Bông điên điển được biết đến là đặc sản của miền Tây Nam Bộ. Chúng mọc dại quanh bờ rạch, bờ mương mỗi khi đến mùa nước nổi.
Miền Tây sông nước không chỉ trù phú cá tôm mà các loại rau, thực vật cũng đa dạng không kém. Mỗi năm, khi đến mùa nước nổi, nơi các bờ sông, bờ rạch, bờ ruộng, những cây điên điển chết héo bỗng xanh tươi trở lại. Khi con nước tràn ngập các bờ sông, đồng ruộng, cũng là lúc điên điển trổ đầy cành những đóa hoa vàng rực màu, làm người dân nơi đây nhớ về những câu hát: "Miền Tây xanh sắc mây trời, phù sa nước nổi người ơi đừng về. Với màu điên điển say mê, vàng trong ánh mắt, vỗ về gót chân...".
Bông điên điển là đặc sản của miền Tây Nam Bộ
Cây điên điển còn có tên gọi khác là muồng rút hay điền thanh bụi, điền thanh đầm lầy. Thân cây tròn bóng có màu xanh sọc tím, chúng phân nhánh nhiều, mang các lá kép lông chim từ 30-40 là chét. Phần rễ cây ăn sâu xuống 60-70cm. Bông điên điển màu vàng mọc thành từng chùm có 8-10 hoa to. Phần quả thẳng buông thẳng có chiều dài 20-30 cm, hạt có hình cầu, màu nâu bóng. Khi trái điên điển chín, hạt sẽ tự rơi xuống mặt đất rồi mọc ra cây khác vào năm sau.
Loại cây này mọc hoang dại đầy ở các đầm ao, bờ đê, bờ mương. Cây điên điển phát triển rất nhanh, không cần chăm sóc vẫn cho bông rất sai.
Loại cây này mọc hoang dại đầy ở các đầm ao, bờ đê, bờ mương
Chị Lài Nguyễn (ở An Giang) cho biết những ngon điên điển cao chót vót trên cao, muốn hái phải với cành xuống để lấy từng chùm bông. "Vào mùa nước nổi, người dân quê tôi chèo xuồng hái bông điên điển về chế biến thành nhiều món ăn ngon như làm dưa chua, nấu canh, làm gỏi, xào với gỏi tép đồng... hoặc ăn sống chấm cá kho, nhúng lẩu chua, ăn kèm với bún cá... Mùi vị của điên điển cũng khá đặc biệt, nhẩn nhẩn, đăng đắng, nhai lâu thì cảm nhận được vị ngọt và bùi bùi đan xen đậm đà nơi đầu lưỡi, không lẫn vào đâu được", chị Lài cho hay.
Nếu trước đây, bông điên điển giúp người dân cải thiện bữa ăn, thậm chí là món ăn "cứu đói" thì ngày nay, bông điên điển giúp mọi người có thêm thu nhập bên cạnh việc đánh bắt cá, tép trên những cánh đồng màu nước nổi. Anh Huỳnh Hà (xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết đến mùa, cả nhà anh cùng nhau đi hái bông điên điển, mỗi ngày cũng được khoảng 20-30 kg. "Tận dụng mùa nước nổi, 2 vợ chồng tôi và các con dậy từ 2 giờ sáng, hái xong bán cho các thương lái với giá 25.000 đồng/kg. Vào cuối vụ, số lượng ít hơn thì giá tăng cao hơn, 35.000-40.000 đồng/kg. Tính trung bình mỗi vụ bông tôi thu về 50-60 triệu đồng".
Bông điên điển có thể chế biến được thành nhiều món đặc sản, ăn sống chấm cá kho, nhúng lẩu chua, ăn kèm với bún cá
Anh Hà tiết lộ, hái bông điên điển nên hái vào buổi nửa đêm, từ 11h đêm hôm trước cho đến 10h sáng hôm sau bởi lúc đó bông hoa tươi, hé nhụy và kịp cho buổi chợ sáng. Còn đến buổi trưa, bông sẽ nở rộ, không còn độ thơm nữa.
Theo khảo sát, trên chợ mạng, bông điên điển được rao bán với giá 80.000-100.000 đồng/kg, trở thành món ăn đặc sản, có mặt trên các bàn tiệc ở nhiều nhà hàng, quán ăn ở đồng bằng Sông Cửu Long và TP.HCM. Bởi bông điên điển khó bảo quản, không để được lâu vì thế người bán phải đóng túi, ướp lạnh và bán trong ngày.
Thứ rau dại này được nhiều nhà hàng và người dân thành phố tìm mua
Chị Hạnh (ở An Giang, người bán đặc sản miền Tây trên chợ mạng) cho hay, đến mùa chị thu mua bông điên điển của bà con, sau đó bán trên mạng nhưng khác với các loại rau khác, bông điên điển nếu để lâu và không bảo quản sẽ mất mùi thơm đặc trưng. "Tôi đóng thùng xốp, ướp lạnh rồi chuyển đến các nhà hàng và khách sỉ trong ngày. Thời điểm cuối mùa, bông điên điển hiếm hàng, có hôm khách đặt nhưng không đủ hàng để bán".
Nhận thấy nhu cầu thưởng thức bông điên điển ngày càng cao, người dân miệt sông nước đã trồng điên điển giống Thái Lan để thu hoạch bông quanh năm. Bông trái mùa sẽ bán rất được giá, mang lại giá trị kinh tế cho nhiều hộ gia đình.