Quan niệm “một quả cà, ba thang thuốc” là sai bét, cà chỉ độc khi ăn theo những cách này

Ngày 06/09/2019 12:30 PM (GMT+7)

Nếu cà được chế biến chín, đúng cách và ăn vừa đủ sẽ không gây hại cho sức khỏe như mọi người thường vẫn nghĩ.

Lâu nay nhiều người vẫn thường quan niệm rằng “một quả cà, ba thang thuốc”, ngụ ý muốn nói về việc khi ăn cà sẽ có những nguy hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia về thực phẩm, dinh dưỡng đều cho rằng quan niệm trên là không có căn cứ khoa học.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết, từ xưa đến nay quả cà pháo là loại thực phẩm quen thuộc của người dân và được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Thậm chí, quả cà còn đi vào thơ ca với món “cà dầm tương”. Không chỉ là loại thực phẩm đơn thuần, nếu biết sử dụng cà pháo còn là một vị thuốc với nhiều công dụng.

Trong đông y, cà pháo vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tán huyết, tiêu viêm, chỉ thống, nhuận tràng, lợi tiểu, trị thũng thấp độc, trừ hòn cục trong bụng, ho lao. Theo đó, cứ 100g cà pháo cung cấp 1,5g protein (có đủ các acid amin cần thiết cho cơ thể), 12mg canxi, 0,7mg sắt, 18mg magiê, 16mg phospho, 22,1g mg kali, 0,3mg kẽm. Ngoài ra nó còn chứa cả đồng và selen là các vi khoáng quý.

Quan niệm “một quả cà, ba thang thuốc” là sai bét, cà chỉ độc khi ăn theo những cách này - 1

Quả cà có nhiều tác dụng nếu biết cách chế biến đúng cách. 

Nhiều loại vitamin như tiền vitamin A, vitamin C (3mg/100g), vitamin B1, B2, PP cũng có trong cà pháo. Riêng phần hạt cà đúng là có nhiều sợi lông nhỏ nên có thể là nguyên nhân gây ho. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào công bố về tác hại này. Cà pháo còn có một lượng sitosterol, tuy không đáng lưu tâm nhưng lại có solanin độc. Quả cà chưa chín có nhiều solanin hơn quả chín.

Còn PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về công nghệ thực phẩm) cũng cho rằng, quả cả được chế biến theo cách nấu chín thì không gây độc hại gì, còn muối cà theo cách dân gian, đảm bảo vệ sinh và ăn đúng lúc, không lạm dụng ăn quá nhiều thì cũng không gây hại cho sức khỏe. Bởi vậy, thông tin “một quả cà bằng ba thang thuốc” là không đúng.

PGS Thịnh cho biết, cà chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe khi ăn xổi. Có nghĩa là cà vừa muối xông vẫn còn vị cay và hăng nồng. Khi đó, hàm lượng nitrat bị chuyển hóa thành nitrit do vi sinh vật có trong nước dưa cà muối tác động.

Quan niệm “một quả cà, ba thang thuốc” là sai bét, cà chỉ độc khi ăn theo những cách này - 2

Theo PGS Thịnh, cà muối xổi, ăn sống rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Khi vào dạ dày, dưới tác động của môi trường dạ dày, nitrit sẽ kết hợp với các acid amin trong thực phẩm như cua, tôm, cá, thịt, nhất là mắm tôm và trở thành nitrosamine - một chất có khả năng gây ung thư dạ dày. Còn trong trường hợp cà muối đủ thời gian, đủ độ chua thì lượng nitrit giảm xuống rất nhanh, hạn chế gây hại sức khỏe. Bởi vậy, người dân không nên ăn cà muối xổi.

Một vấn đề nữa mà PGS Nguyễn Duy Thịnh đã cảnh báo rất nhiều lần, đó là việc muối dưa, muối cà bằng những vật dụng không đảm bảo. “Tôi ra chợ nhìn cảnh dưa muối, cà muối được tiểu thương ngâm trong những vỏ thùng sơn mà hãi hùng. Điều đó cực kỳ nguy hiểm, vì thùng sơn không phải là vật dụng đựng thực phẩm, nhất là loại đồ ăn ăn trực tiếp như dưa, cà muối. Đây thực sự là một mối hiểm họa cho sức khỏe mà nhiều người vẫn nghĩ là chi tiết nhỏ nên bỏ qua”, PGS Thịnh cảnh báo.

Ngoài ra, việc muối cà vào những vại sành, sứ làm từ nguồn đất nung có nhiễm kim loại nặng cũng không nên sử dụng. Bởi nước cà muối có thể bị nhiễm chì, thủy ngân khi ăn vào có thể gây ngộ độc, hoặc tích tụ dần trong cơ thể rồi phát sinh bệnh.

Một vấn đề nữa người dân cũng cần phải chú ý, đó là cà muối thường rất mặn, trong trường hợp không bị khú, có váng thì cũng không nên ăn nhiều. Bởi để muối hoặc bảo quản bất kỳ loại thực phẩm nào bằng việc ngâm muối, lượng muối trong đó cần ít nhất 5%. Nếu ăn quá nhiều cà muối có nghĩa là đã nạp một lượng lớn natri vào cơ thể, làm tăng nguy cơ cao huyết áp và nhiều nguy cơ khác cho sức khỏe.

Không nên ăn cà khi:

- Cà muối xổi vẫn chưa đủ độ chín, độ chua.

- Cà muối có hiện tượng bị khú, nổi váng trắng.

- Không nên ăn quá nhiều cà dù được nấu chín hay muối.

- Không ăn cà được chế biến, đựng ở vỏ thùng sơn, vại sành làm từ đất nung.

- Không ăn cà khi nghi ngờ có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.

- Không ăn cà khi người có người mới đau dậy, suy nhược.

- Không ăn cà sống.

Sai lầm tai hại khi ăn cà muối khiến bạn rước bệnh vào người
Chuyên gia công nghệ thực phẩm Nguyễn Duy Thịnh chỉ ra những sai lầm khi ăn cà muối có thể rước bệnh.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh