Cụ bà 76 tuổi miệt mài chạy xe ôm nuôi cháu mồ côi: Cuộc đời giống một cuốn phim buồn

Ngày 15/06/2019 06:00 AM (GMT+7)

44 năm ròng chạy xích lô, xe ôm nuôi con nuôi cháu, để giờ đây khi đã ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Nguyệt vẫn phải đau đáu nỗi lo cơm gạo từng ngày.

Cuộc đời giống như một cuốn phim buồn

Sinh ra và lớn lên tại một xã nghèo ở Bạc Liêu, bà Võ Thị Thu Nguyệt (76 tuổi) trải qua tuổi thơ đầy bất hạnh khi mẹ qua đời từ khi bà còn rất nhỏ. Ngày mẹ mất, cha bà bồng bế 2 đứa con gái đi lang bạt khắp nơi kiếm sống. 11 tuổi, bà Nguyệt đã phải “ở đợ mướn” cho gia đình giàu để kiếm tiền. Lớn hơn, bà đi bốc vác ở cảng.

Nơi hàng trăm chuyến tàu ngày ngày vào ra neo đậu cũng là bến bờ neo cuộc đời của người đàn bà bất hạnh bên người kỹ sư sửa chữa tàu biển. Bắt gặp thấy nhau bằng ánh mắt, thương nhau qua những cái nhìn và rồi họ chọn nhau như việc chọn thêm một nét vẽ sáng, điểm tô cho cuộc đời khốn khó xám xịt của mình, dù chưa từng có một đám cưới nào diễn ra.

Cụ bà 76 tuổi miệt mài chạy xe ôm nuôi cháu mồ côi: Cuộc đời giống một cuốn phim buồn - 1

Bà Nguyệt kể về cuộc đời truân chuyên của mình.

Tìm được chiếc cọc để bấu víu giữa biển cả của những bất hạnh đau thương, cứ tưởng cuộc đời bà Nguyệt đã bước sang một trang mới. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, niềm vui chưa kịp trọn vẹn thì nước mắt đã vội chen chân. Nỗi đau mất đứa con gái thứ 2 ngay lúc con chào đời chưa kịp nguôi ngoai, không lâu sau đó, chồng bà cũng không trở về sau một chuyến công tác dài lênh đênh trên biển. “Những ngày đầu không liên lạc được, tôi cũng ráng trông, ráng chờ. Nhưng 44 năm rồi, tôi chờ mãi, ông ấy cũng có về đâu. Cả việc ông ấy còn sống hay đã chết tôi cũng không biết nữa”, người phụ nữ bất hạnh bật khóc.

Chồng mất tăm từ sau ngày giải phóng, hơn 30 năm ròng bà ở vậy một mình nuôi đứa con trai và người cha già yếu. “Một thời gian dài tôi tiếp tục bốc vác ở cảng, sức khỏe yếu hơn thì xin đi chạy xích lô, chạy xe ôm kiếm sống. Việc gì đàng hoàng mà có tiền thì tôi đều xin làm, miễn sau nuôi được con và phụng dưỡng cha già”, bà Nguyệt bộc bạch.

Cụ bà 76 tuổi miệt mài chạy xe ôm nuôi cháu mồ côi: Cuộc đời giống một cuốn phim buồn - 2

Căn phòng hẹp, ẩm thấp là nơi trú ngụ của 2 bà cháu bà Nguyệt.

Cha qua đời, mọi tình thương trên cuộc đời bà dồn hết cho người con trai bất hạnh mồ côi. Lớn lên, bà dựng vợ cho con, đứa cháu nội trai ra đời trong niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ và người bà cả đời bất hạnh. Thế nhưng số phận như giỡn cợt trên nỗi đau của người phụ nữ tuổi đã ngoài 60 khi con trai bà được phát hiện có khối u ở não.

Gần 8 tháng ròng nuôi con trong bệnh viện, nỗi đau của người làm mẹ dường như dâng lên đến tột cùng khi lần thứ 2 bà phải chứng kiến cảnh con mình ra đi: mái đầu bạc nghẹn ngào tiễn người đầu xanh.

Cứ tưởng cuộc đời đã quá nghiệt ngã khi nhấn chìm bà trong biển đau thương hết lần này đến lần khác thì ít lâu sau ngày con trai mất, con dâu bà cũng bỏ đi, để đứa cháu nội vừa thôi nôi được ít ngày ở lại.  “Ngày xưa chạy xe ôm nuôi con lớn, con chết, tôi lại tiếp tục chạy xe ôm để nuôi cháu nội. Từ đó đến nay,  đã 12 năm rồi”, bà cười - nụ cười chua chát nhưng tận sâu bên trong hình như có vết thương nào đó vừa khẽ cựa mình.

Cụ bà 76 tuổi miệt mài chạy xe ôm nuôi cháu mồ côi: Cuộc đời giống một cuốn phim buồn - 3

Trần nhà đặc những mảnh giấy, nilon chắp nối.

Nếu ví cuộc đời như một cuốn phim, thì với bà Nguyệt, đó là cuốn phim buồn và nhuốm màu nước mắt. 76 năm qua, chưa một giây phút nào bà thảnh thơi. Cuối đời người phụ nữ với gương mặt khắc khổ vẫn làm bạn với những cơn đau thường trực và gánh nặng cơm áo gạo tiền mỗi ngày vẫn đè nặng trên vai.

“Con ráng học, lỡ đâu…”

11 năm ròng từ ngày còn ẳm trên tay, đến nay cháu nội bà Nguyệt đã tròn 12 tuổi. Cũng là ngần ấy thời gian bà một mình vừa làm cha, vừa làm mẹ, gồng gánh nuôi đứa cháu đáng thương.

Cách đây 4 năm, bà Nguyệt nguy kịch vì một cơn nhồi máu cơ tim bất thình lình. “Gia tài cả đời dành dụm được một căn nhà nhỏ định bụng để dành cho cháu nội cũng dứt áo bán đi vì nợ tiền thuốc men. Dường như Chúa chưa cho tôi chết nên sau lần ấy tôi may mắn được cứu sống. Từ đó hai bà cháu dắt díu nhau đi ở nhà thuê”, bà Nguyệt kể.

Cụ bà 76 tuổi miệt mài chạy xe ôm nuôi cháu mồ côi: Cuộc đời giống một cuốn phim buồn - 4

Bịch thuốc bà Nguyệt vừa đi khám và được cấp tại Bệnh viện.

Cụ bà 76 tuổi miệt mài chạy xe ôm nuôi cháu mồ côi: Cuộc đời giống một cuốn phim buồn - 5

Tay chân bà sưng vù vì biến chứng của bệnh thận.

Bước vào căn phòng trọ nhỏ chưa đầy 9 mét vuông nằm ở cuối dãy,  khuất sâu trong 2 hẻm ở quận 4 -  nơi 2 bà cháu che mưa che nắng, nhiều người sẽ không khỏi ái ngại vì mùi ẩm mốc của căn phòng và lối đi chật hẹp, phải cúi thấp đầu mới vào được bên trong. Theo lời kể của bà Nguyệt, căn phòng này bà thuê với giá 1,7 triệu mỗi tháng, vì là căn thấp nhất của dãy nên mỗi khi mưa xuống, nước sẽ đổ dồn về đây.

“Mấy khi tát nước hoài mà không hết, cháu nội tôi than thở và nói con không tát nữa đâu, tát bao nhiêu thì tràn vào bấy nhiêu. Trần nhà thì dột ở đâu tôi bắc thang lót nilon tới đó. Mỗi khi mưa đến, sợ nhất là dây điện ở trong nhà”, bà Nguyệt vừa nói vừa chỉ tay về phía bậc cửa thấp với những ô gạch dưới nền đã dần bong tróc theo thời gian và trần nhà nham nhở các tấm nhựa chắp vá.

Cụ bà 76 tuổi miệt mài chạy xe ôm nuôi cháu mồ côi: Cuộc đời giống một cuốn phim buồn - 6

Hình ảnh cụ già chạy xe ôm công nghệ khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Bà Nguyệt cho biết 3 năm trở lại đây, vì chạy xe ôm đón khách khó khăn nên bà quyết định mua một chiếc điện thoại thông minh để chạy xe ôm công nghệ. Lúc trước bà từng bị một hãng xe khóa tài khoản vì “để khách chở”.

Kể về sự việc “dở khóc dở cười” này, bà Nguyệt kể, hôm đó có một cô giáo đặt xe trên ứng dụng và bà đến đón . Vị khách yêu cầu đến chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10) để mua hoa về cúng nhân ngày giỗ nội. “Vì cô ấy bận áo dài trắng nhưng lại mua nhiều hoa, không tiện ôm hoa nên ngỏ lời chở tôi để tôi ngồi sau ôm hoa giúp. Không lâu sau đó hãng xe phát hiện và khóa tài khoản của tôi. Lúc ấy tôi chỉ biết cười trừ vì mình có lỗi thật mà”, bà Nguyệt vừa cười vừa nói.

Gần 80 tuổi, mắt mờ, tai nghe kém nên việc tiếp cận với công nghệ là một khó khăn đối với bà Nguyệt. “Nhiều khi khách đặt xe rồi nhắn tin tới nhưng tôi cũng không xem được, lướt một hồi loạn xạ cả lên, gặp khách khó chịu thì họ điện thoại bảo hủy chuyến, thậm chí trách móc. Có mấy lần tôi chở khách say xỉn hay mấy cô gái trẻ, họ cứ hối tôi chạy nhanh lên nhưng tôi thì không quen chạy xe ẩu, thế là họ vào đánh giá tôi này nọ, phản ánh lên tổng đài. Nhưng đó chỉ là số ít thôi, khách hàng thấy tôi lớn tuổi nên cũng thương và cư xử đàng hoàng lắm”, nữ tài xế xe ôm 76 tuổi cho biết.

Nói tới đây, bà Nguyệt đưa tay lên ôm ngực và ho một tràng dài. Bà bảo từ sáng tới giờ chỉ chở được một chuyến rồi sau đó về nhà nghỉ vì thấy trong người không khỏe. Với tay lấy bịch thuốc to được để cạnh chiếc bàn gỗ, bà Nguyệt bảo đây là thuốc tiểu đường, thận và tim mạch bà mới được phát hồi tuần trước. “Tháng nào tôi cũng phải vào bệnh viện để khám và lấy thuốc vì dạo này sức khỏe yếu, hay mệt lắm. Mấy ngày nay không nuốt nổi cơm nên phải ăn cháo. Hôm nào khỏe thì nấu cơm, còn mấy hôm tôi mệt hay phải chạy xe liên tục thì tôi mua hộp cơm 20 nghìn đồng và 3 nghìn cơm thêm để 2 bà cháu cùng ăn”, vừa dùng muỗng khuấy nhẹ nồi cháo đang sôi sùng sục trên bếp, bà Nguyệt vừa kể.

Gần 80 tuổi, ở bên kia sườn dốc của cuộc đời, thế nhưng có lẽ chưa một ngày nào bà Nguyệt được nghỉ ngơi. Những nỗi lo cơm áo, gạo, tiền cứ đeo đẳng cuộc đời bà từ lúc tóc xanh cho đến ngày tóc bạc. 2 lần hạnh phúc đón những đứa con chào đời cũng là ngần ấy lần bà tưởng chết đi sống lại khi tận mắt chứng kiến cảnh con rời bỏ mẹ mà đi. Gần 80 tuổi, người phụ nữ vẫn canh cánh nỗi lo toan về đứa cháu vừa chào đời đã không còn cha và cũng không có mẹ. Bà kể nhiều đêm nằm cạnh cháu, bà vẫn thường hay thủ thỉ: “Con ráng học, lỡ đâu…”, nói tới đây, nước mắt bà lăn dài.

Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả đến hoàn cảnh của gia đình bà Võ Thị Thu Nguyệt xin liên hệ SĐT: 0382666967 (bà Nguyệt)

Hoặc thông qua số tài khoản 105868791588, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), chi nhánh TPHCM.

Chủ tài khoản Võ Thị Thu Nguyệt.

Xin chân thành cảm ơn!

Mẹ ung thư nằm viện, con trai ngày ăn nhờ hàng xóm, tối ngủ nhờ nhà thầy giáo
Đều đặn mỗi thứ 6 hàng tuần khi con học xong ở trường, chị Mai lại gọi xe ôm chở bé Khôi từ Bình Tân lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - nơi mẹ đang nằm...
YẾN NHI
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động