Nghe tên chắc chắn ai cũng sợ khiếp vía nhưng thực chất đây là món đặc sản độc nhất chỉ có ở An Giang, giá vô cùng đắt đỏ.
Vùng đất An Giang được xem là nơi đầu nguồn của miền Tây sông nước nên có đa dạng các món đặc sản nổi tiếng. Trong các loại khô (khô cá sặc rằn, khô cá lóc, khô cá chạch…), thì ngon nhất là khô rắn ở xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, An Giang).
Khô rắn - cái tên chắc hẳn ai nghe thấy cũng "rùng mình" bởi con rắn là loài đáng sợ. Thế nhưng, nó được ca ngợi như thứ đồ nhậu đặc biệt có thể chiều lòng thực khách khó tính nhất.
Khô rắn là đặc sản nổi tiếng An Giang, giá vô cùng đắt đỏ
Được biết, khô rắn có nguồn gốc từ Campuchia, được bà con ở vùng biên giới Tây Nam điều chỉnh lại cho phù hợp với khẩu vị Nam Bộ. Những loại rắn nước, rắn bông súng, rắn bông lau... theo mùa nước nổi được người dân đánh bắt để làm khô rắn, lúc này rắn được đánh giá là ngon, ngọt và chất lượng nhất.
Theo khảo sát, trên chợ mạng và các sàn thương mại điện tử, khô rắn được bán với giá dao động từ 300.000 – 500.000 đồng/kg.
Khi nghe tên, nhiều người thấy sợ khiếp vía nhưng khi ăn vào thì sẽ ghiền
Anh Tuyên - người bán đặc sản miền Tây trên chợ mạng cho biết mặt hàng này rất đắt khách, không lo ế bởi nhiều người mua để thưởng thức, mua làm quà tặng cho người thân, bạn bè. "Vì khô rắn được làm hoàn toàn từ rắn tự nhiên nên sản phẩm này khá ít. Khách hàng đặt không đúng lúc có hàng sẽ phải chờ khá lâu", anh Tuyên nói.
Theo anh Tuyên, khi rắn đồng đươc bắt về, người dân sẽ cắt tiết, loại bỏ hết phần da và xương, chỉ còn lại thịt và tẩm ướp gia vị. Sau đó, họ sẽ phơi ngoài nắng để cho vừa khô rồi đem đóng gói để bán cho khách.
Ước tính 11-12 kg rắn sống sẽ làm được 1 kg rắn khô.
"Mỗi công đoạn đều có những yêu cầu nhất định, không phải ai cũng làm ra món khô rắn ngon. Món ăn này đòi hỏi phơi nắng xong thịt rắn vừa khô vừa mềm, không có mùi tanh và vẫn giữ được độ tươi của nó. Để làm miếng khô rắn ngon, đẹp mặt và chất lượng, người làm buộc phải có tay nghề cao, kinh nghiệm lâu năm", anh Tuyên chia sẻ.
Khô rắn cần phơi khô dưới nắng giòn chừng 2-3 ngày. Khâu phơi rất quan trọng, quyết định tới độ tươi ngon thành phẩm. Nếu không may mẻ khô gặp phải thời tiết âm u dễ bị chua. Dưới nhiệt lượng đều của ánh nắng, từng thớ khô kết lại thành khối, cầm dẻo tay. Thành phẩm đạt yêu cầu có màu hồng tự nhiên. Ước tính 11-12 kg rắn sống sẽ làm được 1 kg rắn khô.
Khâu phơi rất quan trọng, quyết định tới độ tươi ngon thành phẩm
Ngoài lấy thịt làm khô, nơi đây còn làm các loại rắn nguyên con phơi khô, với giá bán từ 200.000 đến 300.000 đồng/kg, chủ yếu phục vụ ngâm rượu.
Cũng bán khô rắn trên chợ mạng, chị Hòa An (ở An Giang) cho biết giá khô rắn bán bình quân từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg, trong dịp Tết giá có thể tăng lên 350.000 - 500.000 đồng/kg nhưng không có hàng đáp ứng. Khô rắn có thể làm nhiều món khác nhau, mỗi món lại mang hương vị đặc biệt như khô rắn nướng, gỏi khô rắn và khô rắn chiên. Trong đó, món khô rắn nướng được nhiều người ưa chuộng nhất, đặc biệt là dân nhậu.
Chị Hòa An tiết lộ, khô rắn đạt chất lượng phải vừa ăn, không quá ngọt. Cách bảo quản khô rắn cũng như các loại thực phẩm khô khác, người tiêu dùng cần gói kín, để trong ngăn mát tủ lạnh có thể để được trong vòng vài tháng.