Viện Robert Koch (RKI), cơ quan y tế công cộng của chính phủ Đức đã phát hiện ra sự thiếu sót trong thông tin virus 2019-nCoV có thể lây từ người sang người ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng.
Một bài báo xuất bản vào ngày 30/1 trên Tạp chí Y học New England (NEJM) về bốn người đầu tiên ở Đức bị nhiễm virus corona mới đã đưa ra nhận định rằng người bị nhiễm virus corona 2019-nCoV có thể lây từ người qua người ngay cả khi không có triệu chứng.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc trước đó cũng đã đề xuất những người không có triệu chứng có thể truyền virut nhưng không đưa ra bằng chứng rõ ràng.
Tuy nhiên mới đây, Viện Robert Koch (RKI), cơ quan y tế công cộng của chính phủ Đức, đã viết một lá thư cho NEJM rằng thông tin này là thiếu sót.
Người Đức hồi hương từ Vũ Hán, Trung Quốc, đến một doanh trại quân đội vào ngày 1/2 để được kiểm tra các dấu hiệu nhiễm vi-rút coronavirus mới. Ảnh: FRANK RUMPENHORST
Bài báo đăng tải trên NEJM viết rằng một nữ doanh nhân đến từ Thượng Hải, Trung Quốc đã đến thăm một công ty gần Munich, Đức vào ngày 20 và 21/1. Tại đây, người phụ nữ đã gặp gỡ 4 người và cả 4 người sau đó đều bị ốm, xét nghiệm dương tính với virus corona mới. Điều quan trọng là vào thời điểm đó, người phụ nữ không có biểu hiện mắc bệnh nào nhưng sau đó cô đã có dấu hiệu bị ốm khi trên chuyến bay trở về Trung Quốc. "Việc những người không có triệu chứng là nguồn lây nhiễm virus 2019-nCoV tiềm năng có thể sẽ khiến các chuyên gia phải đánh giá lại các động lực truyền bệnh trong đợt dịch này.", bài báo viết.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã không thực sự nói chuyện với người phụ nữ trước khi họ xuất bản bài báo. Tác giả của bài báo, Michael Hoelscher thuộc Trung tâm Y tế Đại học Ludwig Maximilian nói rằng bài báo dựa trên thông tin từ bốn bệnh nhân khác: "Họ nói với chúng tôi rằng bệnh nhân đến từ Trung Quốc dường như không có bất kỳ triệu chứng nào."
Nhưng thực tế, người phụ nữ đã có triệu chứng bệnh khi ở Đức. RKI và Cơ quan An toàn Thực phẩm và Sức khỏe của bang Bavaria đã nói chuyện với bệnh nhân đến từ Thượng Hải qua điện thoại, và hóa ra người phụ nữ đã có dấu hiệu bệnh khi ở Đức. Trong thời gian ở Đức, người phụ nữ đã cảm thấy mệt mỏi, bị đau cơ và phải uống paracetamol (một loại thuốc hạ sốt.)
Người phát ngôn của RKI xác nhận rằng họ đã gửi bức thư báo lỗi tới NEJM. RKI cũng thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan đối tác châu Âu về thông tin mới này.
Chuyên gia virus học Christian Drosten của Bệnh viện Đại học Charité ở Berlin - người đã tham gia vào việc phát hiện ra thiếu sót này cho biết: "Các chuyên gia viết bài báo cảm thấy rất tệ khi đã để thông tin thiếu sót này diễn ra, nhưng tôi nghĩ không ai có lỗi cả. Rõ ràng việc liên lạc với người phụ nữ khá khó khăn và các chuyên gia cảm thấy cần phải mau chóng truyền đạt thông tin nhanh chóng để cảnh báo mọi người."
Tác giả Hoelscher cũng đồng ý rằng bài báo nên rõ ràng hơn về nguồn gốc thông tin về sức khỏe của người phụ nữ. "Nhu cầu chia sẻ thông tin nhanh nhất có thể, cùng với sự thúc đẩy của NEJM để xuất bản sớm đã tạo ra rất nhiều áp lực," ông nói.
Mặc dù bài báo trên tạp chí NEJM còn thiếu sót và chưa đầy đủ nhưng việc virus 2019-nCoV có thể truyền từ người sang người ngay cả khi không có triệu chứng vẫn có thể xảy ra.
Thực tế là bài báo đã sai không có nghĩa là truyền từ những người không có triệu chứng không xảy ra. Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ cho biết: "Tôi đã gọi điện cho một trong những đồng nghiệp của tôi ở Trung Quốc, một nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm và y tế rất được kính trọng. Anh ấy nói rằng anh ấy tin việc truyền bệnh ở những người không có triệu chứng có thể xảy ra. Dù vậy, việc lây truyền này sẽ chỉ rất nhỏ."