“Bánh trung thu có chất lượng “không đến nỗi nào” ở làng nghề (như Hoài Đức) giá 58 nghìn đồng/hộp, nhưng khi bán trên thị trường đội lên 150 nghìn đồng/hộp”.
Đây là thông tin đưa ra bởi ông Nguyễn Đắc Lộc – Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội, tại cuộc giao ban báo chí chiều 3/9 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức.
Giá đội lên 300%
Ông Lộc cho biết, qua kiểm tra giá cả mặt hàng bánh trung thu thấy rằng, giá cả tại “gốc” - nơi sản xuất bánh và ngoài thị trường có sự chênh lệch lớn. Ví dụ, tại các làng nghề (như huyện Hoài Đức), giá bán một chiếc bánh trung thu 300g, chất lượng “không đến nỗi nào”, có bao bì... 58 nghìn đồng/hộp. Trong khi đó, loại bánh tương đương có thương hiệu, giá đội lên gấp 300% từ 150 – 170 nghìn đồng/hộp.
Theo ông Nguyễn Đắc Lộc bánh trung thu ở Hoài Đức so với các loại bánh khác trên thị trường không khác nhau nhiều về chất lượng và nguyên liệu đầu vào. Nhưng bánh ở Hoài Đức dường như chưa được quan tâm đến mẫu mã và bao bì. Thậm chí, chiếc bánh to, bao bì nhỏ, tạo cảm giác chật chội, không bắt mắt.
Ông Nguyễn Đắc Lộc – Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội, tại cuộc giao ban báo chí chiều 3/9
Theo vị lãnh đạo Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, giá trị bánh trung thu hiện nay chứa nhiều yếu tố thương hiệu, người tiêu dùng đang phải trả giá cho thương hiệu.
“Khi thăm bạn bè, không thể mang bánh Hoài Đức đến mà phải dùng bánh có thương hiệu, mặc dù biết, chưa chắc người bạn sử dụng bánh”, ông Lộc ví dụ.
Tại cuộc họp giao ban, PV nêu ra một số loại bánh trung thu xa xỉ, trong hộp bánh kèm theo chai rượu. Giá cho loại bánh trung thu này lên tới cả chục triệu đồng/hộp. Vậy khi bày bán, các doanh nghiệp có đăng ký giá cả hay không? Đây là bán bánh trung thu hay bán rượu?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đắc Lộc cho hay, không chỉ năm nay, từ nhiều năm trước đã có loại bánh trung thu xa xỉ và có kèm theo rượu.
Nếu bán rượu phải có hóa đơn đầu vào, tem nhập khẩu, cửa hàng chấp hành những quy định kinh doanh rượu... Nhưng khi đội quản lý thị trường đến xử lý, chủ của hàng cho biết chỉ có một gói làm mẫu cho đẹp.
Tạm giữ 626 chiếc bánh Trung thu để giám định chất lượng
Cũng tại buổi giao ban, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội thành lập 6 đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra bánh trung thu.
Chiều ngày 30/8, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm của cửa hàng kinh doanh bánh trung thu Kinh Đô trên phố Bạch Mai (đối diện số nhà 516 phố Bạch Mai) như: Nền khu vực kinh doanh có nhiều bụi bẩn, hàng hóa để cách nền không đảm bảo… nhân viên bán hàng không xuất trình được giấy phép kinh doanh... Đồng thời phát hiện tại cửa hàng này có 28 thùng hàng bột ngũ cốc, bánh vừng dừa, bánh Asean với trọng lượng 96kg, tổng giá trị 2,5 triệu đồng đã hết hạn sử dụng từ năm 2010, 2011.
Cửa hàng này bị phạt 1,9 triệu đồng và buộc tiêu hủy số hàng quá hạn sử dụng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đắc Lộc cho biết, từ đầu tháng 8/2013 đến nay, các đội quản lý thị trường đã xử lý 8 vụ vi phạm, phạt 9,4 triệu đồng và tạm giữ 626 bánh Trung thu các loại để giám định chất lượng.
Phần lớn các vi phạm trong sản xuất là không ghi định lượng hoặc không đủ định lượng, kinh doanh bánh Trung thu không sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động trong chế biến thực phẩm, vi phạm quy chế ghi nhãn hãng hóa.
Đặc biệt, còn nhiều điểm kinh doanh bánh trung thu không được Sở Giao thông Vận tải cấp phép, vẫn chiếm vỉa hè kinh doanh.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đắc Lộc lưu ý người mua hàng chú ý đến hạn sử dụng của loại bánh Trung thu được sản xuất tại các khách sạn đang bán nhiều trên thị trường. Đặc điểm của loại bánh này là có giá cao (trên 1 triệu đồng/hộp) nhưng thời gian sử dụng lại hết sức ngắn (từ 3 đến 7 ngày).