'Trách Hào Anh một, trách mẹ em mười'

Ngày 04/09/2014 21:35 PM (GMT+7)

"Hào Anh thiếu lễ phép nhưng không nên trách nhiều bởi trước đây em sống trong “địa ngục” thời gian dài. Ý thức và hành động của em ít nhiều do ký ức gây ra", một bạn đọc chia sẻ.

Cha mẹ chiều và có tiền sinh tật?

Mở đầu chia sẻ của mình, độc giả Linh viết, trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, Chí Phèo cũng bị bạo hành lúc nhỏ nên được dân làng đùm bọc nuôi dưỡng. Nhưng sau lần đi tù về bản tính nhân vật này khác hẳn khiến dân làng tránh xa.

Đến cuối truyện, khi Chí Phèo nhận được bát cháo của Thị Nở thì mới nhận ra mình đã sai với làng xóm. “Vì vậy, nếu Hào Anh không thay đổi, cơ quan chức năng phải có biện pháp can thiệp vì Hào Anh là người được xã hội giúp đỡ. Không thể lấy quá khứ lấp liếm việc làm hiện tại, không được dựa vào quá khứ để muốn làm gì làm”.

Nhìn nhận về sự ngỗ ngược của Hào Anh, nhiều độc giả cho rằng lỗi chính thuộc về cha mẹ cậu. Họ dạy dỗ cậu không đến nơi đến chốn, chỉ chiều chuộng, đáp ứng các đòi hỏi vật chất, từ đó Hào Anh ngày càng khó bảo. “Nếu trách Hào Anh một, tôi trách mẹ em mười”, bạn Thiên Trang chia sẻ quan điểm.

Theo phân tích của độc giả, cha mẹ sau khi ly dị, thì người mẹ dù có nghèo khó tới đâu vẫn muốn giữ lại con để nuôi. Ngược lại, mẹ Hào Anh đi lấy chồng mới, không nuôi con, cũng không gửi tới cơ sở từ thiện mà còn đi bán con để làm đầy tớ rồi lấy tiền lương mỗi tháng của con như thế. Hào Anh đã có tuổi thơ với nỗi đau, tủi nhục, không được học hành và nuôi dậy tử tế do bố mẹ mang đến. Nhưng khi em được các nhà hảo tâm cho tiền thì cả nhà xúm vào thương. Đó là thương con và giờ trách con bất hiếu?

“Vì sao nhiều người mẹ đi bán máu để kiếm tiền cho con ăn học nhưng họ vẫn làm? Vì sao nhiều người mẹ sáng trèo đèo lội suối đưa con đến trường, đêm bắt đom đóm soi đèn cho con học bài nhưng họ vẫn không than trách? Đừng đổ lỗi tại nghèo, còn rất nhiều người mẹ nghèo, không chồng, chỉ biết đi nhặt lon, quét rác nhưng họ cho con ăn học tử tế”, bạn đọc lên tiếng để bảo vệ Hào Anh.

#039;Trách Hào Anh một, trách mẹ em mười#039; - 1

Hào Anh nhận tiền từ những nhà hảo tâm.

Bên cạnh nguyên nhân khiến Hào Anh hư hỏng là do đấng sinh thành, một số người còn nhận định, những tác động bên ngoài xã hội cũng là lý do khiến chàng trai 14 tuổi ngày nào thành người ngỗ ngược như hiện nay.

Bạn đọc Đức Nghĩa nhìn nhận, trong trường hợp này Hào Anh thiếu lễ phép nhưng không nên trách em nhiều bởi trước đây Hào Anh sống trong “địa ngục” thời gian dài. Ý thức và hành động của em ít nhiều do ký ức gây ra. Một người sống trong sợ hãi và thiếu tình thương suốt nhiều năm thì suy nghĩ và tinh thần khó có thể trở lại như một người bình thường trong thời gian ngắn.

“Đây là bài học cho những nhà hảo tâm và cả cộng đồng vì quá nuông chiều Hào Anh nên mới đến cơ sự này. Nếu ngày xưa chúng ta sáng suốt hơn, giúp đỡ bằng những cách thiết thực hơn thì việc đâu đến nỗi thế”, bạn đọc Hiếu nói.

“Những người có ăn có học còn mắc sai lầm, huống chi Hào Anh đã có một tuổi thơ cơ cực, hoàn cảnh éo le. Sống trong một môi trường giáo dục chưa tốt ngay từ đầu và khi nhận được một số tiền lớn, chàng trai 18 tuổi sinh ra ỷ lại”, theo chia sẻ của bạn Bùi Duy Chinh.

Điều độc giả tiếc nuối chính là đã ủng hộ tiền quá nhiều và vô tình làm hỏng Hào Anh, thay vì cho cần câu chứ không cho con cá. “Giá mọi người giúp em đi học nghề và biết cách quản lý số tiền thì em sẽ không đến nỗi như vậy”, Nguyễn Phú nói.

Ruồng bỏ Hào Anh, hậu quả khôn lường

Khi chứng kiến sự việc của Hào Anh, nhiều người từng thương xót và giúp đỡ Hào Anh thể hiện sự tiếc nuối vì lòng tốt đã bị phụ. Anh Duy Chinh suy nghĩ những nhà hảo tâm sẽ rất buồn khi nghe tin này nhưng cái họ cho đi, quyên góp là từ khi em còn nhỏ, chưa ý thức được. Thế nên, Hào Anh với tuổi trưởng thành phải chịu trách nhiệm trước những hành động của mình.

“Không ai tính toán so đo với số tiền ấy. Có lẽ sau này khi hiểu rõ Hào Anh sẽ biết quý trọng và sống tốt hơn. Chỉ mong xã hội đừng thêm một lần ruồng bỏ em, hậu quả sẽ khôn lường bởi em không còn là một cái cây non”.

#039;Trách Hào Anh một, trách mẹ em mười#039; - 2

"Đừng thêm một lần ruồng bỏ em, hậu quả sẽ khôn lường".

“Số tiền hiện giờ em có được để xây dựng căn nhà đang ở chính là đồng tiền của các mạnh thường quân giúp đỡ để em sau này có cuộc sống tốt hơn, không phải chịu những thiệt thòi như lúc em đi làm ở trại tôm giống Minh Đức. Họ muốn em sống tốt, lễ hiếu, là người có ích cho xã hội. Hãy suy nghĩ lại những hành của mình”, bạn đọc Trần góp ý.

Anh Lê Minh Phúc cũng muốn dành cho Hào Anh một cơ hội, bởi anh nghĩ trong phúc có họa, trong họa có phúc. Trước Hào Anh gặp họa là bị vợ chồng bà chủ hành hạ dã man, sau gặp phúc là được người hảo tâm giúp đỡ, cho tiền để cất nhà. Nhưng điều phúc này lại trở thành họa khi Hào Anh có tiền lại ăn chơi, đối xử chưa tốt với bố mẹ. “Xin mọi người hãy có một ánh nhìn rộng lượng hơn và tấm lòng bao dung hơn để dẫn em đi lại đúng con đường với tuổi đời mới 18”.

Độc giả cũng hy vọng Hào Anh sau khi nói lời xin lỗi với bố mẹ sẽ thay đổi trở thành con người có ích.

“Mọi người xung quanh em và xã hội sẽ luôn dõi theo và ủng hộ em. Bước qua lỗi lầm, vết xe đổ của chính bản thân là rất khó nhưng không phải là không thể. Đường chỉ tay là định mệnh của mỗi người, nhưng em hãy nhớ, đường chỉ tay luôn nằm trong lòng bàn tay ta. Có nghĩa là định mệnh của em luôn nằm trong lòng bàn tay em, không ai thay đổi được nó ngoại trừ chính mình”, một bạn đọc gửi gắm.

“Chúng ta bày tỏ quan điểm cá nhân, còn trách nhiệm và sự lựa chọn là của em. Biết đâu khi mất hết, em sẽ tỉnh ngộ hoặc ngược lại. Cuộc sống vốn là như vậy. Không giúp được cũng không nên ruồng rẫy, sỉ vả. Hãy để cho pháp luật, xã hội và thời gian trả lời. Khi lớn lên nhiều hơn tự khắc một con người sẽ hiểu dù là có muộn đi chăng nữa, nhưng nó sẽ là bài học quý báu và đắt giá”, anh Duy Chinh chia sẻ.

Theo Nhật My
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vụ hành hạ dã man cháu Hào Anh