Sùi mào gà là tên gọi một loại bệnh lây truyền qua đường tình dục, do virut HPV gây nên. Biểu hiện là những nụ sùi nhỏ giống như mào gà, hoa lơ ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, miệng, quanh lỗ hậu môn.
Tổng quan
Bệnh sùi mào gà do một loại virus mang tên HPV - Human Papilloma Virus, gây ra tình trạng mụn nhọt, viêm nhiễm, lở loét ở niêm mạc sinh dục. Virus HPV có tất cả 120 chủng loại, trong đó loại virus gây sùi mào gà là HPV type 16 và 18, cũng là loại virus dễ gây ung thư nhất. Khi mới nhiễm HPV, cơ thể sẽ có cơ chế tự chống lại loại virus này nhưng chỉ ở mức độ nhất định, sau đó sẽ phát tán và lan rộng hơn.
Nguyên nhân
Bệnh sùi mào gà có thể lây qua đường tình dục và thường gặp ở những người trưởng thành quan hệ bừa bãi, đó là các đối tượng chính. Trong thực tế, bệnh có thể lây do tiếp xúc trực tiếp với trang thiết bị, dụng cụ y tế, bàn tay nhân viên y tế không vô khuẩn hoặc bàn tay, đồ dùng của người bị bệnh sùi mào gà. Vì thế, trẻ mắc bệnh này có thể vô tình tiếp xúc với virut gây bệnh mà không biết.
Có rất nhiều con đường lây nhiễm HPV cho trẻ em. Thông thường nguyên nhân là tiếp xúc với người chăm sóc trực tiếp (người lớn bị nhiễm virut HPV nếu có tiếp xúc với bộ phận sinh dục của trẻ đều có nguy cơ lây bệnh cho trẻ). Trẻ có thể bị lây truyền từ tổn thương do HPV gây ra ở vùng niêm mạc bộ phận sinh dục hoặc da (do bị lạm dụng tình dục hoặc lây truyền từ mẹ bị nhiễm HPV sinh dục lúc sinh nở bằng đường sinh dục) hoặc do khi tắm cho trẻ.
Bệnh cũng có thể lây truyền từ đồ dùng như khăn tắm, đồ lót bị nhiễm HPV của người bị sùi mào gà. Virut cũng có thể xâm nhập qua vết thương hở, trầy xước hoặc niêm mạc miệng, mắt... (rất ít khi xảy ra). Trong nhiều trường hợp, trẻ bị sùi mào gà có thể liên quan tới cắt bao quy đầu, nong bao quy đầu nếu vệ sinh phòng khám không tốt, dụng cụ y tế bị nhiễm HPV không được vô trùng tuyệt đối.
Dấu hiệu
Sùi mào gà ủ bệnh trong thời gian dài 2-9 tháng, nên người bệnh thường chủ quan và không chú ý tới những thay đổi nhỏ trên cơ thể. Thậm chí cho rằng, đây chỉ là biểu hiện bệnh lý da liễu thông thường nên chưa cần thiết phải thăm khám luôn.
Đừng chủ quan khi cơ thể có những biểu hiện bất thường, hãy tìm hiểu dấu hiệu cũng như diễn biến của bệnh sùi mào gà để từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời.
Giai đoạn đầu, vùng kín nổi lên những nốt mụn thịt, mụn cơm nhỏ khoảng 1 – 2mm, có hình tròn hoặc hình đĩa bẹt, khi sờ vào thấy hơi ráp tay nhưng không gây cảm giác đau ngứa. Ở bệnh nhân nam, mụn thường xuất hiện đầu tiên ở quy đầu dương vật, da bao quy đầu, thân dương vật. Còn ở bệnh nhân nữ, thì mụn sẽ mọc ở môi sinh dục, bên trong âm đạo, cổ tử cung, khí hư ra nhiều, có màu và mùi khó chịu. Tuy nhiên, sùi mào gà nữ giới sẽ khó để phát hiện hơn so với nam giới, bởi cấu tạo bộ phận sinh dục của nữ phức tạp và ăn sâu với các cơ quan sinh dục ở bên trong hơn.
Khi quan hệ tình dục, người bệnh sẽ cảm thấy đau rát bộ phận sinh dục, thậm chí gây chảy máu âm đạo ở nữ giới hoặc khi nam giới xuất tinh thì tinh dịch sẽ có lẫn máu. Từ đó làm suy giảm ham muốn tình dục, ảnh hưởng tới tình cảm vợ chồng. Hơn nữa, bệnh nhân sẽ thường xuyên cảm thấy cơ thể mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nổi hạch ở vùng bẹn háng và có thể bị sốt nhẹ.
Virus HPV không chỉ xâm hại vào bộ phận sinh dục mà còn tấn công vào các vị trí khác trên cơ thể như: mắt, miệng, vòm họng, hậu môn,…
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định bệnh sùi mào gà chủ yếu dựa trên triệu chứng lâm sàng. Một số trường hợp lâm sàng không rõ có thể làm thêm giải phẫu bệnh và PCR HPV.
Chẩn đoán phân biệt:
- U mềm lây.
- Sẩn hình tháp quanh hậu môn (Pyramidal perianal papules): là tổn thương búi trĩ hình tháp, thường đơn độc, đường kính < 2cm, thường gặp ở trẻ nữ. Bệnh thường tự thoái triển theo thời gian.
- Sẩn giang mai.
- Bớt thượng bì.
Nguy cơ ung thư do sùi mào gà
Điều mà người bệnh quan tâm nhất là nguy cơ ung thư do sùi mào gà. Với nam giới, bệnh có thể gây ung thư dương vật nếu không được điều trị. Khoảng 15% nam giới bị sùi mào gà có nguy cơ ung thư dương vật.
Sùi mào gà ở nữ nguy hiểm vì làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Có khoảng 4,7 -10,2% phụ nữ bị sùi mào gà ở cổ tử cung có thể tiến triển thành ung thư cổ tử cung, 5% bị ung thư âm đạo, 5% bị ung thư hậu môn.
Những phụ nữ mắc bệnh sùi mào gà phải làm xét nghiệm soi tế bào âm đạo hằng năm để phát hiện sớm những thay đổi có thể dẫn đến ung thư. Phụ nữ đã có quan hệ tình dục cần làm xét nghiệm này 2 năm/lần. Đây là cách duy nhất để loại trừ sớm ung thư cổ tử cung ở người mắc sùi mào gà.
Thời gian bệnh sùi mào gà biến chứng thành ung thư cổ tử cung có mức độ tiến triển khác nhau, tùy cơ địa, tình trạng sức khỏe ở mỗi người. Với những người phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ không có nguy cơ biến thành ung thư. Với trường hợp chần chừ khám và điều trị thì chỉ trong thời gian 2-3 năm bệnh có thể biến chứng thành ung thư. Vì vậy, phụ nữ cần đi khám phụ khoa định kỳ và nam giới nên đi khám bệnh ngay khi có dấu hiệu bệnh để phát hiện bệnh, điều trị kịp thời và tránh biến chứng.
Nguyên tắc điều trị
Khi nghi bị bệnh sùi mào gà cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt, không nên e ngại để được xác định và điều trị. Việc điều trị càng sớm càng có lợi cho người bệnh, bởi vì, để muộn có thể gây biến chứng như dễ bị bội nhiễm vi khuẩn, nguy hiểm nhất là biến chứng ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung (nữ giới), ung thư dương vật (nam giới).
Ngày nay có nhiều phương pháp điều trị khác nhau có thể đơn độc, có thể kết hợp. Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và tự dùng thuốc điều trị. Bởi vì, làm như vậy bệnh không khỏi và nhiều trường hợp bệnh nặng thêm, nguy hiểm thêm. Ngoài ra, nếu bị bội nhiễm vi khuẩn, cần được xét nghiệm nuôi cấy để biết loại vi khuẩn gì, trên cơ sở đó phòng xét nghiệm còn tiến hành thực hiện kỹ thuật kháng sinh đồ nhằm tìm loại kháng sinh thích hợp nhất cho bác sĩ lâm sàng có cơ sở lựa chọn kháng sinh thích hợp điều trị có kết quả cao.
Đây là bệnh lây qua đường tình dục cho nên trong thời gian mang bệnh và sau khi điều trị khỏi hoàn toàn ít nhất là 3 tháng mới nên có quan hệ tình dục để tránh lây cho người vợ (chồng hoặc bạn tình) hoặc phải dùng bao cao su đúng quy cách, an toàn.
Ngoài ra những người đã mắc bệnh sùi mào gà do quan hệ tình dục với đối tượng không rõ lai lịch cũng nên chủ động đi làm xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C, HIV, giang mai, lậu, bởi vì, đây là những bệnh có thể gặp lây qua đường sinh dục, tiết niệu. Hiện nay việc phát hiện các loại bệnh này bằng các “test” chẩn đoán nhanh rất thuận tiện và cũng không tốn kém lắm nhưng lại rất cần thiết.
Nguyên tắc phòng bệnh
Đây là bệnh lây qua đường tình dục, qua da, niêm mạc, cho nên trong thời gian mang bệnh và sau khi điều trị khỏi hoàn toàn ít nhất là 3 tháng mới nên có quan hệ tình dục để tránh lây cho người vợ (chồng hoặc bạn tình) hoặc phải dùng bao cao su đúng quy cách, an toàn.
Những người đang mắc bệnh sùi mào gà (vợ, chồng) nên chủ động tránh tiếp xúc với con, người trong gia đình, nhất là các quần áo, đồ lót, khăn tắm...phải giặt và khử trùng bằng nước đun sôi. Trong cuộc sống sinh hoạt đừng quên vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài hàng ngày bằng nước sạch và xà phòng thích hợp. Không mặc chung quần, áo, nhất là quần áo lót của người mắc bệnh sùi mào gà.
Với các cơ sở y tế, cần vô trùng tuyệt đối dụng cụ, trang thiết bị y tế và vệ sinh, sát trùng bàn tay trước khi làm việc.