Loại quả dại này trước có đầy ở các tỉnh miền Tây, nay được chị em ưa chuộng, trở thành đặc sản ở thành phố.
Quả dâu da xoan còn được gọi là quả xoan đào, châm châu, dâm bôi… là một chi thực vật có hoa thuộc họ Phyllanthaceae. Cây được tìm thấy từ Indonesia cho đến phía Tây Thái Bình Dương, đặc biệt ở các nước Trung Quốc (Hải Nam), Thái Lan, Lào, Việt Nam... Ở Việt Nam, loại trái này xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Tây, được bà con trồng làm cây ăn trái hoặc ở các trường học, trên các đường phố để làm bóng mát, tạo vẻ đẹp cảnh quan.
Cây dâu da xoan được bà con trồng làm cây ăn trái hoặc ở các trường học, trên các đường phố để làm bóng mát, tạo vẻ đẹp cảnh quan
Cây dâu da là loài cây thân gỗ nhỏ, ưa ánh sáng, nhiều cành lá. Lá thuộc dạng lá kép lông chim, mọc so le và có màu xanh. Hoa nhỏ, mọc thành từng chùm ở vị trí đầu cành và có màu trắng. Mùa hoa dâu da xoan nở rộ vào tháng 7, tháng 8 và cho quả ăn vào tháng 9 – 11 dương lịch hàng năm.
Quả dâu da xoan khi non có màu xanh, ăn có vị chua, khi chín chuyển sang màu vàng cam hoặc đỏ, ăn vào có vị chua ngọt và mùi thơm hấp dẫn. Quả mọc thành từng chùm, kích thước mỗi quả bằng đầu ngón tay trỏ, vỏ quả hơi sần sùi, lồi lõm.
Quả dâu da khi chín chuyển sang màu vàng cam hoặc đỏ, ăn vào có vị chua ngọt và mùi thơm hấp dẫn
Không biết loại quả này đã có mặt từ bao đời và tại sao lại được đặt cho cái tên “dâu da”, chỉ biết chúng là loại quả dại, thường xuất hiện ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long với hình dáng nhỏ nhắn đáng yêu, từ lâu đã gắn bó với ẩm thực của người dân nơi đây. Cây dâu da đã in vào ký ức những kỷ niệm thật đẹp trong tuổi thơ của những đứa trẻ con lớn lên ở miền Tây. Vị dâu da chua chua, ngọt ngọt giản dị, đơn sơ nhưng là thức quà vặt vô giá của trẻ con lúc bấy giờ.
Câu chuyện về “hạt dâu da" cũng là ký ức khó quên của nhiều người. Tuy phần thịt dâu da cũng đầy đặn, mọng nước nhưng phần hạt của nó cũng bự không kém. Và chỉ mỗi việc ăn dâu có nuốt được hạt hay không cũng là điều gây không ít tranh cãi cho bao người. Đặc biệt là khi còn nhỏ, đứa bạn của tôi kể đã bị mẹ "hù dọa" là nuốt hạt dâu sẽ bị cây mọc trong dạ dày. Thực tế là vì sợ trẻ con ăn phải sẽ khó tiêu hóa hay mắc nghẹn trong cuống họng.
Theo thời gian, dâu da từ loại quả dân dã đời thường đã trở thành đặc sản miệt vườn được người thành thị yêu thích. Thậm chí, vào mùa sai trái, vườn dâu da tại các tỉnh miền Tây luôn hút khách tham qua. Theo chú Huân - một chủ vườn dâu da tại Trà Vinh chia sẻ: "Vài năm qua, các vườn dâu da ở miền Tây cực kỳ thu hút khách du lịch từ khắp nơi đổ về. Thậm chí còn có các tour du lịch cho khách nước ngoài vào vườn vừa ngắm cảnh, vừa hái dâu ăn tại chỗ hoặc mang về tùy ý. Chỉ 50.000 - 60.000 đồng/người mà ta nói ăn dâu thoải mái, đã đời, chán chê rồi mới về!”.
Dâu da trở thành đặc sản được du khách yêu thích khi đặt chân đến vùng đất miền Tây
Trái dâu da cũng trở thành loại trái cây được bày bán rộng rãi tại TP.HCM và các tỉnh lị khác. Các thương lái ở TP.HCM đã về tận các nhà vườn đặt cọc mua trái. Đến ngày thu hoạch, mối lái vào tận vườn cắt dâu, gánh hoặc chở bằng ghe, xe bò ra các bờ đê lớn vận chuyển về TP.HCM tiêu thụ làm rộn rã cả một làng quê vào mùa dâu da chín rộ. Nhờ có trái dâu da, thu nhập và đời sống của người dân tại các tỉnh miền Tây cũng ổn định hơn hẳn.
Từ thức quả dại dân dã, trái dâu da về phố trở thành đặc sản được bán với giá không hề rẻ. Chị Xuân (36 tuổi, TP.HCM) chia sẻ, để được thưởng thức loại quả “nhà nghèo” một thời này chị phải mua với giá 35-50.000đ/kg. Đến mùa, trung bình mỗi ngày, có cửa hàng vẫn bán ra thị trường vài chục cân cho khách ở thành phố.
Không chỉ là loại quả được nhiều người ưa chuộng, dâu da còn được biết đến với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Trong đó nổi bật nhất là việc trong dâu da có một lượng canxi tốt cho răng, giúp ngăn ngừa loãng xương, làm xương chắc khỏe, cực tốt cho các em nhỏ đang trong độ tuổi phát triển…