Đổ xô "mua sắm trả thù" sau giãn cách, đây là những bẫy ngầm chị em cần tránh

H.G - Ngày 15/10/2021 06:55 AM (GMT+7)

Gần đây, khi việc "mua sắm trả thù" sau những ngày giãn cách có xu hướng tăng cao thì chúng ta càng dễ mắc bẫy tâm lý mà những nhà bán lẻ đưa ra. Vì thế, chị em cần có những kế hoạch mua sắm hợp lý để không bị "viêm màng túi".

Đi mua rau nhưng xách về.... hóa đơn tiền triệu vì tâm lý "mua bù" cho bõ

Ai trong chúng ta cũng đôi ba lần dự định chỉ mua vài bó rau rồi về nhưng lại lượn ở siêu thị tới tận vài tiếng đồng hồ. Những món đồ không tên, chưa biết có cần dùng hay không nhưng cứ mua cho thỏa mãn. Tâm lý mua sắm của chị em thì thật khó đoán, giá rẻ là mua, bán theo combo thấy hời sẽ mua, nhìn ngon mắt quyết định mua luôn, cái này ở nhà chưa có cũng mua về dùng thử... 

Đổ xô amp;#34;mua sắm trả thùamp;#34; sau giãn cách, đây là những bẫy ngầm chị em cần tránh - 1

“Mua sắm trả thù” hay "chi tiêu trả thù" (revenge shopping/buying) không phải là một thuật ngữ mới. Điều này ám chỉ những hoạt động mua sắm điên cuồng để làm vơi đi những nỗi buồn hoặc thất vọng nào đó. Ở trong bối cảnh đại dịch, mua sắm trả thù là thuật ngữ chỉ ham muốn mua sắm bù đắp cho thời gian phải chôn chân ở nhà theo quy định giãn cách xã hội. 

Ngày tháng ở nhà, các bà nội trợ, các chị em nhiều người thèm mua sắm đến "phát cuồng". Họ vung tay mua đồ ăn thức uống sau những ngày phải đi chợ online với số lượng mặt hàng ít ỏi, mặt hàng thời trang thì sắm sửa nhiều đến nỗi có thể sang mùa đông năm sau cũng chưa mặc hết.

Trà Giang - một nhân viên văn phòng ở Hà Nội kể: "Trung tâm thương mại mở cửa là 3 ngày liên tiếp mình đi mua sắm. Mua từ mỹ phẩm, quần áo cho đến mấy thứ linh tinh như thảm chùi chân, đồ dùng cho mèo... Hồi trước thì thích đặt hàng qua mạng, giờ chán rồi muốn đi mua trực tiếp hơn. Cảm giác được mua sắm tự do thỏa mãn bản thân lắm". 

Đổ xô amp;#34;mua sắm trả thùamp;#34; sau giãn cách, đây là những bẫy ngầm chị em cần tránh - 2

Giống như Giang, chị Ngọc - một bà nội trợ sống tại Thủ đô cũng hào hứng chia sẻ: "3 tháng giãn cách nhiều khi thèm ăn quả dưa lưới mà mua không được. Những bữa cơm hàng ngày quanh đi quẩn lại có bấy nhiêu món thôi vì cái gì cũng hết, cái gì cũng đắt. Đến lúc siêu thị hoạt động lại, mình thấy cái gì mình cũng mua, mua 3-4 triệu toàn đồ ăn thôi". 

Một nữ sinh viên tên Ngọc Lan cũng đồng cảnh ngộ: "Mấy tháng dịch chi tiêu cũng phải thắt chặt. Nhưng thấy mấy cửa hàng giảm giá tới 70, 80% nên mình vào xem thử. Mua rồi để đó sau này có dịp rồi dùng sau cũng được". 

Làn sóng mua "sắm trả thù" sau đại dịch góp phần vào sự phục hồi kinh tế sau khoảng thời gian ảm đạm. Tuy nhiên việc mua sắm này khiến nhiều người "cháy túi" nhanh chóng khi không kiểm soát được "cơn thèm khát", đôi khi gây ra sự lãng phí không cần thiết. 

Những "cái bẫy ngầm" 

Thường xuyên mua sắm nhưng Trà Giang cũng thừa nhận bản thân luôn vượt mức chi tiêu định sẵn và đem về nhà những vật dụng không cần thiết, mua quá nhiều đồ ăn mà chưa cần dùng đến, sau một thời gian thì hết hạn sử dụng, phải đổ bỏ. 

Mua hàng đồng giá, mua 2 tặng 1, có hàng tặng kèm luôn là một mối nguy với túi tiền của chị em. Nhiều người sẵn sàng mua sắm với số lượng lớn hơn mức cần mà chưa kể đôi khi đồ đi kèm cũng không "ngon ăn" cho lắm. Bên cạnh đó, trong lúc chờ thanh toán, có thể bạn sẽ bị "mắc bẫy", tiện tay bỏ vào giỏ hàng những món đồ được bày biện hút mắt nằm gần đó.

Trong quá trình chọn đồ, bạn cũng cần "cảnh giác" với chiêu đặt sản phẩm giá trị cao ở ngang tầm với, sản phẩm rẻ hơn cùng loại được bày khuất đi, cao hoặc thấp hơn tầm mắt để khách hàng không dễ nhìn thấy. 

Đổ xô amp;#34;mua sắm trả thùamp;#34; sau giãn cách, đây là những bẫy ngầm chị em cần tránh - 3

Một số ngành hàng như thời trang, làm đẹp có xu hướng giảm sâu, giảm mạnh nhưng đây cũng chính là một "mánh" nhỏ dụ dỗ các tín đồ mua sắm. Ở ngoài biển hiệu để giảm giá kịch sàn nhưng khi vào thì chỉ có một vài sản phẩm cũ giảm nhiều, còn lại thì giảm rất ít hoặc không giảm. Thế nhưng, khi đã vào cửa hàng, chẳng mấy ai rời đi tay không.

Luôn có rất nhiều chiêu bài dụ dỗ người tiêu dùng, về lâu về dài chúng ta bị thâm hụt ngân sách chi tiêu, ảnh hưởng đến những kế hoạch mua sắm lớn hơn trong cuộc sống. Vì thế, mọi người hãy tỉnh táo nhìn ra những "cái bẫy" để việc mua sắm là niềm vui, không trở thành gánh nặng. 

Những bí quyết mua sắm thông minh bạn nên tham khảo

Trở thành một người có lối sống mua sắm thông minh không hề khó nếu bạn biết những điều dưới đây và thực hành nó mỗi ngày cho đến khi trở thành một thói quen có ích. 

Đổ xô amp;#34;mua sắm trả thùamp;#34; sau giãn cách, đây là những bẫy ngầm chị em cần tránh - 4

Lên chi tiết danh sách những món đồ cần mua: Chỉ mua những gì đã có kế hoạch giúp bạn không những tiết kiệm được rất nhiều tiền mà còn tiết kiệm thời gian. Mua xong hãy thanh toán ngay lập tức, hạn chế đi dạo vì khả năng bạn sẽ mua thêm những món đồ khác. 

Tạo thói quen không mua sắm theo cảm xúc: Phụ nữ thường bị cảm xúc chi phối, thất tình đi mua sắm, quá vui cũng đi mua sắm, không có việc gì làm cũng muốn đi mua sắm. Chính điều này khiến nhiều người vừa nhận lương tiền đã không còn, các khoản dư trong tài khoản ngày càng hao hụt. Thay vì vung tay mua sắm lúc không kiểm soát được cảm xúc thì hãy tìm đến bạn bè để tâm sự hoặc tìm cho mình những thú vui khác để vơi đi nỗi buồn. 

Chỉ mua hàng giảm giá nếu bạn thật sự có nhu cầu sử dụng: Đồ giảm giá thì ai không thích, nhưng liệu bạn có cần đến nó, hoặc bạn đã sở hữu món đồ này ở nhà. Hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi "xuống" tiền.  

Ưu tiên những sản phẩm chất lượng có độ bền cao: Hạn chế mua những món đồ quá rẻ, kém chất lượng vì bạn sẽ phải chi tiền nhiều lần cho món đồ đó.

Mua hàng online cần kĩ lưỡng, chọn gian hàng uy tín: Nhiều người không tìm hiểu kĩ trước khi mua nên mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. 

10 dấu hiệu của người chi tiêu quá nhiều, bạn có bao nhiêu?
Chi tiêu nhiều hơn mức cần thiết, thậm chí là vượt quá khả năng của mình có thể dẫn đến một số vấn đề rất nghiêm trọng như nợ nần chồng chất và căng...

Bí quyết chi tiêu

H.G
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tiêu dùng thông minh