Ông Chất cho biết, một đứa bé bị tổn thương về thể xác lẫn tinh thần, sống thiếu tình yêu thương, dạy bảo của cả cha lẫn mẹ, sớm bị rơi vào tổ quỷ, chịu đựng những trận đòn thừa sống thiếu chết, nghe những lời mắng chửi xỉ nhục – không nhìn nhận, hành xử méo mó mới là lạ.
Không bất ngờ
Nhắc đến bạo hành trẻ em, nhiều người nghĩ ngay tới gương mặt Hào Anh sưng húp, nhằng nhịt các vết thương 4 năm về trước. Em bị vợ chồng người chủ đầm tôm (ấp Phú Hiệp, huyện Đầm Rơi, Cà Mau) đánh đập tới tan nát thịt da. Họ tra tấn em với những biện pháp thời trung cổ: đánh bằng dầm bơi, đập vồ lên đầu, còng tay phơi nắng, đá ngã xuống song, dùng bàn là nóng ủi lên người, dùng dùi sắt nung đỏ đâm vào háng, dùng que chọc vào mắt, đổ xà phòng hóa chất lên người gây bỏng, bắt uống nước tiểu, lấy kìm bẻ răng, dứt thịt trên môi…
Hào Anh 4 năm về trước
Em đã chịu đựng cảnh cực hình suốt 2 năm trời, cho đến khi được phát hiện và cứu vớt, với hàng trăm vết thương còn rỉ máu. Còn lục phủ ngũ tạng bầm dập đến đâu thì không thể thấy hết được. Lúc đó, giám định thương tật cho thấy, em bị tổn thương tới gần 67% cơ thể. Đáng tiếc, cái địa ngục trần gian nơi Hào Anh chịu sự hành hạ chỉ cách trụ sở ấp Phú Hiệp - ấp văn hóa đúng một trăm mét. Nhưng người ta vẫn thờ ơ quay lưng, cho đến khi báo chí vào cuộc lại cuống cuồng xót xa, thương cảm, phẫn uất lên án.
Ngay sau đó, hàng trăm người đã quyên tiền cho em, số tiền lên đến 600-700 triệu đồng. Sở Lao động-thương binh và Xã hội đã giữ tiền, khi Hào Anh đến tuổi trưởng thành thì giao lại cho em. Hào Anh đã lấy tiền xây nhà, mời mẹ và cha dượng về ở.
Sau 4 năm, trên người Hào Anh vẫn còn nhằng nhịt các vết sẹo. Da thịt thì đã lành nhưng chưa ai đặt câu hỏi “Tâm hồn em rạn vỡ thế nào? Liệu đã lành hay phát triển méo mó, lệch lạc”. Chỉ đến khi em đập phá đồ đạc, chửi mắng, đuổi mẹ và cha dượng khỏi nhà – xây bằng tiền từ thiện của cac nhà hảo tâm (ngày 30.8) và bị công an tạm giam vì tội ngược đãi cha mẹ thì dư luận mới bừng bừng phẫn nộ.
Rất nhiều người lên các trang mạng tỏ ý giận dữ, thất vọng về cư xử của Hào Anh. Họ cho rằng em không xứng đáng với tấm lòng mà mọi người đã ủng hộ em, quyên tiền cho em. Rằng Hào Anh bất hiếu, mới có tí tiền đã tỏ ra coi thường cha mẹ, hành xử côn đồ. Em khiến họ ngỡ ngàng, sốc vì cư xử thiếu “biết ơn” như vậy.
Nhưng theo đánh giá của chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn (Hà Nội), điều này không có gì bất ngờ. Ông Chất cho biết, một đứa bé bị tổn thương về thể xác lẫn tinh thần, sống thiếu tình yêu thương, dạy bảo của cả cha lẫn mẹ, sớm bị rơi vào tổ quỷ, chịu đựng những trận đòn thừa sống thiếu chết, nghe những lời mắng chửi xỉ nhục – không nhìn nhận, hành xử méo mó mới là lạ. Vết thương trên thân xác có thể chữa trong vài tháng, nhưng vết thương lòng phải chữa trị vài năm, thậm chí cả đời.
Nhưng vừa thoát khỏi cảnh tủi hờn chưa được bao lâu, em đã bị một “cục tiền” rơi vào đầu. Thật khó tránh việc em không chịu học hành, làm việc, chỉ tiêu tiền hoang phí, ăn chơi vô độ như một cách “bù đắp” sự khổ cực, tổn thương của mình.
Cho tiền chưa đủ
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ- Hạnh phúc) cũng phân tích, những sang trấn tâm lý mà Hào Anh đã gặp phải sẽ khiến em nhìn nhận các giá trị sống một cách méo mó. Em không chịu học hành, đi làm mà chỉ thích rong chơi, tiêu tiền, đua đòi. Trong thâm tâm, dù không nói ra, em vẫn có sự giận dữ với người mẹ đã vô tình đẩy em vào cảnh bạo hành như vậy.
Do đó, lúc giận dữ, không hài lòng với mẹ, lại cho rằng nhà là cái giá mình có được vì sự bạo hành nên em đã có cách cư xử bất hiếu như vậy với mẹ. “Mọi việc xảy ra đều có nhân, có quả, không có lửa, không có khói” – bà Túy cho biết. Người mẹ cũng phải chịu trách nhiệm khi không giúp con quản lý tiền bạc mà lại dung túng cho con mua sắm phung phí, trang trải nợ nần.
Cũng theo bà Túy, những câu chuyện Hào Anh hay chùa Bồ Đề còn để lại những bài học chua xót về lòng từ thiện, về sự giúp đỡ, trách nhiệm của những người làm công tác chăm sóc trẻ em, nhất là những trẻ em côi cút, khó khăn. “Chúng ta không chỉ vì động lòng trắc ẩn mà đưa cho các em một ít tiền là đã đủ.
Những đứa trẻ như Hào Anh không chỉ cần tiền là đã có hạnh phúc, đã có thể lớn lên thành người hữu ích. Chúng ta cần phải có trách nhiệm với đồng tiền mình bỏ ra, xem rằng tiền ấy sẽ giao cho ai, chi tiêu thế nào để có thể giúp các em thành người tốt, người có ích. Nếu Sở LĐ, TB-XH chỉ “giữ tiền” cho Hào Anh, đợi em lớn rồi giao lại là đã “phủi tay” trách nhiệm là chưa đủ. Trước khi giao tiền cho em, họ cần phải chắc chắn em đã được giáo dục đầy đủ, đã có định hướng rõ ràng để chi tiêu cho xứng đáng với lòng tốt của mọi người. Nhưng ngoài tiền, Hào Anh chẳng có hành trang gì để bước vào cuộc sống. Chính vì vậy, em mới phung phí hảo tâm của mọi người thành xe máy, ipad, điện thoại… Kết cục là tiền hết, không học hành, nghề ngỗng, cư xử cục cằn, bất hiếu…” – bà Túy chua xót.
Bà Túy còn cho rằng, cuộc đời của Hào Anh nếu cứ phát triển theo chiều hướng này có thể sẽ đau khổ chẳng kém gì thời kỳ em bị hành hạ 4 năm trước. Vì em đang được mẹ bao bọc, nâng niu, dư luận xót xa, thương cảm, nhưng nay họ lại quay sang giận dữ, chỉ trích, cười chê em. Hào Anh có thể sẽ cảm thấy thế giới sụp đổ, quay lưng với em một lần nữa. Và sự sụp đổ này được nhiên tệ hại hơn lần trước.
Hào Anh nên bắt đầu bằng việc học nghề, kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt của mình. Có như vậy, em mới quý trọng đồng tiền và tìm lại giá trị cuộc sống của mình” – chuyên gia Lê Thị Túy |