Theo quy định, việc đánh ghen ngoài đường gây ách tắc giao thông là đã vi phạm pháp luật và có thể sẽ bị xử lý.
Mới đây vụ vợ "bắt sống" chồng ngoại tình và đánh ghen với nhân tình của chồng xảy ra tại phố Lý Nam Đế (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hầu hết mọi người sau khi xem clip đều đã bày tỏ sự phẫn nộ và lên án cô gái trẻ vì đã phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác. Đặc biệt, nhiều người cho rằng việc người chồng đánh vợ, bóp cổ vợ để giải cứu cho nhân tình là hành vi không chấp nhận được, nếu hành động đó gây thương tích cho người vợ thì cần phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện công an phường Cửa Đông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc vì có dấu hiệu vi phạm trật tự công cộng, đồng thời đã báo cáo sự việc lên cơ quan công an quận Hoàn Kiếm.
Vụ đánh ghen đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết nếu theo quy định pháp luật hiện hành, nước ta chưa có văn bản nào quy định về việc cho phép hay không cho phép đánh ghen. Tuy nhiên, nếu việc đánh ghen xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, sức khỏe, tính mạng người khác lại là hành vi vi phạm pháp luật.
Quay trở lại với vụ việc đánh ghen tại phố Lý Nam Đế, luật sư Đặng Văn Cường cho biết hiện các bên chưa lên tiếng nên chưa biết nguyên nhân cụ thể cũng như mối quan hệ giữa họ, mà chỉ có thể bình luận thông qua những hình ảnh, clip chia sẻ trên mạng xã hội.
Đối với người chồng trong vụ đánh ghen: Trong trường hợp người đàn ông có quan hệ yêu đương, bồ bịch ngoài hôn nhân thì đó là hành vi vi phạm đạo đức xã hội. Tuy nhiên trong clip sự việc có tình tiết người chồng dùng tay (cùi chỏ) đánh vợ và bóp cổ vợ để giải thoát cho cô gái. Với hành động này, nếu người vợ có trình báo đề nghị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc giám định thương tích.
Theo đó, quá trình xác minh người phụ nữ có tỷ lệ thương tích thì dù thương tích dưới 11% nhưng hành vi được xác định là có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn thì người đàn ông này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trong sự việc này, người vợ dễ bị xử lý nhất vì gây rối trật tự, làm ùn tắc giao thông.
Đối với người vợ trong vụ đánh ghen: Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng dù được cộng đồng bênh vực, thông cảm nhưng hành vi đánh người, gây náo loạn trên phố, ùn tắc giao thông thì người phụ nữ được cho là vợ này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Hành vi gây rối làm mất trật tự công cộng có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (khoản 3 điều 5).
Vụ việc này xảy ra nơi công cộng, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến sự hoạt động, lưu thông trên đường phố, bởi vậy dù không có đơn thư tố cáo tố giác nhưng qua hình ảnh đăng tải công khai trên mạng xã hội thì cơ quan công an cũng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Đối với cô gái trẻ bị đánh ghen: Luật sư Cường cho rằng, dưới góc độ gia đình và xã hội, nếu chen vào cuộc sống gia đình người khác, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình họ là điều đáng trách. Còn dưới góc độ pháp luật, "người thứ ba" chen vào cuộc sống hôn nhân gia đình của người khác là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân gia đình một vợ một chồng. Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định xử phạt nếu chuyện ngoại tình là lén lút, không công khai, không chung sống như vợ chồng