Cá ngát có nhiều ở Hậu Giang, hai bên mang là hai ngạnh cứng và nhọn. Nọc của chúng rất độc và tập trung nhiều ở những đầu ngạnh này.
Cá ngát thuộc loại cá da trơn, ăn tạp, thường sống ở đáy sông và trong vuông tôm... Loài cá này có nguồn gốc từ Ấn Độ Dương, miền tây Thái Bình Dương, Nhật Bản... Tại Việt Nam, cá ngát có nhiều ở miền Tây, đặc biệt là đặc sản nổi tiếng của Hậu Giang.
Về vẻ bề ngoài, cá ngát rất giống với con cá trê song chúng có nhiều râu hơn, màu đen sẫm và lớn hơn nhiều so với cá trê. Đuôi của chúng nhọn hoặc tròn tù, phần lớn các loài có 4 râu. Trên thân cá ngát, đặc biệt là phần bên mang của nó có hai ngạnh cứng và nhọn có chứa nọc độc. Nọc độc này có thể gây tử vong vì rất mạnh, vì thế lúc sơ chế hay đánh bắt cá, cần cẩn thận để không bị đâm trúng.
Nhìn bên ngoài, cá ngát rất giống với con cá trê nên nhiều người nhầm lẫn
Mùa sinh sản của loại cá này từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch. Theo nhiều tài liệu, cá ngát là thực phẩm tốt cho sức khỏe vì rất giàu chất dinh dưỡng như can-xi, sắt, các loại vi-ta-min B1, B2, ô-mê-ga 3...
Nếu như trước đây, cá ngát nhiều đến mức người ta chẳng thèm ăn, thì hiện nay nó đã trở thành món đặc sản được nhiều người dân trên thành phố săn lùng với giá bán 100.000 - 140.000 đồng/kg. Từ cá ngát có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như cháo cá ngát cốt dừa, cá ngát kho tộ, cá ngát xào lăn, canh chua cá ngát...
Khô cá ngát còn có giá lên tới 230.000 đồng/kg và trở thành đặc sản nổi tiếng của Hậu Giang. Khô cá ngát chế biến đơn giản cùng các loại gia vị quen thuộc như tiêu, muối, đường, ớt mang lại cảm giác vừa ăn hương bị cay cay nên khô cá ngát được người dân xem là món ăn vặt hay một món mồi nhậu rất phù hợp. Để làm được khô cá ngát, dân làng chài chọn những con cá sống, bỏ đầu và chẻ dọc theo xương sống sau đó đem tẩm ướp các loại gia vị cho vừa ăn.
Khô cá ngát giờ là đặc sản nổi tiếng được người dân thành phố tìm mua
Anh Hoàng Văn Thanh (một người chuyên đi "săn" cá ngát) cho biết những con cá ngát tuy có kích thước vừa phải nhưng lại rất nguy hiểm vì chúng quẫy mạnh, phải thật khéo léo mới ngự được chúng. Hơn nữa, hai bên mai có ngạnh cứng và nhọn, nọc độc của nó có tập trung nhiều ở phần ngạnh nên phải rất cẩn thận.
"Nếu bị cá ngát đâm thì rất nhức, có người bị đâm rồi bị hành mấy ngày liền không hết. Nếu người không quen chắc chắn sẽ không dám gỡ cá. Khi cầm con cá trên tay phải có "thế", cố định đầu cá để không bị nó đâm.
Trước đây cá ngát có nhiều lắm, ăn không hết còn mang ra chợ bán nhưng giá rất rẻ. Còn bây giờ, loại cá này trở thành đặc sản được người sành ăn tìm mua nên giá cao hơn nhiều", anh Thanh cho hay.
Theo anh Thanh, thường cá ngát là loài ăn tạp, thích sống những nơi sâu, nước xoáy và có nhiều gốc cây, hang đá hoặc rọ đá, chỉ cần tìm đúng địa điểm của chúng thì có thể vợt được cả mẻ rất to. Nhưng giờ cá ngát trong tự nhiên không còn nhiều nên ngày nào may mắn thì những ngư dân ở đây cũng chỉ được tầm chục kg. Thời điểm săn cá thích hợp nhất là rạng sáng, lúc con nước lớn.
Cá ngát giờ rất hiếm, giá đắt đỏ hơn nhiều so với trước đây
"Hàng có bao nhiêu các thương lái hoặc nhà hàng thu mua bấy nhiều. Thỉnh thoảng bạn tôi ở thành phố gọi điện nhờ lấy vài chục cân gửi lên thành phố. Từ một loại cá ở quê, giờ đây cá ngát đã giúp người dân vùng sông nước Hậu Giang đổi đời", anh Thanh cho hay.
Là người bán cá ngát trên chợ mạng, chị Bích Huyền cho biết: "Trong các đặc sản ở miền Tây thì khô cá ngát được người thành phố hỏi mua nhiều. Tôi lấy cá của bà con làng chài, tìm địa chỉ uy tín, chất lượng sau đó bán đi các tỉnh thành. Một số khách đặt lần đầu còn gọi điện đặt những lần sau vì cá ngát vừa thơm vừa ngon. Tuy là cá khô nhưng thịt vẫn mềm, gia vị vừa miệng và rất ngon".