Đây là loài cá sống trong tự nhiên, vào mùa từ khoảng tháng giêng tới tháng 4 âm lịch. Trước đây, cá mòi nhiều vô kể, vớt mỏi tay, còn bây giờ nó trở thành đặc sản hiếm được săn lùng.
Mùa xuân, khi cái lạnh đã dần tan, khi tiết trời ấm áp hơn và các dòng sông trở nên trong xanh, hiền hòa thì cũng là lúc từng đàn cá mòi lại tìm về. Loài cá này là giống cá sinh sống ở vùng biển và vùng nước lợ ở cửa sông, có nhiều nhất ở sông Hồng, sông Yên, sông Thu Bồn...
Về hình dáng, cá mòi khá giống với con cá trích biển, toàn thân có màu trắng, mình dẹt, vảy nhỏ, da cá bóng mỡ màng, thịt cá mềm, có nhiều xương nhỏ và mềm. Mỗi con chỉ dài khoảng 15 cm và nặng khoảng 30g. Thức ăn của chúng là rong rêu, trứng cá, lăng quăng và các loại tôm tép nhỏ. Ban ngày cá mòi ở độ sâu khoảng 30 – 60 m và ban đêm chúng trồi lên ở độ sâu 15 – 30 m.
Cá mòi có hình dáng giống với cá trích.
Trước đây, cá mòi có nhiều vô kể trong tự nhiên. Đến mùa, mòi kéo về đây hội tụ, nổi đầy mặt sông. Người dân ven sông tổ chức đơm đó, đặt nò để bắt cá, dụ cá. Có những năm cá nhiều, mỗi ngày mỗi gia đình vớt được vài tạ cá; thậm chí có mùa nhiều nhà còn phải làm mắm, hoặc phơi khô để ăn và bán cho bà con trong những ngày mưa gió với giá cực kỳ rẻ.
Anh Hoàng (sinh sống ở gần sông Thu Bồn) cho hay: "Cá mòi có một bản năng rất đặc biệt. Chúng được sinh ra ở sông nhưng lại bơi ra biển để sống, chỉ đến mùa xuân - mùa sinh sản - chúng mới chịu quay về "cố hương", nơi "chôn nhau cắt rốn". Loại cá đến mùa sinh sản da trắng lấp lánh vảy bạc, loại cá phát tiết từ bộ da vảy ra mùi cá thật đặc trưng mà có thể đặt tên là “mùi cá mòi”. Lúc đó, người dân đi thuyền chài ra đánh cá, thành quả của một buổi chiều lao động là bầy cá mòi nặng trứng, ánh bạc, nhảy loi choi văng vảy lấp lánh, cá đều một lứa, vây và đuôi ánh vàng, lưng ánh bạc. Những ngày nắng ấm, lượng cá đánh bắt nhiều, bán không hết thì mang phơi làm khô cá, muối mắm".
Cá mòi nhiều xương nhưng thịt trắng, thơm, béo ngậy
Còn bây giờ, cá mòi trong tự nhiên không còn nhiều, hơn nữa có thời điểm nhiều người dùng chích điện khai thác theo kiểu đóng đáy, sử dụng lưới cào nên lượng cá mòi lên đây sụt giảm hẳn.
Trước đây, những món dân dã từ cá mòi như cá mòi nấu canh rau sam, cá mòi chiên, kho nghệ, hay cá được bỏ đầu, bỏ vây, làm sạch, băm nhỏ, cuộn thành chả rồi rán giòn, dậy lên hương vị thôn quê thơm lừng. Cách chế biến cá mòi hết sức đơn giản, không cầu kì, không cần nêm nhiều loại gia vị nhưng vẫn toát lên vị thơm ngon hấp dẫn. Những món từ cá mòi xuất hiện trong các nhà hàng, quán ăn sang trọng, trở thành đặc sản quê ở thành phố.
Cá mòi có thể chế biến thành nhiều món ngon
Món cá mòi chiên giòn
Giờ đây, cá mòi thành đặc sản ở thành phố nhưng số lượng không có nhiều. Theo khảo sát, cá mòi được bán với giá từ 60.000-120.000 đồng/kg nhưng số lượng không có nhiều.
Chị Tuyết Hạnh (người bán cá mòi sông Hồng trên chợ mạng) chia sẻ, cá mòi vẫn lạ lẫm với người dân thành phố nên nhiều người tò mò mua về ăn thử. Con cá này giống với cá trích, thịt trắng nhưng lại nhiều xương nhỏ nên khi chế biến phải khéo léo.
Ngoài cá mòi tươi, một số địa chỉ còn bán cà mòi kho sẵn. Cá kho hoàn toàn thủ công, bằng nồi gang hoặc nồi đất trên bếp lửa trong vòng 10 - 12 tiếng đồng hồ cho đến khi nhừ xương, ăn được cả con cá không bỏ đi chút nào, hương vị đậm đà, béo ngậy.
Theo tìm hiểu, cá mòi cung cấp một lượng lớn vitamin và khoáng chất cho cơ thể, cung cấp vitamin B2, vitamin B12, giúp hỗ trợ hệ thống thần kinh và nâng cao khả năng tiêu hóa. Bên cạnh đó cá còn cho một lượng khoáng chất như phốt pho, canxi, kali và các khoáng vi sắt, selenium, là một nguồn axit béo omega 3 làm tăng sức khỏe tim mạch.