Từ vụ "Hoàng Tử Gió" tử vong, BS cảnh báo bệnh nam giới tự tử cao gấp 4 lần nữ

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 12/10/2021 14:00 PM (GMT+7)

Nhiều nam giới khi mắc các vấn đề tâm lý không dám chia sẻ hay tìm sự trợ giúp, lại tìm tới những cách giải tỏa nguy hiểm, thậm chí kết liễu mạng sống của mình.

Mới đây, thông tin về Hoàng Đức Nhân (hay còn gọi là Hoàng Tử Gió) tử vong trong tư thế treo cổ cũng khiến nhiều người quan tâm. Hiện nguyên nhân vụ việc đang được điều tra nhưng thông tin từ livestream trên MXH của một người chị thân thiết với "Hoàng Tử Gió" xác nhận, anh tự tử do trầm cảm. Nguồn tin này cũng khẳng định, trước đây Đức Nhân từng có biểu hiện của bệnh này và đã được chăm sóc, điều trị tâm lý. 

Theo người bạn thân thiết của Hoàng Tử Gió, nguyên nhân tự tử của nam thanh niên là do trầm cảm.

Theo người bạn thân thiết của Hoàng Tử Gió, nguyên nhân tự tử của nam thanh niên là do trầm cảm.

Từ trước tới nay, nói tới trầm cảm, nhiều người nghĩ ngay tới bệnh của phụ nữ. Thực tế, nam giới cũng có thể mắc trầm cảm và không ít người đã tìm cách kết liễu đời mình vì chứng bệnh này. 

Năm 2017, người hâm mộ từng sửng sốt trước sự ra đi đột ngột của Kim Jong Hyun, thành viên nhóm nhạc nam nổi tiếng tại Hàn Quốc. Anh đã qua đời vì trầm cảm khi mới 27 tuổi, khi sự nghiệp đang thăng hoa.

Trước đó, trong một lần phỏng vấn vào tháng 5/2017, nam ca sĩ chia sẻ anh đã phải chiến đấu với trầm cảm từ nhỏ. "Tôi không nghĩ mình có thể sống cuộc đời mà phải chịu đựng những cảm giác đau buồn ấy được".

Những bài đăng cuối cùng trên Instagram cá nhân, Jong Hyun đã viết nhiều về sự đơn độc: "Tôi đã nghĩ về cuộc sống, trong bóng tối và một mình. Khi bạn có thể buông bỏ tất cả. Có những tiếng thở dài nhưng nỗi đau sẽ được dừng lại. Tôi cầu nguyện mọi người sẽ không tổn thương. Tôi hi vọng sẽ chỉ có sự an bình".

Vậy trầm cảm ở nam giới có nguy hiểm? Làm sao để nhận biết và tránh được trầm cảm ở nam giới? Tất cả những vấn đề này sẽ được bác sĩ chuyên khoa tâm thần lý giải.

Nam mắc ít hơn nữ, nhưng tỉ lệ tự tử lại cao hơn nhiều

Ths.BS Nguyễn Viết Chung - Khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E Đa khoa Trung ương) cho biết, ai cũng có thể bị trầm cảm và bị ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc ở nam thường thấp hơn so với nữ. Thống kê cho thấy, rối loạn tâm thần ở nam giới chủ yếu rơi vào nhóm nghiện chất, rối loạn hành vi.

Theo BS Chung, tỉ lệ người mắc trầm cảm ở nam giới thấp hơn nữ giới là do: cấu trúc cơ thể nam thường khỏe hơn nữ, sức chịu đựng cũng tốt hơn và phụ nữ đi khám sớm, nhiều hơn nên tỉ lệ sẽ cao hơn.  

“Ngoài các vấn đề nghiện chất dẫn đến trầm cảm. Một số nam giới bị trầm cảm còn liên quan đến thời điểm hoặc tuổi tác. Ví dụ như nam giới ở tuổi về hưu tỉ lệ trầm cảm cao hơn nữ giới, hay thời điểm vợ sinh con, nam giới cũng xuất hiện dấu hiệu trầm cảm vì bị đảo lộn sinh hoạt, áp lực kinh tế…”, BS Chung cho hay.

Một vấn đề BS Chung hết sức lưu ý, khi nam giới có dấu hiệu trầm cảm thường không nhận ra và hay tìm đến các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện hoặc thậm chí là cờ bạc để giải tỏa. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người bệnh, khi quá giới hạn chịu đựng, người bệnh thường tìm đến cách giải thoát là tự tử. Trường hợp đi khám thì đã ở trong tình trạng nặng, việc điều trị khó khăn và lâu dài.

BS Chung cho biết khi nam giới bị trầm cảm thường nhầm lẫn nên không được phát hiện và đưa đi khám sớm.

BS Chung cho biết khi nam giới bị trầm cảm thường nhầm lẫn nên không được phát hiện và đưa đi khám sớm.

“Các nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ nam giới tự tử do bị trầm cảm cao hơn nữ giới gấp 4 lần. Một khảo sát nhỏ với 36 bệnh nhân trầm cảm là nam giới cho thấy, có tới 30 người tự sát hoặc có ý định tự sát. Con số này cao hơn nhiều so với nữ giới. Đáng lưu ý, nguyên nhân tử vong ở nam giới lứa tuổi thanh niên (18 đến 25) do tự sát cao hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác”, BS Chung chia sẻ.

Qua đó có thể thấy, trầm cảm ở nam giới đang chưa thật sự được chú ý đến ngay từ bản thân mỗi người, cũng như gia đình và cộng đồng. Điều này là hết sức nguy hiểm, vì trầm cảm thường âm thầm, rất dễ để lại hậu quả nặng nề.

Tìm đến cái chết vì buồn chán không biết lý do

BS Nguyễn Viết Chung cho biết, ở giai đoạn khởi phát, nam giới bị trầm cảm thường nhẹ và dễ nhầm lẫn với stress. Các dấu hiệu thường là, dễ cáu gắt, bực bội, làm việc khó tập trung… Khi có biểu hiện này, nam giới không đi khám mà thường sử dụng chất kích thần, hút thuốc, uống rượu… để giải tỏa.

Đến khi bị nặng, đa số nam giới sống thu mình, không chia sẻ với ai kể cả bạn thân hoặc những người trong gia đình. Tuy nhiên, vẻ bề ngoài họ lại luôn tỏ ra mạnh mẽ.

BS Chung từng tiếp nhận một bệnh nhân nam 53 tuổi, khi buồn chán, áp lực thường sử dụng rượu, hút thuốc và hay bạo hành vợ. Khi bị bạo hành, người vợ đã ra tòa ly dị, bệnh nhân nhận quyền nuôi con một mình. 

Qúa trình hai bố con sống với nhau, nếu nhìn bề ngoài không ai có thể nhận ra bất thường gì, bởi bệnh nhân vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường. Chỉ đêm về, bệnh nhân hay ngồi một mình, uống rượu, hút thuốc và không chia sẻ với con. 

Khi sự buồn chán lên đến đỉnh điểm, bệnh nhân dùng thuốc diệt cỏ tự tử, rất may được cấp cứu kịp thời nên giữ lại được mạng sống. Qua thăm khám, hội chẩn các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm.

Khi tâm trạng bế tắc, nam giới thường ít muốn thổ lộ, nhờ sự trợ giúp. Ảnh minh họa

Khi tâm trạng bế tắc, nam giới thường ít muốn thổ lộ, nhờ sự trợ giúp. Ảnh minh họa

TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó giám đốc BV Tâm thần ban ngày Mai Hương cũng cho biết, quá trình khám bà từng gặp không ít trường hợp nam giới bị trầm cảm mà không hề hay biết. BS Thu nhớ lại một trường hợp nam bệnh nhân mình từng điều trị, đó là người đàn ông gần 40 tuổi, chủ một doanh nghiệp ở Hà Nội.

Điều hành một công ty đang đà phát triển, doanh số vẫn tăng đều, ông chủ này nhìn bề ngoài rất điềm tĩnh, mạnh mẽ. Tuy nhiên, ít ai biết, trong sâu thẳm suy nghĩ, anh luôn cảm thấy buồn chán, u sầu nên rất ít khi nở nụ cười. Thậm chí, có lúc cảm thấy cuộc sống vô nghĩa lý, trong đầu anh còn xuất hiện ý định tự sát. Tình trạng mất ngủ, sút cân, thường xuyên cảm thấy bất an kéo dài, cuối cùng anh cũng đi khám và điều trị nhiều nơi với các chẩn đoán bệnh lý thể chất khác nhau nhưng không cải thiện.

Khi tiếp anh tại bệnh viện tâm thần, trò chuyện và làm các bài kiểm tra đánh giá, bác sĩ xác định anh bị trầm cảm. Sau một thời gian dùng thuốc và điều trị tâm lý, tình trạng bệnh của anh dần cải thiện, những ý nghĩ muốn kết liễu cuộc sống không còn nữa.

BS Hồng Thu cho biết, lo âu, căng thẳng, buồn chán đôi khi không rõ lý do là dấu hiệu của trầm cảm. Chính vì không rõ lý do nên rất khó để phân biệt, đôi khi nhiều người lại nghĩ là stress thông thường nên không đi khám, điều này làm cho tình trạng càng trầm trọng hơn.

Nam giới trầm cảm tìm đến rượu, chất kích thích để giải tỏa chiếm tỉ lệ rất lớn. (Ảnh minh họa)

Nam giới trầm cảm tìm đến rượu, chất kích thích để giải tỏa chiếm tỉ lệ rất lớn. (Ảnh minh họa)

Khi nào cần đi khám ngay

Từ những trường hợp thực tế trên, BS Chung cho biết, nam giới khi có các dấu hiệu dưới đây cần phải đi khám chuyên khoa tâm thần càng sớm, càng tốt. Tuyệt đối không nên cố tỏ ra mạnh mẽ, không tìm chất kích thích, chất gây nghiện vì sẽ làm tình trạng càng trầm trọng hơn. Cụ thể:

- Khi cảm thấy công việc, các mối quan hệ với gia đình, người quen đi xuống và không được như mong đợi thì phải đi khám để sớm nhận biết mình gặp khó khăn gì để được tư vấn điều trị.

- Không nên tự mua thuốc (thường là thuốc ngủ, thuốc kích thần) để uống. Điều này làm tăng tình trạng nặng hơn. Đặc biệt, giới trẻ hay dùng chất kích thích như ma túy đá, cần sa... dù ban đầu thì thoải mái, nhưng sau đó tình trạng sẽ càng tồi tệ hơn.

- Khi xuất hiện tình trạng đau như khớp, đau đầu không rõ nguyên nhân, mất tập trung, làm việc thiếu động lực, buồn chán không rõ lý do, thậm chí không kèm theo biểu hiện cảm xúc buồn gì… thì vẫn cần đi khám. Bởi chỉ khi đi khám, bác sĩ hỏi - test tâm lý mới biết những cảm xúc như buồn, tủi thân, không muốn tiếp xúc với mọi người... mà trước đó người bệnh không nhận ra.

- Tình trạng mất ngủ, buồn chán kéo dài 2 tuần trở lên là dấu hiệu cần đi khám ngay. Khi bình thường con người vẫn có những biểu hiện buồn chán, lo âu về vấn đề gì đó. Tuy nhiên, biểu hiện này thường sẽ mất đi sau đó vài ngày. Còn nếu kéo dài trên 2 tuần thì đó là dấu hiệu khá rõ ràng của trầm cảm.

Để phòng trầm cảm, cả nam và nữ nên xây dựng lối sống lành mạnh, lịch sinh hoạt khoa học, hợp lý. Luôn cân bằng mọi quan hệ xã hội và hoạt động vui chơi, công việc… Sẵn sàng chia sẻ với người thân, bạn bè xung quanh và đi khám sớm để được phát hiện, điều trị kịp thời khi có các dấu hiệu trên.

BS Chung cũng khuyên mỗi người hãy lưu ý đến nhau và quan sát, hỏi thăm nhau để thấy các dấu hiệu bất thường ở mỗi người và từ đó chia sẻ cũng như động viên nhau đi khám. Bởi người nam giới mắc trầm cảm thường không tự nhận ra được và cũng không muốn biểu hiện ra cho người khác biết. Họ rất cần 1 lời động viên, lời khuyên để bước đến với việc điều trị.

Nữ diễn viên người Nhật trầm cảm vì đóng phim, cưới chồng hơn 24 tuổi
Nổi tiếng không kém gì các diễn viên "phim nóng" Maria Ozawa, Aoi Sora nhưng Saori Hara sớm từ bỏ sự nghiệp vì trầm cảm do đóng phim.

Bệnh trầm cảm

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh lý trầm cảm