Cá trèn - loại cá dân dã ở miền Tây giờ đây đã "nâng đời" thành đặc sản ở thành phố, có mặt trong nhiều nhà hàng, quán ăn với giá lên tới 700.000 đồng/kg.
Mùa lũ miền Tây không chỉ mang theo dòng phù sa bồi đắp cho đất trồng mà còn chở theo những sản vật phong phú mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây, trong đó có cá trèn.
Cá trèn có nhiều ở vùng biển Hồ thuộc Camphuchia và các vùng thuộc sông Tiền và sông Hậu. Hàng năm đến mùa nước nổi, cá trèn từ biển Hồ theo dòng nước sông lớn đổ về Việt Nam. Tại đây, cá trèn tranh thủ kiếm ăn rồi đẻ trứng. Những đứa con của chúng lớn lên ở Việt Nam đến độ thu hoạch sẽ được bà con đánh bắt chế biến thành nhiều đặc sản tuyệt vời.
Cá trèn có nhiều ở miền Tây sông nước
Cá trèn thuộc họ cá nheo, loại cá không vảy, da trơn, mình dẹp, đuôi mỏng với đầu cá có lớp sụn rất giòn, hai râu cá ở hai bên mép miệng. Có 2 loại cá trèn, loại đuôi rất mỏng là cá trèn lá; loại có cái bụng lớn gọi là cá trèn bầu. Con trèn bầu bụng phệ, có màu vàng xanh, thịt béo và mềm nên thích hợp với các món kho, chiên. Cả 2 loại đều có kích thước nhỏ, đặc biệt loại trèn lá con nhỏ cỡ 1 ngón tay, y như cái lá dẹp, mình trong veo không có máu tanh.
Chị Nhã An (ở Tiền Giang) cho biết, cá trèn là loại cá đặc sản ở quê chị, có đặc điểm riêng về mặt hình thể và mùi vị, không lẫn vào đâu được. "Con cá lưỡi trâu sầu đâu méo miệng; con cá trèn bầu nhiều chuyện sứt môi” là câu ca quen thuộc của người dân vùng sông nước miền Tây Nam bộ nói về loài cá này. Có lẽ vì trời sinh hình dáng cái miệng quá đổi kiêu sa hàm dưới dài hơn hàm trên mà người ta ví von cá trèn là loài nhiều chuyện, sứt môi".
Có lẽ vì trời sinh hình dáng cái miệng quá đổi kiêu sa hàm dưới dài hơn hàm trên mà người ta ví von cá trèn là loài nhiều chuyện, sứt môi
Theo chị An, trước đây, vào mùa nước nổi, người dân quê chị lại mang chài lưới ra bắt cá trèn về chế biến các món ăn. "Hồi đó cá trèn, cá linh nhiều vô kể, đến mùa cứ mang vợt ra một lúc cũng được một mớ đầy ắp. Những món ăn từ cá trèn có mặt trên mâm cơm dân dã của người dân khi đó. Cá trèn bầu kho lạt, kho tộ, ướp sả ớt chiên vàng, làm mắm và khô một nắng... thì ngon hết cỡ. Nếu bắt được nhiều mà ăn không hết thì đem muối mắm, hoặc cho gia súc ăn. Loại cá này cũng có được bán ở chợ nhưng giá rất rẻ.
Bây giờ lượng cá trèn trong tự nhiên không dồi dào như trước. Hơn nữa, nhiều người đánh bắt nên số lượng cá trèn cũng hạn chế. Giờ ở xa quê, thỉnh thoảng tôi lại nhớ nồi cá trèn, cá linh kho tộ của bà, của mẹ. Lúc đó chưa có nhiều của ngon vật lạ như bây giờ, có nồi cá kho là thấy ấm áp lắm rồi", chị An kể.
Cá trèn giờ đây có mặt trong nhiều nhà hàng, quán ăn, được nhiều du khách biết đến
Từ loại cá dân dã, mấy năm gần đây, cá trèn "lên đời" thành đặc sản nổi tiếng được người dân thành phố săn lùng, có mặt trong các nhà hàng, quán ăn nổi tiếng và rất được lòng du khách mỗi khi đến với miền Tây. Theo khảo sát, trên chợ mạng và các cửa hàng bán cá đặc sản, cá trèn tươi có giá 200.000-300.000 đồng/kg. Trong khi đó, cá trèn khô, cá trèn một nắng có thể lên tới 700.000 đồng/kg và phải đặt trước mới có.
Cá trèn một nắng có giá lên tới 700.000 đồng/kg
Cá trèn khô đóng túi vận chuyển cho khách ở khắp các tỉnh thành
Vào khoảng tháng 9 đến tháng 3 năm sau là thời điểm cá trèn dồi dào nhất. Bà con đánh bắt cá trèn tươi về rồi làm sạch, sau đó tẩm ít muối phơi đúng 2 nắng gắt rồi đóng gói vận chuyển đi xa cho khách. Quá trình chế biến và phơi khô cá trèn phụ thuộc vào ngày nắng gắt và phải che chắn cẩn thận để tránh côn trùng xâm nhập.
Khô cá trèn một nắng chiên giòn là hấp dẫn nhất, vừa thơm ngon, vừa béo, không tanh, dễ kích thích vị giác. Hiện nay, tại các nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh miền Tây đều có sẵn món cá chiên một nắng thơm ngon để phục vụ du khách. Đến Tết, người dân khắp nơi lại đặt khô cá trèn để ăn Tết và tiếp đãi khách gần xa.