Loài này trông vẻ bề ngoài gớm ghiếc, ai cũng thấy sợ nhưng thực chất nó là đặc sản nổi tiếng, lại còn rất tốt cho sức khỏe.
Sâu đất còn có tên gọi khác là cật đất, đồn đột, chặt khoai, sâm đất.... Ở Việt Nam, sâu đất có nhiều ở những bãi đất cát pha bùn, trong đó vùng ven rừng ngập mặn ở Quảng Ninh là nơi có nhiều sâu đất nhất.
Sâu đất có vẻ bề ngoài giống con sá sùng nhưng màu đậm hơn
Nhìn bề ngoài, sâu đất có hình dáng giống với con sá sùng nhưng màu đậm hơn, sâu đất có màu đen thay vì màu hồng nhạt như sá sùng. Nó nằm dưới lớp bùn cát từ 10 đến 30 cm. Nó có hình trụ thon dài, khi vừa bắt lên cho vào thùng thì co lại. Nhiều con to gần bằng ngón tay cái. Nhiều người thấy con sâu đất sẽ rất kinh hãi, thậm chí không thèm ngoảnh cổ lại, nhưng thực chất sâu đất là một đặc sản đắt đỏ mà không phải ai cũng có cơ hội được thưởng thức.
Từ con sâu đất có thể chế biến thành các món án, xào, nướng hoặc nấu cháo vừa ngon vừa bổ dưỡng. Nhiều nhà hàng ở Quảng Ninh đã đưa sâu đất vào thực đơn với giá không hề rẻ. Theo dân gian, sâu đất có công dụng bổ thận, ích tinh, chữa yếu sinh lý, liệt dương...
Những món ăn chế biến từ con sâu đất còn có mặt trong các nhà hàng ở Quảng Ninh, giá không hề rẻ
Anh Hoàng An (một người sống ở Vân Đồn, Quảng Ninh) cho biết sâu đất sau khi bắt về sẽ được rửa sạch lớp bùn đất bám ở phía ngoài, rồi làm sạch ruột bên và lộn ngược lại. Sâu đất sau khi lộn từ bên trong ra bên ngoài sẽ có màu trắng.
Trên thị trường, sâu đất được bán với giá từ 500.000-600.000 đồng/kg, lúc khan hiếm hoặc dịp cận Tết, giá sâu đất có thể lên tới 800.000 đồng/kg nhưng phải đặt trước mới có hàng.
"Sâu đất trước đây có rất nhiều, người dân bắt về để chế biến các món ăn hoặc đãi khách. Giờ đây, lăn lộn cả ngày cũng chỉ bắt được 1-2 kg, giá lại tăng vọt lên nên không mấy ai giữ lại ăn, chủ yếu là bán cho khách đặt trước hoặc nhập cho các nhà hàng", anh Hoàng An chia sẻ.
Sâu đất ở sâu dưới bùn đất nên việc khai thác không hề đơn giản
Người dân ở vùng ven biển gọi sâu đất là "lộc biển" bởi thu hoạch loài này mang lại nguồn thu nhập cao, giúp họ cải hiện đời sống những năm gần đây.
Chị Bích Loan (người có kinh nghiệm 20 năm làm nghề săn sâu đất) cho hay: "Để đào được sâu đất không hề đơn giản, phải nhanh và lành nghề mới được. Muốn đào sâu đất phải tìm đúng hang ổ của nó, đó là những lỗ nhỏ có ụ bùn cát đùn lên xung quanh. Những chỗ nào thưa mắt thì chỗ đấy nhiều con to và dày thịt.
Công cụ để săn sâu đất là một chiếc cuốc kèm theo xô hoặc thùng. Khi phát hiện chỗ có sâu đất thì người đi săn bắt đầu cuốc. Sau nhát đầu tiên, những nhát sau phải cuốc thật nhanh vì chỉ cần nghe tiếng động nhỏ là con vật sẽ luồn sâu xuống dưới. Thông thường sâm đất có quanh năm, những tháng nước lên thì có nhiều hơn. Nghề này cũng khá cực khổ vì phải lặn lội nhiều, có khi trời mưa thì ướt hết, bị muỗi đốt là chyện thường xuyên".
Mỗi ngày mỗi người chỉ bắt được 1-2kg sâu đất
Theo chị Loan, mỗi chuyến đi săn sâu đất chỉ được vài cân mang về chứ không nhiều như trước đây, hàng thì ít nhưng có đến đâu khách đặt đến đấy.
Trong một lần đi công tác ở Quảng Ninh, được người dân chiêu đãi món sâu đất xào lăn, anh Quỳnh (ở Hà Nội) chia sẻ: "Lúc nhìn đĩa sâu đất tôi hãi lắm, từ bé tôi đã khiếp sợ mấy loài da trơn như thế này, nhưng lấy can đảm thử một miếng, tôi thật sự bất ngờ bởi sâu đất có vị vừa ngọt vừa thơm, rất hấp dẫn. Sau đó, tôi có nhờ mua 2kg để mang về thành phố ăn dần và biếu bạn bè, ai ăn cũng ghiền. Giờ thỉnh thoảng tôi vẫn nhờ bạn ở Quảng Ninh mua hộ chứ ở Hà Nội hầu như không thấy bán loại đặc sản này".