nó khiến việc xác định yếu tố nào mang lại lợi ích sức khỏe cụ thể trở nên khó khăn. Ngoài ra, các nghiên cứu về Yoga thường bao gồm số mẫu nhỏ, thiếu đa dạng, và phụ thuộc nặng nề vào sự tự báo cáo làm cho kết quả mang tính chủ quan. Tuy nhiên, có một số lợi ích sức khỏe có cơ sở chứng minh mạnh mẽ hơn so với một số tác dụng khác.
Yoga có tác động tới mỗi người không giống nhau. (Ảnh minh họa)
Hãy bắt đầu với tính linh hoạt và sức mạnh.
Gập người vào các tư thế vận động của Yoga kéo dãn nhiều nhóm cơ. Về ngắn hạn, việc kéo dãn có thể thay đổi lượng nước trong các cơ, dây chằng và gân khiến chúng mềm dẻo hơn. Theo thời gian, kéo dãn đều đặn kích thích tế bào gốc - thứ sau đó sẽ tách biệt thành mô cơ bắp mới và các tế bào khác tạo thành collagen mềm dẻo. Kéo dãn thường xuyên cũng giảm phản xạ tự nhiên của cơ thể trong việc siết bó cơ, nâng cao sức chịu đựng đối với các tư thế linh hoạt.
Các nhà nghiên cứu chưa phát hiện ra một loại hình Yoga nào có khả năng cải thiện tính linh hoạt vượt trội hẳn, do đó, tác động của các tư thế cụ thể vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, giống như các bài tập thể lực nhẹ khác, Yoga thực sự giúp cải thiện sức khỏe và sự linh hoạt cho những người khỏe mạnh.
Yoga cũng được chứng minh là một phương thức điều trị có tiềm năng.
Trong một số nghiên cứu liên quan đến bệnh nhân mắc các rối loạn cơ xương khớp khác nhau, Yoga hiệu quả hơn trong việc giảm đau và cải thiện khả năng di chuyển so với các hình thức tập luyện nhẹ khác. Thêm Yoga vào chế độ tập luyện hiện có của bạn có thể cải tiến sức mạnh và tính linh hoạt cho những tình trạng khó điều trị như đau lưng mạn tính, viêm khớp dạng thấp và loãng xương.
Sự kết hợp giữa tập luyện thể chất và hít thở nhịp nhàng trong Yoga cũng có tác dụng cho sức khỏe phổi.
Các bệnh phổi như viêm phế quản mãn tính, tắc nghẽn phổi mãn tính và hen suyễn làm co lại các đường thông khí mang oxy, đồng thời làm yếu màng bao quanh đưa oxy vào máu. Nhưng các bài tập hít thở như trong Yoga giúp thư giãn các cơ co lại đó và cải thiện sự khuếch tán oxy. Việc tăng nồng độ oxy trong máu đặc biệt hữu ích cho những người có tim yếu không đủ sức đẩy oxy đi khắp cơ thể. Đối với những người có tim khỏe, cách tập luyện này có thể giảm huyết áp và giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.
Yoga kết hợp giữa các động tác vận động và hơi thở, tâm trí. (Ảnh minh họa)
Lợi ích được ngợi khen rộng rãi nhất của Yoga lại khó để chứng minh: Tác động tới tâm lý.
Mặc dù có mối liên hệ lâu dài giữa Yoga và sự phát triển tâm lý tích cực, hiện chưa có bằng chứng cuối cùng về cách thức tập luyện này ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý. Một trong những tuyên bố quan trọng nhất là Yoga cải thiện các triệu chứng của rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu. Vì việc chẩn đoán những tình trạng này khác nhau rất nhiều và có nguồn gốc cũng như mức độ nặng nhẹ khác nhau, việc đo lường tác động của Yoga trở nên khó khăn. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy Yoga có thể giúp giảm các triệu chứng căng thẳng, cũng giống như thiền hoặc thư giãn.
Nghiên cứu về hiệu quả của Yoga vẫn đang tiếp tục. Trong tương lai, chúng ta cần những nghiên cứu lớn hơn, với sự tham gia đa dạng, để đánh giá tác động của Yoga đối với những trường hợp như cách phòng ngừa đau tim, tỷ lệ mắc bệnh ung thư, chức năng nhận thức và nhiều lĩnh vực khác.
Nhưng tới khi đó, Yoga vẫn có thể tiếp tục truyền thống cổ xưa như một cách để tập luyện, chiêm nghiệm và thư giãn.